TP.HCM: Giáo viên tiểu học đảm đương công việc nặng hơn 25% so với quy định

Mỹ Quỳnh Thứ ba, ngày 07/02/2023 16:59 PM (GMT+7)
TP.HCM hiện còn thiếu 1.758 phòng học, thiếu 3.643 giáo viên. Giáo viên tiểu học hiện nay đang phải đảm đương lượng công việc nặng hơn 25% so với quy định.
Bình luận 0

Ngày 7/2, Sở GDĐT TP.HCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến xây dựng đề án thu hút giáo viên tiểu học. Theo lãnh đạo Sở, sau khi đề án được hoàn thiện sẽ trình HĐND TP.HCM để ban hành Nghị quyết thu hút, giữ chân giáo viên tiểu học.

Thiếu 3.643 giáo viên tiểu học

Phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến xây dựng đề án thu hút giáo viên tiểu học, ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng - Phó trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GDĐT TP.HCM) cho biết, trong năm học 2022 - 2023, toàn thành phố có 663.426 học sinh tiểu học.

TP.HCM: Giáo viên tiểu học đảm đương công việc nặng hơn 25% so với quy định - Ảnh 1.

TP.HCM hiện còn thiếu 1.758 lớp học, phòng học và thiếu 3.643 giáo viên. Ảnh: MQ

Căn cứ điều lệ trường tiểu học 35 học sinh/lớp thì tổng số lớp phải là 18.955 lớp, tương đương với 18.955 phòng học; số lượng giáo viên tiểu học căn cứ theo tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp thì thành phố cần đến 28.432 giáo viên. Như vậy, hiện thành phố còn thiếu 1.758 lớp học, phòng học và thiếu 3.643 giáo viên.

Theo ông Hoàng, do số lượng giáo viên còn thiếu là 3.643 người, tương đương với 12,8% số lượng giáo viên cần. Điều này có nghĩa là mỗi giáo viên hiện phải choàng gánh công việc nhiều hơn 12,8% so với số lượng công việc thực tế mà họ đảm nhận.

Trong ba năm học từ 2020 - 2021 đến nay đã có tổng cộng 219 cán bộ quản lý, 2.483 giáo viên rời khỏi ngành giáo dục, trong đó một phần do dịch bệnh gây ảnh hưởng nặng nề đến đội ngũ (39 người), phần khác rời khỏi ngành giáo dục vì đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ (1.181 người), nghỉ việc (1.233 người).

Ông Hoàng nhận định, căn cứ vào dữ liệu, trong ba năm qua, số lượng giáo viên nhiều môn tuyển dụng gần đủ với nhu cầu tuyển dụng. Các giáo viên còn lại số lượng tuyển thiếu nhiều so với nhu cầu, đặc biệt là giáo viên mỹ thuật, tin học và tổng phụ trách hàng năm số lượng tuyển dụng được chỉ xấp xỉ bằng 10% so với nhu cầu cần tuyển.

TP.HCM: Giáo viên tiểu học đảm đương công việc nặng hơn 25% so với quy định - Ảnh 3.

Mỗi giáo viên tiểu học tại TP.HCM đang phải đảm đương công việc nặng hơn 25% so với quy định. Ảnh: MQ

Nhu cầu tuyển dụng giáo viên ngoại ngữ là rất cao, chỉ đứng sau nhu cầu tuyển dụng giáo viên nhiều môn, tuy nhiên số lượng giáo viên ngoại ngữ tuyển dụng được chỉ đạt được xấp xỉ 25% so với nhu cầu, do đó, tình trạng thiếu hụt giáo viên ngoại ngữ vẫn còn là một vấn đề đặc biệt cần lưu ý.

Đáng nói, số liệu sinh viên được đào tạo và tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong ba năm từ 2020 - 2022 là 1.231 giáo viên, trong đó có 400 giáo viên có nơi sinh tại TP.HCM (giáo viên tiểu học là 597 và 188 sinh tại TP.HCM). 

Số liệu này cho thấy nguồn giáo viên đào tạo từ Trường ĐH Sư phạm TP.HCM là không đủ để cung cấp cho nhu cầu tuyển dụng hiện nay của thành phố. Chỉ riêng nhu cầu năm 2022 - 2023 đã là 1.166 giáo viên, chỉ tuyển được 662 giáo viên.

Áp lực tứ phía, giáo viên phải đảm đương công việc nặng hơn 25% so với quy định

Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục tiểu học, hiện nay, khối lượng công việc của giáo viên dạy tiểu học rất nhiều và áp lực cao. Với số liệu học sinh, lớp học và giáo viên như trên, giáo viên hiện nay đang phải đảm đương lượng công việc nặng hơn 25% so với quy định.

Trong khi đó, áp lực nghề nghiệp với đội ngũ giáo viên hiện nay là rất lớn, giáo viên đang chịu áp lực từ nhiều phía: từ học sinh, từ gia đình học sinh đòi hỏi phẩm chất, năng lực chuyên môn cao của các nhà giáo, đòi hỏi sự quan tâm hết mực đến từng học sinh từ các thầy cô giáo, khi xu hướng nhiều gia đình hiện nay khoán việc giáo dục tâm sinh lí học sinh giao hết cho các thầy cô giáo;

TP.HCM: Giáo viên tiểu học đảm đương công việc nặng hơn 25% so với quy định - Ảnh 4.

Giáo viên tiểu học cũng là những người đang phải chịu áp lực từ nhiều phía. Ảnh: MA

Áp lực từ trong nội bộ ngành giáo dục khi giáo viên phải hoàn thành nhiều chỉ tiêu, thành tích... Đối với các giáo viên bộ môn Mĩ thuật, Âm nhạc, Giáo dục thể chất, Tin học, Ngoại ngữ, tuy không chịu áp lực nặng nề trong công tác chủ nhiệm, nhưng lại chịu áp lực khác về hồ sơ sổ sách và công tác đánh giá học sinh.

Áp lực khác đến từ sĩ số học sinh ngày càng tăng, đặc biệt là do tình trạng tăng dân số cơ học do tình trạng nhập cư tăng. Áp lực về sĩ số đông khiến cho giáo viên dễ mất bình tĩnh, nhất là khi các cử chỉ, lời nói, hành động của cán bộ quản lí, giáo viên tiểu học là một trong các nội dung bị báo chí, cha mẹ học sinh, mạng xã hội chú ý, theo dõi gắt gao, những phản ảnh chưa đúng đã phần nào ảnh hưởng đến uy tín và lòng nhiệt huyết của giáo viên.

Thêm vào đó, ở một số địa bàn, cha mẹ học sinh chưa tôn trọng giáo viên, có nhiều phản ánh chưa chính xác gây ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của giáo viên. Hiện nay do sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin và mạng xã hội, dẫn đến sự lan truyền của nhiều thông tin không chính xác, không được xác minh đã gây ra tư tưởng hoang mang dao động đến giáo viên.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem