Vụ bảo hộ giống thanh long ở Long An: Nhật không cấp bảo hộ giống cho cá nhân để tư nhân hóa

Trần Đáng Thứ năm, ngày 09/02/2023 13:36 PM (GMT+7)
Việc Nhật Bản thực thi quyền bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LD1 của Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (Long An) đã khiến nhiều nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu thanh long điêu đứng.
Bình luận 0

PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với bà Watanabe Masumi, Giám đốc Công ty Yasaka, một đơn vị xuất khẩu thanh long sang thị trường Nhật Bản hàng đầu ở Việt Nam, xung quanh việc bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LD1.

Vụ bảo hộ giống thanh long ở Long An: Ở Nhật không cấp bỏ hộ giống cho cá nhân để tư nhân hóa  - Ảnh 1.

Vướng bảo hộ giống thanh long LD1 tại thị trường Nhật Bản, Công ty TNHH chế biến trái cây Yasaka (Nhật Bản) liên tiếp bị thất bại các lô hàng thanh long xuất khẩu ở thị trường quen thuộc này. Ảnh: Trần Đáng

Cần rà soát lại việc bảo hộ giống để hỗ trợ nông dân, các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long

PV: Thưa bà, giống thanh long ruột đỏ LD1 được bảo hộ đã ảnh hưởng đến hoạt động của công ty ra sao?

-Bà Watanabe Masumi: Ảnh hưởng rất lớn đến công ty. Những năm qua, công ty thu mua thanh long ở Long An, Tiền Giang, Bình Thuận. Số lượng hộ nông dân cung cấp thanh long cho công ty rất lớn. Hiện, công ty có 5 mã vùng trồng thanh long với diện tích hơn 300ha.

Vừa rồi, công ty thất bại xuất khẩu đơn hàng 70 tấn thanh long sang thị trường Nhật Bản. Đơn hàng đã nhận của khách Nhật rồi, nhà vườn đã chuẩn bị ngày giờ giao đến công ty, sau đó phải ngưng lại và buộc phải tìm đầu ra là chợ đầu mối nông sản Thủ Đức để bán. Thiệt hại hơn 190.000 USD. Trong tháng 2 này, công ty có đơn hàng hơn 70 tấn thanh long. Nếu không xuất được lô hàng này sang thị trường Nhật, công ty thiệt hại khoảng 200.000 USD. Đồng nghĩa với việc, bà con nông dân trồng thanh long mất 70 tấn thanh long. 

Bà có thể cho biết, bà không hài lòng điểm nào của quyền bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LD1?

-Tôi đánh giá, việc lai thành công giống thanh long LD1 là thành quả rất đáng mừng cho nông nghiệp Việt Nam nói chung và trái thanh long nói riêng. Tuy nhiên, khi nghiên cứu thành công rồi bán lại cho cá nhân để họ sở hữu tư nhân thì rất không nên. Bởi một đơn vị tư nhân không thể đủ năng lực, nhân lực, trình độ kỹ thuật để quản lý. Trong khi đó, rất nhiều nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp lệ thuộc một đơn vị tư nhân bảo hộ giống. Điều này dễ dẫn đến tình trạng độc quyền, yêu sách… tác hại lâu dài.

Còn nữa, đơn vị tư nhân bảo hộ giống có đủ khả năng tiêu thụ hết lượng thanh long cho nông dân và cung cấp lượng sản phẩm thanh long khổng lồ cho thị trường trong và ngoài nước hay không. Vậy, sản lượng thanh long dôi dư này ai chịu trách nhiệm với nông dân?

Ở Nhật, chính quyền cấp quyền bảo hộ giống ra sao?

-Ở Nhật có thể đăng ký quyền bảo hộ giống, nhưng phải trực thuộc sự quản lý của cơ quan nhà nước. Quyền bảo hộ giống này được cấp và chia sẻ với các đơn vị khác. Quyền bảo hộ giống này không giao hẳn cho đơn vị tư nhân quản lý hoặc sở hữu hóa để tránh độc quyền và nảy sinh các điều kiện không thỏa đáng ảnh hưởng không tốt đến sản phẩm và các bên liên quan.

Trước bất lợi về quyền bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LD1, công ty sẽ tiếp tục thu mua thanh long ở Việt Nam để xuất khẩu?

-Tôi rất bất ngờ với việc phát sinh quyền bảo hộ giống thang long LD1. Yasaka là công ty có những cống hiến lớn trong việc khởi xướng và thúc đẩy đàm phán giữa 2 nước Việt Nam – Nhật Bản về việc xuất khẩu thanh long sang Nhật.

