Tại hội nghị lấy ý kiến xây dựng đề án thu hút giáo viên tiểu học vừa được Sở GDĐT TP.HCM tổ chức, lãnh đạo Phòng GD tiểu học chia sẻ, ngoài việc phải dạy nhiều môn, giáo viên tiểu học còn phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác.
Theo đó, ngoài việc phải làm giáo viên chủ nhiệm, nhiều giáo viên phải kiêm nhiệm các chức danh khác như khối trưởng chuyên môn, Tổng phụ trách, Bí thư Chi Đoàn, Chủ tịch Công đoàn, giáo viên mạng lưới của Hội đồng bộ môn quận huyện…
Trong khi đó, riêng số tiết nghĩa vụ của giáo viên tiểu học đã là 23 tiết/tuần, kể cả giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên dạy bộ môn. Số tiết nghĩa vụ ở bậc THCS hiện nay là 19 tiết, ở bậc THPT là 17 tiết.
Ngoài số tiết bắt buộc, các giáo viên còn tham gia các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa cho học sinh; hỗ trợ công tác Đoàn – Đội; các phong trào, hội thi; tham gia xây dựng các chuyên đề, lên tiết thao giảng ở trường, quận, thành phố theo yêu cầu...
Bên cạnh đó, để có những tiết dạy đạt hiệu quả cao, giáo viên phải nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị và làm đồ dùng dạy học vào giờ nghỉ; tham gia các lớp học nâng cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, Anh văn, Tin học ngoài giờ dạy để nâng cao nghiệp vụ; làm báo cáo, hồ sơ sổ sách, liên hệ phụ huynh...
Đối với các giáo viên bộ môn (Mỹ thuật, Âm nhạc, Giáo dục thể chất, Tin học, Ngoại ngữ) phải thực hiện 23 tiết nghĩa vụ/tuần, mỗi giáo viên được phân công từ 12 đến 23 lớp khác nhau tùy theo bộ môn và số lượng tiết dạy. Do đó, số lượng học sinh phải theo dõi, nhận xét, đánh giá cũng tăng theo số lượng lớp được phân công, cá biệt có giáo viên phải thực hiện công tác đánh giá cho cả 805 học sinh/tháng (tính sĩ số lớp chuẩn theo điều lệ trường tiểu học)...
Theo lãnh đạo phòng Giáo dục tiểu học, giáo viên tiểu học hiện nay đang phải đảm đương lượng công việc nặng hơn 25% so với quy định.
Theo đánh giá của lãnh đạo Phòng Giáo dục tiểu học, cơ sở vật chất tại TP.HCM hiện chưa đồng bộ. Nhiều trường tiểu học có diện tích nhỏ hẹp do được xây dựng từ trước năm 1975, chỉ được sửa chữa ngắn hạn hoặc cải tạo nâng cấp nên không đạt chuẩn về cơ sở vật chất, không có đủ sân chơi để phát triển thể chất, tổ chức các hoạt động ngoại khóa …. Giáo viên giảng dạy phải nói nhiều, nói to do học sinh đông làm ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.
Ngoài ra, việc tiếp xúc hằng ngày với phấn trắng, bảng đen cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe của giáo viên. TP.HCM cũng là địa phương có số dân nhập cư đông dẫn đến số học sinh tăng hằng năm nên ít nhiều ảnh hưởng đến điều kiện làm việc của thầy và trò.
Đáng nói, về chế độ chính sách đối với lực lượng này còn hạn chế. Phòng Giáo dục tiểu học cho biết, ở trường công lập, giáo viên mới tuyển dụng có hệ số lương khởi điểm là 1,86. Tính tổng thu nhập sau khi đã trừ 10,5% bảo hiểm xã hội thì mỗi giáo viên mới ra trường nhận được khoảng 3,3 triệu đồng.
Không những thế, giáo viên còn có một số khoản đóng góp thường xuyên khác như công đoàn phí, đảng phí, quỹ vì người nghèo, quỹ phòng chống thiên tai… và một số khoản ủng hộ đột xuất khác.
Khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 ở cấp tiểu học, hoạt động dạy buổi 2 trở thành hoạt động bắt buộc và không được thu phí, giáo viên các khối lớp dần dần không có được thu nhập từ dạy buổi 2...
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho rằng, bậc giáo dục tiểu học tại TP.HCM gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua. Trong đó, khó khăn lớn nhất là việc thiếu giáo viên về biên chế, nhất là các môn đặc thù như tiếng Anh, giáo dục thể chất, nhạc, họa…
Để giữ chân, thu hút giáo viên tiểu học, ông Nam nhận định quan trọng nhất là hỗ trợ về tài chính. Hiện nay, Luật Giáo dục quy định không thu học phí bậc tiểu học, song khi cấp ngân sách thì bậc tiểu học lại ngang các bậc học khác, trong khi các bậc học khác lại được thu học phí. Đây là điều chưa hợp lý. Do vậy giải pháp cần thiết là phải hỗ trợ cấp bù học phí ở bậc tiểu học.