Dân Việt

Cuộc điện thoại lẫn nước mắt của người chồng Thổ Nhĩ Kỳ gọi cho vợ Việt sau động đất

V.N 08/02/2023 16:47 GMT+7
Khu vực xảy ra động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở biên giới với Syria, ít có người Việt sinh sống, nên chỉ có một số ngườiảnh hưởng nhẹ. Nhưng cũng có những cô dâu Việt đang khắc khoải lo lắng cho gia đình bên chồng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cộng đồng người Việt đã nhanh chóng kêu gọi chung tay giúp đỡ người dân sở tại.

Cô dâu Việt trong cộng đồng người Kurd

Chị Lê Thanh Hương có chồng người Thổ Nhĩ Kỳ tên Bayram Tozotoz. Chị Hương đang ở Nhật, nhưng chồng chị lại đang ở Thổ Nhĩ Kỳ, đúng khu vực xảy ra động đất. Anh là người Kurd, sống ở tỉnh Kahramanmaraş huyện Pazarcık giáp biên giới Syria. Đến giờ có lẽ chị Hương là cô dâu Việt duy nhất trong cộng đồng người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc điện thoại lẫn nước mắt của người chồng Thổ Nhĩ Kỳ gọi cho vợ Việt sau động đất - Ảnh 1.

Chị Lê Thanh Hương cùng chồng, anh Bayram Tozotoz, trong những ngày hạnh phúc ở Nhật. Ảnh nhân vật cung cấp.

Hai vợ chồng chị lấy nhau 3 năm trước và làm ăn sinh sống ở Nhật được 2 năm, vì vấn đề visa nên chưa quay về Thổ Nhĩ Kỳ được. Song chị Hương đã từng về thăm quê chồng và được mọi người rất yêu quý.

Lúc nghe tin vụ động đất, đầu tiên chị Hương nghĩ  cũng giống như những trận động đất nhỏ thường xuyên xảy ra ở Nhật Bản.

Khi biết động đất ở chính khu vực biên giới nơi gia đình bên chồng sinh sống, chị Hương rất nóng ruột. Nhưng cuối cùng anh đã gọi điện cho chị, may mắn là anh đã an toàn.

Nhưng cuộc điện thoại có rất nhiều nước mắt. "Chồng tôi gọi điện, vừa nói vừa khóc nên tôi cũng không hỏi được nhiều" – chị chia sẻ. "Khi nghe tin chồng tôi nói rất nhiều nhà bị sập và nhiều người trong gia đình chết , tôi rất lo lắng và điện hỏi thăm tình hình bên đó".

Cuộc điện thoại lẫn nước mắt của người chồng Thổ Nhĩ Kỳ gọi cho vợ Việt sau động đất - Ảnh 2.

Nhà cửa trong làng sập rất nhiều. Ảnh nhân vật cung cấp.

Hình ảnh ngôi nhà chồng chị Lê Thanh Hương, mọi người đang đưa người mắc kẹt trong nhà ra.


Qua những thông tin ban đầu anh kể và các video anh gửi, thì ngôi nhà của gia đình chồng đã bị sập hết. Điện mất. Cả đêm mọi người phải ngủ ngoài trời, tất cả đắp chăn nằm sát bên nhau trong bóng tối.

Có 3 người chết trong nhà, có 15 người còn chưa tìm được – chị Hương cho biết tối 7/2. Theo phong tục Thổ Nhĩ Kỳ, đại gia đình thường sống tập trung với nhau.

Một video quay đám cưới người cháu tuần trước cho thấy hình ảnh ngôi nhà gia đình chồng chị, thấp tầng, mái dốc, khá rộng rãi, các nhà khác trong làng cách nhau rải rác. Nhưng đến giờ ngôi nhà của gia đình đã bị phá hủy. Hiệu thuốc của cháu gái trong gia đình cũng đã sập.

Anh Bayram Tozotoz liên tục cập nhật tình hình cho người vợ Việt. Anh gửi cả những hình ảnh đưa người mắc kẹt trong nhà ra. Chị Hương chia sẻ, chị sợ rằng có những người chắc khó mà qua được.

