Dân Việt

Mức phạt chăn nuôi trong khu dân cư, những nơi nào bị cấm chăn nuôi gia súc, gia cầm?

P.V 09/02/2023 18:51 GMT+7
Đối với hành vi chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi, sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, đồng thời buộc phải di dời vật nuôi ra khỏi khu vực cấm, theo Khoản 2 Điều 24 Nghị định 14/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

 Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ 1/1/2020 đã quy định nghiêm cấm việc chăn nuôi trong thành phố, thị xã, thị trấn và khu dân cư với lộ trình thực hiện trong vòng 5 năm.

Mức phạt chăn nuôi trong khu dân cư, những nơi nào bị cấm chăn nuôi gia súc, gia cầm? - Ảnh 1.

Hiện nay một số hộ dân ở quận Long Biên (Hà Nội) vẫn đang nuôi gà, nuôi lợn, thu nhập của bà con phần lớn phụ thuộc vào chăn nuôi nên rất khó di dời. Ảnh: S.H

Cụ thể, theo quy định tại khoản 1, Điều 12 Luật Chăn nuôi năm 2018 quy định như sau:

Điều 12. Các hành vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi

1. Chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường".

Theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về chăn nuôi thì xử phạt đối với hành vi chăn nuôi tại khu vực không được phép với mức phạt từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng, đồng thời buộc di dời vật nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, cụ thể:

Điều 24. Vi phạm quy định về điều kiện chăn nuôi nông hộ

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi gian dối trong kê khai nhằm mục đích trục lợi.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc di dời vật nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này."

Tại khoản 1 Điều 37 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về chăn nuôi thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp như sau:

Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, Luật Chăn nuôi đã quy định rõ giao UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quyết định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, quyết định vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.

Điều 37. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:

a) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và điều kiện chăn nuôi;

b) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức xử phạt tiền được quy định tại điểm a khoản này;

c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm đ và điểm i khoản 3 Điều 4 Nghị định này."

Như vậy, Ủy ban nhân dân xã bạn có thẩm quyền xử lý đối với trường hợp của bạn và bạn không được phép chăn nuôi trong khu dân cư. Nếu bạn vẫn tiếp tục nuôi sẽ bị xử phạt hành chính với mức từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Đồng thời bị buộc di dời vật nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.

TP. Hà Nội cấm chăn nuôi ở những khu vực nào? 

Năm 2020, HĐND TP.Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn.

Theo đó, khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm (trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường), gồm: Các phường của các quận thuộc 12 quận; 4 phường thuộc thị xã Sơn tây (Sơn Lộc, Quang Trung, Ngô Quyền, Lê Lợi).

Ngoài ra, TP.Hà Nội cũng cấm chăn nuôi gia súc, gia cầm ở các thị trấn của 5 huyện (thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng; thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức; thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh; thị trấn Trâu Quỳ và thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm; thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì). Và các khu chung cư, tập thể cũ, khu đô thị nằm trên địa bàn các huyện, thị xã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Theo Nghị quyết, thời hạn di dời hoặc chấm dứt hoạt động cơ sở chăn nuôi là từ khi nghị quyết có hiệu lực đến ngày 31/12/2023. TP.Hà Nội sẽ có chính sách hỗ trợ, đào tạo chuyển đổi nghề cho chủ cơ sở.

Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho hay, mục đích của việc xây dựng quy định trên là khắc phục tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, hiệu quả thấp. Việc không cho phép chăn nuôi ở đô thị cũng nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Các cơ sở chăn nuôi được chuyển đến những khu vực quy hoạch để có thể phát triển theo hướng tập trung quy mô lớn, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh.