Tuyên Quang: Chợ phiên vùng cao bán gì mà ai cũng mong, vợ chồng cùng nghỉ việc dắt nhau đi chợ?
Tuyên Quang: Chợ phiên vùng cao bán gì mà ai cũng mong, vợ chồng cùng nghỉ việc dắt nhau đi chợ?
Thứ bảy, ngày 14/01/2023 12:33 PM (GMT+7)
Không giống chợ ở trung tâm thành phố, thị trấn, chợ vùng cao họp theo phiên, có khi cả tuần, nửa tháng mới có một phiên. Và không phải xã nào cũng có chợ, nên phiên chợ ở đây rất quý, thu hút đông đảo khách trong vùng, các xã giáp ranh, nhất là dịp gần Tết.
Ở huyện vùng cao Lâm Bình, chợ có ở thị trấn Lăng Can, xã Thượng Lâm, xã Phúc Yên, xã Hồng Quang, xã Thổ Bình. Còn ở huyện Na Hang chợ có ở thị trấn Na Hang, xã Đà Vị, xã Yên Hoa.Ngay từ sáng sớm, các con đường dẫn vào chợ vẫn chìm trong mây, chỉ nhận rõ tiếng cười nói, trao đổi hàng hóa nhộn nhịp. Gần xế trưa, ánh nắng của ngày mới bắt đầu le lói. Phải nói rằng không khí Tết vùng cao xuất hiện ở các chợ là sớm nhất. Chị Nguyễn Thị Lành, một lái buôn từ thành phố Tuyên Quang mang hàng Tết bán ở chợ xã Hồng Quang (Lâm Bình) cho biết, ở chợ vùng cao thường có hai loại hàng trao đổi hai chiều. Một là các mặt hàng thiết yếu như muối, nước mắm, dầu hỏa và bánh kẹo phục vụ Tết ở dưới xuôi mang lên. Hai là hàng hóa nông sản của bà con mang bán như lợn, gà, lá dong, mộc nhĩ, măng khô. So với các phiên chợ trong năm, chợ gần Tết bao giờ cũng đông, phong phú mặt hàng.
Chợ phiên vùng cao có nhiều sản vật địa phương ngon, độc đáo.
Chợ phiên thứ 5 này, vợ chồng anh Mai Đình Trái, xã Hồng Quang (Lâm Bình) tạm gác việc đồng áng để đi chợ phiên chơi Tết. Theo anh Trái chợ vùng cao chính là nơi “giao lưu” tổng hợp. Đi chợ có khi cũng chỉ thèm một bát phở, mấy cái bánh rán. Hay đi chợ cũng loanh quanh để xem người ta bán hàng, thích cái không khí nhộn nhịp, bắt tay, chào hỏi người quen.
Anh chị đi chợ hôm nay có mang theo mấy con gà để bán, tiền bán được thì sắm Tết luôn. Mỗi phiên mua một ít, giáp Tết là đầy đủ rồi. Nhìn quanh chợ, người quen cùng thôn của anh chị đi chợ khá nhiều. Nhà nào có thứ gì thì mang bán, các mặt hàng phục vụ Tết bán khá chạy.
Ngày thường chợ phiên vùng cao ở xứ Tuyên đã vui rồi. Ở đấy người ta bắt gặp nhiều sắc phục dân tộc như Tày, Dao, Mông, Pà Thẻn, Nùng. Vào dịp Tết chợ vùng cao thực sự là nơi “phô diễn” bản sắc văn hóa vùng miền rõ nhất.
Anh Nguyễn Thìn, Phó phòng Văn hóa - Thông tin huyện Na Hang cho biết, ở huyện Na Hang có chợ phiên xã Đà Vị khá đặc sắc. Vào phiên chợ ngày cuối năm người ta thấy chợ hoạt động nhộn nhịp hẳn lên. Bên cạnh người đi chợ của địa phương còn của các xã lân cận như Hồng Thái, Thượng Giáp, Khau Tinh, Thượng Nông, Yên Hoa, Sơn Phú và tỉnh giáp ranh Bắc Kạn.
Hàng hóa vùng cao ấn tượng nhất với du khách dịp Tết vẫn là khu bán hoa đào, lá dong, gà ta, lợn đen, rượu ngô men lá, bánh khảo, vỏ ăn trầu, vải thổ cẩm, gạo nếp, lạc, đỗ, chuối, bưởi, măng khô. Khách du lịch, nhất là các nhiếp ảnh gia rất thích thú với chợ phiên vùng cao ngày giáp Tết. Có những nhóm du khách lên kế hoạch đi theo “tour” để tận hưởng không khí Tết ở vùng cao này. Theo họ cái Tết vừa giản dị, mộc mạc, vừa nồng ấm như chính con người vùng cao vậy.
Đối với nhiều du khách, hiện nay chơi Tết và thưởng thức Tết cổ truyền của dân tộc là một nhu cầu. Chị Nguyễn Hạnh, một du khách Hà Nội đang có chuyến du lịch huyện vùng cao Lâm Bình cho rằng, đi chợ vùng cao chính là tìm về tuổi thơ. Ở đây người đi chợ không cần phải có quá nhiều tiền, song vẫn cảm thấy mình hạnh phúc.
Nếu ở thành phố người ta đi siêu thị, mua bán Online, thì đi chợ quê vùng cao mới cảm nhận được không khí Tết đang len lỏi về khắp các bản làng. Bởi vậy nhiều du khách mong muốn địa phương giữ gìn, phát huy được chợ phiên vùng cao, cũng chính là bảo tồn được bản sắc văn hóa của địa phương mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.