Ở Ấn Độ, giống chuối Cavendish G9 cao sản (xuất xứ từ Israel) hiện được trồng khắp cả nước. Tuy nhiên, các giống chuối bản địa - và họ hàng của chúng là chuối lá (plantain) - vẫn được trồng, chủ yếu là ở miền Nam Ấn Độ.
Người dân bản địa vẫn thường ca ngợi các giống chuối poovan, mondan và peyan (tên được đặt theo ba vị thần trong Đạo Hindu là Brahma, Vishnu và Shiva) vì khả năng thích nghi, hương vị thơm ngon của chúng.
Tại Ấn Độ, chuối được coi là loại quả có thể chữa lành mọi loại bệnh, cả thể xác lẫn tinh thần. Nhiều người tin rằng, ăn chuối sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch sau khi bị sốt vàng da. Những cụ già thường có thói quen khuyên các con cháu ăn chuối sau khi loại trái cây này được cúng lễ trong nghi thức tôn giáo và được coi là món đồ cúng thiêng liêng prasadam.
Ngày nay, mọi người cho rằng ăn chuối tốt nhiều mặt cho sức khỏe. Trong chuối chín có nhiều phốt pho, canxi, vitamin B6, vitamin C, chất xơ và carbohydrates.
Tuy nhiên, ở Ấn Độ, hàng ngàn năm nay, mọi người đã coi loại quả như thuốc chữa bệnh. Cây chuối được coi là loài cây linh thiêng và người ta sử dụng tất cả các phần của cây: trái chuối để ăn, lá, hoa và bẹ chuối dùng làm thuốc trị bệnh.
"Một quả chuối chín chứa đầy kapha (nghĩa là có những nguyên tố sống như nước và đất) và được dùng trong chữa trị nhiều loại rối loạn về da ở Ayurveda", bác sĩ Sreelakshmi, cố vấn cao cấp Ayurveda từ Công ty Naad Wellness, ở Delhi, cho biết.
Ngoài ra, ở Ayurveda, hoa chuối và thân chuối cũng được dùng chữa bệnh tiểu đường và nhựa cây (có tính kết dính và co lại) được dùng để trị bệnh phong và động kinh, cũng như dùng để điều trị các vết côn trùng cắn.
Theo bác sĩ Sreelakshmi, các chứng rối loạn tâm lý như cao huyết áp và mất ngủ cũng được điều trị bằng liệu pháp có tên là thalapothichil. Theo đó, đầu người bệnh được đắp một hỗn hợp dược chất và sau đó quấn lại bằng lá chuối, giúp cho tâm trí người đó bình tĩnh lại.
Biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở
Chuối cũng là loại quả duy nhất được ghi chép trong Chánh tạng Pali (nền tảng giáo lý Phật học của trường phái Phật giáo Nguyên Thủy), Kinh Vệ Đà và Bhagavad Gita (một phần trong bộ sử thi vĩ đại nhất viết bằng tiếng Phạn của Ấn Độ cổ, trường ca Mahabharata). Chuối nằm trong bộ ba trái cây, cùng với xoài và mít, được gọi là mukkani trong văn học Tamil Sangam. Còn trong Ấn Độ giáo, cây chuối được coi là Đức Brihaspati (Sao Mộc), người coi giữ đền thờ trong Ấn Độ giáo.
Cây chuối còn được coi là biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở và quảng đại. Vì vậy, ở miền Nam Ấn Độ, người ta đặt một cặp cây chuối đang trổ hoa ở hai bên hoặc cửa vào nhà hay tại nơi diễn ra đám cưới, nơi có nghi lễ tôn giáo và các dịp đặc biệt.
Ở Bengal, trong lễ hội Durga Pujo, một bức tượng nhỏ tượng trưng cho nữ thần Durga (là nữ thần chiến tranh và năng lượng nữ tính trong Ấn Độ giáo) được làm bằng cây chuối, khoác tấm áo choàng saree màu vàng với đường viền đỏ. Hình hài này của nữ thần được gọi là Kola Bou, Kola có nghĩa "chuối" và Bou có nghĩa là "Bà" trong tiếng Bengali.
Chị Shantala Nayak Shenoy, người viết trang blog ẩm thực The Love of Spice, chia sẻ: "Chúng tôi gọi chuối là "kele" trong tiếng Konkani (ngôn ngữ nói ở vùng Konkan dọc theo vùng Ghats Tây) và đó là nguyên liệu trong ẩm thực truyền thống đậm chất văn hóa Konkani".
Các loại chuối dễ tiêu hóa như mati pazzham được dùng làm thức ăn cho em bé. Còn những loại khác như nendran và rasthali, thường được sử dụng trong các món ăn truyền thống và hiện đại của Ấn Độ.
Dù là chuối xanh hay chín, là quả hay hoa, là chuối Cavendish hay Poovan thì đều ăn sâu vào thói quen ẩm thực... của người Ấn Độ. Và với những ai có thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về Ấn Độ, nơi chuối được coi là linh thiêng, họ càng phát hiện được nhiều điều thú vị về loại trái cây hấp dẫn này.