Vụ bảo hộ giống thanh long ở Long An: Ở Nhật không cấp bỏ hộ giống cho cá nhân để tư nhân hóa  - Ảnh 3.

70 tấn thanh long ruột đỏ của Công ty Yasaka phải đem ra chợ bán xô do vướng phải quyền bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LD1 tại thị trường Nhật Bản. Ảnh: Trần Đáng

Trên phương diện một nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi thấy rằng nếu kinh doanh mà phải lệ thuộc vào một đơn vị khác các doanh nghiệp có xu hướng chuyển sang một thị trường khác thuận lợi hơn để đầu tư. Nếu Việt Nam không giải quyết thỏa đáng việc để tư nhân bảo hộ giống thanh long thì các nhà đầu tư sẽ chuyển dịch sang các nước có chính sách thông thoáng hơn mặc dù trái thanh long Việt Nam có ưu tế hơn một số nước khác cũng trồng.

Nếu công ty không thể vượt qua rào cản của việc bảo hộ giống thanh long LD1 thì công ty buộc phải ngừng mua và ngừng xuất khẩu thanh long. Công ty không thể chấp nhận việc thu phí bảo hộ giống thanh long của đơn vị bảo hộ giống.

Với việc phát sinh bảo hộ giống thanh long LD1, công ty kiến nghị các ban ngành liên quan cần rà soát lại việc bảo hộ giống này để hỗ trợ nông dân, HTX, các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long có điều kiện sản xuất, mua bán thuận lợi.

Ba bên chia sẻ quyền giống thanh long ruột đỏ LD1

Như Dân Việt đã đưa tin, giống thanh long ruột đỏ LD1 được Viện Cây ăn quả miền Nam lai tạo. Đến tháng 11/2016, Viện đã được Cục Trồng trọt cấp bằng bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LD1.

Năm 2017, Viện Cây ăn quả miền Nam chuyển nhượng quyền bảo hộ giống LD1 cho Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (Long An) với giá 5 tỷ đồng. Điều đáng nói là trước khi chuyển nhượng quyền bảo hộ giống thanh long LD1 cho Công ty Hoàng Phát, Viện Cây ăn quả miền Nam đã bán giống thanh long này ra ngoài cho bà con nông dân và được bà con nông dân mở rộng diện tích trồng.

Hiện, Công ty Hoàng Phát đã thực thi công tác bảo hộ để thương mại trái thanh long ruột đỏ LD1 đối với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Nếu doanh nghiệp nào xuất khẩu thanh long ruột đỏ LD1 vào 2 thị trường này phải đàm phán, thỏa thuận các vấn đề liên quan với công ty Hoàng Phát, trong đó có tiền bảo hộ giống thanh long như trong thỏa thuận 3 bên giữa Viện Cây ăn quả miền Nam, Sở NNPTNT tỉnh Long An và Công ty Hoàng Phát ngày 16/9/2022.

Vụ bảo hộ giống thanh long ở Long An: Ở Nhật không cấp bỏ hộ giống cho cá nhân để tư nhân hóa  - Ảnh 4.

Theo "thỏa thuận 3 bên" về bảo hộ giống thanh long LD1, nông dân mua giống thanh long đỏ của Viện Cây ăn quả miền Nam trước năm 2017, sẽ được Viện xác nhận giống, nhưng phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh. Ảnh: Trần Đáng

Liên quan đến giống thanh long LD1 được Công ty Hoàng Phát bảo hộ, do yêu cầu cấp mã số vùng trồng phải xác định giống thanh long của Cục Bảo vệ thực vật, nên hiện nay, nhiều diện tích thanh long liên quan giống LD1 của nông dân và doanh nghiệp đã không được cấp mã vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.

Được biết, Công ty Yasaka đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất thanh long xuất khẩu tại huyện Châu Thành (Long An) có công suất 3-4 triệu tấn thanh long/năm. Tuy nhiên, do trở ngại việc bảo hộ giống thanh long LD1 vào thị trường Nhật Bản, nên công ty đã tạm dừng triển khai xây dựng nhà máy.

Ngày 17/8/2022, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 5273/VPCP-NN gởi Bộ NNPTNT truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NNPTNT nghiên cứu, kiểm tra thông tin về chuyển nhượng kết quả nghiên cứu giống cây trồng trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có giống thanh long LD1. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem