Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Đây là một vị trí có ý nghĩa chiến lược toàn diện về đất đai, con người đối với cả vùng. Không dừng lại ở dấu ấn địa lý, khu vực, Long Hồ dinh thực sự là một cột mốc chủ quyền quốc gia ở giữa Đồng bằng sông Cửu Long của quá trình hình thành dân tộc- quốc gia Việt Nam.
Di tích Cửa Hữu thành Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long). Ảnh: TẤN PHONG
Bãi cát và thôn xóm ở rải rác, hai phía Đông Tây, có chỗ như rừng như động, có chỗ như vực như đầm nên gọi là Long Hồ”.
Danh xưng nào cũng mang dấu ấn địa lý, con người, môi trường của vùng đất đó. Long Hồ đã chỉ ra những cơ sở, ngọn nguồn cho sự xuất hiện địa danh này trên bản đồ địa giới hành chính của một vùng đất và cao hơn là sự đánh dấu chủ quyền quốc gia- dân tộc ở một vùng đất vốn tồn tại nhiều tập đoàn phong kiến, nhiều tranh chấp về biên giới, cương vực chưa rõ ràng trong một thời gian dài.
Đối với dân tộc Việt Nam, sự xuất hiện của một cái chợ là biểu hiện của sung túc và phát triển của một vùng. Nơi nào được chọn làm chợ là nơi đó hết sức thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán.
Điều đặc biệt là cùng với sự ra đời của Long Hồ dinh thì chợ Long Hồ cũng xuất hiện: “Chợ Long Hồ: ở thôn Long Thượng, huyện Vĩnh Bình, chợ mở năm Nhâm Tý, Túc Tông thứ 7 (1732), hai mặt trông ra sông, phố xá liên tiếp chạy dài chừng 5 dặm dưới có thuyền bè, trên cạn có đình sở, đàn hát náo nhiệt, thật chợ phố lớn”.
Cùng với đời sống vật chất thì đời sống tinh thần cũng rất phát triển. Đây chính là tiền đề cho các chúa Nguyễn đưa các quyết sách chính trị trong việc mở rộng và quản lý vùng lãnh thổ kể từ sau Nguyễn Hoàng thể hiện sự độc lập của Đàng trong từ năm 1600.
Vì vậy, khi Long Hồ dinh xuất hiện thì có nghĩa là cộng đồng dân cư ở đây ít nhất cũng đã có mặt hàng trăm năm. Ở đây đã hình thành một cộng đồng văn hóa mang những nét mới so với các vùng miền khác: “Kẻ sĩ chăm học, dân thích buôn bán, làm ruộng, đánh cá, đều nhằm mối lợi tự nhiên mà làm ăn, dùng sức ít mà được lợi nhiều. Đất đai rộng, thức ăn nhiều, không biết chứa cất. Người giỏi bơi lội, lại giỏi bắt cọp và câu cá sấu. Về kỹ nghệ thì còn vụng về, quân tử thì trọng trung nghĩa danh tiết, tiểu nhân thì chơi bời xa hoa, không biết kiêng sợ”.
Họ đến vùng đất này với nhiều nguyên nhân cũng rất khác nhau. Bỏ qua sự mọi khác biệt đó, những con người mới đến vùng đất này đã chung lưng đấu cật để hình thành nên một cộng đồng mới trên lãnh thổ Việt Nam.
Chúng ta dễ nhận thấy dù rất khác biệt và mang tính cá nhân hết sức mạnh mẽ nhưng “kẻ sĩ”, người dân, “quân tử, tiểu nhân” đều chấp nhận sống bên nhau mà không một chút e dè, nghi kỵ, dò xét. Mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng tập trung vào công việc mưu sinh của mình mà không đố kỵ, bon chen với công việc của người khác.
Họ sống cởi mở, phóng khoáng, hào hiệp với cộng đồng và môi trường. Dấu ấn văn hóa sông nước và con người trên vùng đất chằng chịt sông ngòi của Long Hồ dinh cũng là những đặc trưng của vùng sông nước Cửu Long. Có thể khẳng định rằng, Long Hồ dinh chính là ngọn hải đăng văn hóa của cả vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long.
Khi đề cập đến vùng văn hóa Nam Bộ, giáo sư Ngô Đức Thịnh đã có nhận định: “Miền đất hoang vu này, nhất là vùng hoang hóa, lầy trũng được khai thác thành miền đất trù phú chỉ từ khi người Việt đặt chân tới, sống xen cài, cùng chung lưng đấu cật với người Khmer và sau đó là người Hoa, người Chăm khai khẩn, thuần hóa.
Chưa hết, còn có các dòng người khác tìm đến vùng đất mới, người Nhật, Mã Lai, Ấn Độ, người phương Tây, tạo nên ở vùng này bức tranh chủng tộc và dân tộc phong phú, đa dạng. Trong các phức tạp của những con người ra đi tìm một miền quê mới, người Việt đã nhanh chóng hòa nhập với các cộng đồng đã có, đang đến vùng đất này để trở thành lực lượng nòng cốt tập hợp tất cả cộng đồng. Việc ra đời Long Hồ dinh đã cho thấy sự ảnh hưởng hết sức to lớn của cộng đồng người Việt và văn hóa Việt Nam nên mảnh đất chín rồng…”.
Kỷ niệm 290 năm từ Long Hồ dinh đến Vĩnh Long là thời khắc lịch sử để cho Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Long nhận thức rõ hơn về quá khứ để nhìn xa hơn về tương lai.
Bản sắc địa lý, văn hóa, con người Vĩnh Long đã được xây dựng trong suốt gần 3 thế kỷ là nguồn lực vô tận cho sự phát triển. Để khơi dậy di sản của quá khứ, Vĩnh Long cần lựa chọn cho riêng mình một lộ trình phát triển xuất phát từ thực tế của địa phương.
Vĩnh Long nằm giữa hai con sông, vì vậy Vĩnh Long phát triển phải đi lên từ sông nước. Kinh tế sông nước chính là bản sắc- là Long Hồ dinh đến Vĩnh Long hôm nay.
Người dân Vĩnh Long sống chan hòa, vui vẻ với thiên nhiên, chòm xóm.Ảnh: PHƯƠNG NAM
Kinh tế xã hội của Vĩnh Long phải từ sông và nước thì mới có cơ hội để cất cánh, ghi dấu ấn cùng sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.
Đặc biệt, một trong những tài sản lớn nhất của quá khứ từ Long Hồ dinh đến nay là bản sắc con người Vĩnh Long. Đây là vùng đất hội tụ của những con rồng, là nơi sinh ra những “kẻ sĩ chăm học”, là đất của những người “quân tử trọng trung nghĩa, danh tiết”, nơi đây là vùng đất học của Đồng bằng sông Cửu Long xưa.
Một vùng đất trong quá khứ đã sản sinh ra Phạm Hùng, Trần Đại Nghĩa, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Đáng... chắc chắn là nơi ươm mầm cho các thế hệ tiếp theo trên mảnh đất Long Hồ dinh- Vĩnh Long hiện tại và tương lai.
(Lược trích tham luận Hội thảo khoa học)