Video quay ngày  7/2 do chồng chị Hương lái xe đi trong làng cho thấy nhiều tòa nhà cao tầng, nhiều ngôi nhà đơn lẻ đã sập, khắp nơi là những đống đổ nát.

Cộng đồng người Việt chung tay với người dân sở tại

Sau trận động đất, tối 7/2, đại diện cộng đồng người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ  đã ra lời kêu gọi chung tay giúp đỡ người dân Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua thảm hoạ giữa mùa đông. Anh Dương Nam Phương, một người Việt đang sống ở Istanbul, quản trị viên của trang FB cộng đồng, kêu gọi: "Thay vì tiền mặt và sau phải quy ra vật dụng để người dân sử dụng, mọi người cố gắng ủng hộ đồ dùng quần áo , giấy dép cá nhân để các tổ chức trực tiếp giao cho người dân sử dụng".

Trao đổi với Dân Việt, anh Dương Nam Phương, người đã sinh sống ở Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2009 và có vợ người Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết, động đất xảy ra ở khu vực phía đông Thổ Nhĩ Kỳ, còn cộng đồng chủ yếu sống ở phía tây nên ít bị ảnh hưởng. Theo anh biết, có một chị người Việt ở vùng động đất đã kịp thời cùng chồng chạy ra khỏi nhà. Một người Việt khác chưa có thông tin.

Trong email gửi cho với Dân Việt, tối 7/2, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: Có ít người Việt sinh sống tại 10 tỉnh thành phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi bị ảnh hưởng bởi trận động đất .

Tính đến chiều 7/2/2023, chưa ghi nhận trường hợp người Việt nào bị thiệt mạng, nhưng có một vài người bị ảnh hưởng về mặt vật chất và hoảng loạn về tinh thần (như nhà cửa đổ nát, phải ôm con nhỏ tháo chạy ra khỏi nhà vào lúc sáng sớm giữa trời tuyết,...).

Cuộc điện thoại lẫn nước mắt của người chồng Thổ Nhĩ Kỳ gọi cho vợ Việt sau động đất - Ảnh 4.

Đại sứ quán Việt Nam tại Ankara treo cờ rủ chia buồn với người dân Thổ Nhĩ Kỳ sau thảm họa động đất. Ảnh từ FB của ĐSQ.

ĐSQ vẫn đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Trong trường hợp khẩn cấp, cần hỗ trợ gì, bà con có thể liên hệ với ĐSQ qua Facebook hoặc số điện thoại hotline: +90 545 785 85 48.

Ở các vùng bị ảnh hưởng bởi động đất, hiện internet, điện hoặc gas không ổn định, nên khó liên hệ với bà con nơi đây.

Tuy nhiên, trong mấy ngày tới, ĐSQ sẽ cử cán bộ đến 1 số địa phương có bà con bị ảnh hưởng bởi động đất để nắm tình hình và kịp thời hỗ trợ.

Tối 7/2, Đại sứ quán Việt Nam tại Ankara thông báo  treo cờ rủ nhằm chia sẻ thông điệp đoàn kết, nhân ái với tất cả người dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Anh Dương Nam Phương cho biết thêm, theo thông tin anh nắm được có khoảng hơn 100 người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cộng đồng chia thành 2 nhóm: Nhóm thứ nhất gồm sinh viên và cựu sinh viên ở lại làm việc. Nhóm 2 là chị em phụ nữ lấy chồng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cơ hội gặp nhau ít do công việc và việc đi lại cũng không dễ dàng, nhưng thường thì cộng đồng sẽ gặp nhau khi tụ họp về Đại sứ quán Việt Nam ăn Tết.

Trang FB của cộng đồng được lập ra từ 2014, hoạt động 9 năm nay, dầu tiên chủ yếu đăng các thông tin từ Đại sứ quán nhưng giờ ngày càng có nhiều người biết đến trang. Trên trang thường xuyên cung cấp các thông tin có ích cho mọi người và trở thành một kênh kết nối khá tích cực. Ngay sau trận động đất, các tương tác trên trang đã nhiều hơn với những lời nhắn gửi, hỏi thăm bà con trong cộng đồng, thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Ankara, hướng dẫn tránh trú khi động đất…

Đến trưa 8/2, đã có tới 9.500 người thiệt mạng ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria do trận động đất kinh hoàng.