Chúng tôi rất ấn tượng khi đến xem chợ heo Bà Rén (thôn Bà Rén, xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) vào một ngày đầu hè bởi cảnh quan tương đối nhộn nhịp. Đây được xem là chợ heo giống lớn nhất của các tỉnh miền Trung và Tây nguyên đã tồn tại cách đây trên 50 năm và cũng được xem là chợ heo độc đáo bởi chỉ bán một mặt hàng là những "chú heo choai". Đặc biệt nơi đây còn nổi tiếng bởi nghề "phụ nữ bồng heo" độc nhất vô nhị Việt Nam.
Theo các bậc cao niên tại xã Quế Xuân 1, sở dĩ chợ heo có tên "Bà Rén" bởi trước khi chưa có cầu, nơi đây có bà chèo đò cho khách sang sông có tên là bà Rén. Lâu dần, khu vực chợ heo này lấy tên Bà Rén cho dễ nhận biết. Các giống heo bán ở chợ rất đa dạng, từ heo chăn nuôi thuần chủng, heo lai giống Việt Nam cho đến heo lai giống của Nhật, Thái Lan… từ 1-3 tháng tuổi. Việc mua bán heo giống diễn ra nhanh chóng, sau đó số heo này được chuyển đến Đà Nẵng, Quảng Ngãi, TPHCM, Hà Nội; rồi có thể xuất sang tận Lào, Campuchia… Cho nên, hiện nay vẫn còn lưu truyền câu ca: "Ai về Bà Rén ghé chợ heo/ Vui tai, bắt mắt chuyện tầm phèo/ Heo kêu, người nói bao nhiêu chuyện/ Gần trưa buổi chợ đã lèo nhèo…".
Theo quan sát của chúng tôi, nguồn heo được chở đến chợ bằng các phương tiện như xe đạp, xe máy, đôi khi là xe tải nhỏ. Tại chợ, người bán, kẻ mua trao đổi giá cả rất chóng vánh, có người mua heo theo hình thức mua cáp (ước lượng trọng lượng heo để quy ra tiền), có người chưa thạo hay còn nghi ngờ thì nhờ người "bồng heo" đứng trên cân đồng hồ để cân heo (thông thường là cân tạ).
Trước khi cân, người bồng heo phải cân trước để biết trọng lượng và tiếp tục bồng heo để cân, sau đó làm phép trừ để biết trọng lượng của con heo đã cân. Khâu cân heo cũng rất sôi động, có con heo "ngoan ngoãn" thì nằm im trên tay người bồng, có con "hiếu động" thì la điếc tai, có con "dữ dằn" thì vừa "la ó" vừa lắc đầu, quẩy chân, oằn mình để thoát ra khỏi tay người bồng.
Khi heo chạy, một màn đuổi bắt heo bắt đầu, heo chạy len lỏi vào trong chợ, người thì chạy theo sau đuổi bắt, té ngã là chuyện thường tình. Trung bình mỗi con heo được cân, phụ nữ bồng heo được nhận từ 1.000 đồng đến 2.000 đồng/con. Như vậy trung bình mỗi buổi sáng thu nhập của phụ nữ bồng heo được khoảng 50.000- 100.000 đồng.
Bà Trần Thị Thảo (61 tuổi, trú ở xã Quế Xuân 1) cho biết: "Vào những năm chưa dịch bệnh, lượng heo choai về đây rất cao nên chợ rất nhộn kịp kẻ mua, người bán. Tôi đã có thâm niên "bồng heo" trên 30 năm. Nghề ni, mình không chỉ khéo léo, nhanh nhạy mà phải có đủ sức khỏe, chịu khó và nhất thiết phải "yêu nghề" nữa. Nhiều khi bất cẩn, không chắc tay là heo tuột khỏi người ngay, mất heo thì mình phải đền…".
Chị Phạm Thị Thạnh (52 tuổi, trú thôn Bà Rén, xã Quế Xuân 1), làm nghề "bồng heo" hơn 20 năm cho hay, nguồn heo giống bán ở đây từ các huyện lân cận như Quế Sơn, Thăng Bình, Núi Thành, Điện Bàn, Tiên Phước (Quảng Nam), Hòa Vang (Đà Nẵng)… Phân nửa nguồn heo từ chợ này được thương lái đưa đến TPHCM, Hà Nội… Giá cả thì tùy theo heo đẹp, xấu, lớn, nhỏ… Hiện nay, chợ heo Bà Rén lúc đông đúc có khoảng 9-10 phụ nữ làm nghề "bồng heo".
Chị Nguyễn Thị Kim Liên, thương lái mua heo tại chợ Bà Rén đã gần 30 năm cho hay, cho heo vào rọ thì chúng thường giãy khiến kim cân nhảy lung tung, khó cân lại dễ bị trầy xước. Còn khi được bồng, chúng "ngoan ngoãn" hơn nên dễ cân hơn nhiều.
Ông Phạm Cư, Trưởng Ban quản lý chợ Bà Rén cho hay, để bảo đảm sức khỏe cho những chú heo, chợ heo chỉ họp vào những ngày nắng đẹp, riêng ngày 30 và mùng 1 (âm lịch) thì không bán. Bình quân mỗi ngày chợ diễn ra việc mua bán hơn 2.000 heo con các loại.