Một thôn của Trung Quốc bỗng nhiên hút khách du lịch, thời của du lịch nông nghiệp đã tới?

K.N Thứ năm, ngày 09/02/2023 14:52 PM (GMT+7)
Du lịch nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) bùng nổ trong dịp Tết này sau khi bộ phim "Đi đến nơi có gió" lên sóng. Có thể thấy, du lịch nông nghiệp đang trở thành mảnh đất màu mỡ, Việt Nam cũng nên tận dụng cơ hội này.
Bình luận 0

Vì sao Đại Lý - Vân Nam trở nên có sức hút?

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại, cộng với sức nóng của bộ phim "Đi đến nơi có gió" do Lưu Diệc Phi, Lý Hiện đóng vai chính đã giúp Đại Lý (tỉnh Vân Nam) trở thành một trong những điểm đến "hot" nhất Trung Quốc trong mùa xuân này.   

Theo thông tin trên trang web của Chính quyền Nhân dân Đại Lý, bộ phim "Đi đến nơi có gió" đã góp phần đánh thức một thành phố, số lượng đơn đặt hàng du lịch đến Đại Lý tăng gấp 11 lần so với những tháng trước đó nhờ những món ăn ngon, những di sản văn hóa phi vật thể đầy màu sắc, khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, thôn quê mộc mạc, bình dị, nếp sống của những người nông dân trong ngôi làng cổ được giới thiệu trong bộ phim này.

Tại thôn Lưu Quan Hán, một trong những địa điểm quay bộ phim "Đi đến nơi có gió", trước khi phim phát sóng, số lượng khách du lịch đến thăm chỉ bình quân 50 - 100 người/ngày nhưng bây giờ số lượng khách du lịch đã tăng vọt lên gần 3.000 người mỗi ngày, đến mức lãnh đạo thôn phải bổ sung khẩn cấp thêm hai bãi đậu xe.

Một thôn của Trung Quốc bỗng nhiên hút khách du lịch, thời của du lịch nông nghiệp đã tới? - Ảnh 1.

Khung cảnh tuyệt đẹp của Đại Lý - Vân Nam (Trung Quốc) được ghi lại trong "Đi đến nơi có gió", góp phần thổi bùng làn sóng khách du lịch đến với vùng quê này. Ảnh: VIEON.

Theo thông tin từ Hiệp hội nhà nghỉ Đại Lý, hiện có khoảng 7.000 nhà nghỉ ở Đại Lý và số lượng đặt phòng vào đầu tháng 1 đã tăng lên nhanh chóng."Mười tám món lạ ở Vân Nam, sữa làm thành lát bán" có lượng tìm kiếm tăng 544% so với cùng kỳ năm ngoái, lượng tìm kiếm bánh hoa làm bằng hoa hồng tươi ngâm đã tăng lên 215%. Tất cả là nhờ sức hút từ bộ phim "Đi đến nơi có gió".

Kết hợp nông nghiệp với làm du lịch nông nghiệp: Hướng đi của Việt Nam

Có thể thấy, Việt Nam cũng có rất nhiều địa điểm có sức hút du khách nhờ phong cảnh hữu tình, sự phong phú của sắc màu các dân tộc. 

Đơn cử như Hà Giang, những năm gần đây, Hà Giang đã trở thành một cái tên sáng trên bản đồ du lịch với những địa điểm hấp dẫn như Cao nguyên đá Đồng Văn, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, hẻm vực Tu Sản, đèo Mã Pì Lèng, phố cổ Đồng Văn, cột cờ Lũng Cú, dinh thự Vua Mèo, những vườn hoa tam giác mạch… 

Một thôn của Trung Quốc bỗng nhiên hút khách du lịch, thời của du lịch nông nghiệp đã tới? - Ảnh 2.

Huyện Đồng Văn (Hà Giang) hút khách du lịch nhờ bản sắc văn hóa các dân tộc. Ảnh: Báo DTPT.

Trong năm 2022, khách du lịch đến Hà Giang ước đạt 2,2 triệu lượt (đạt 242% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 147% kế hoạch năm 2022), trong đó khách quốc tế khoảng 50.000 lượt, khách nội địa là 2.150.000 lượt người; doanh thu du lịch ước đạt 4.306 tỷ đồng. 

Trong cuộc họp giao ban lãnh đạo Bộ NNPTNT mới đây, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đã đề ra 9 giải pháp mang tính đột phá trong năm 2023. 

Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh đến việc "chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp", phải kết hợp nông nghiệp, với công nghiệp chế biến từ sơ đến sâu, dịch vụ thương mại nông sản, du lịch nông nghiệp nông thôn, khởi nghiệp nông nghiệp, kinh tế tập thể.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, Việt Nam có nguồn tài nguyên nông nghiệp, nông thôn phong phú mà không cần phải đầu tư nhiều.

Với diện tích nông thôn rộng lớn, trải dài khắp các địa phương, vùng miền, với điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng, phong cảnh, ẩm thực, văn hóa đa dạng, tài nguyên thiên nhiên gắn với du lịch nông thôn hiện nay rất đa dạng, phong phú và đặc sắc. 

Bên cạnh đó còn có các giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống, văn hóa cộng đồng các dân tộc anh em rất bản sắc… người dân nông thôn luôn cởi mở, thân thiện, chân tình. 

Đây là tiền đề rất quan trọng để phát triển sản phẩm du lịch gắn với nông thôn, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, tuy nhiên nguồn tài nguyên lại chưa được khai thác hết và hiệu quả.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn đưa du lịch nông nghiệp nông thôn trở thành một ngành kinh tế, một hướng đi mới sau đại dịch, không chỉ tập trung vào các đô thị lớn và khu du lịch lớn.

Phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền cũng chính là một trong những nhiệm vụ Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ đề ra.

Cụ thể, tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách (theo khách quốc tế, nội địa; theo độ tuổi,…). Đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng phát triển sản phẩm mới, có tính cạnh tranh cao và bắt kịp với xu hướng và thị hiếu của khách du lịch.

Hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện các cơ sở lưu trú và các công trình dịch vụ, bảo đảm chất lượng dịch vụ, hạn chế tác động đến môi trường.

Hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, ẩm thực, trang phục truyền thống và hoạt động nông nghiệp, loại hình biểu diễn văn hóa, thể thao,…; phát triển các nghệ nhân; phục dựng mô hình sản xuất các sản phẩm đặc sản, truyền thống… để phục vụ khách du lịch thông qua các trải nghiệm thực tế; bảo tồn và phát huy các không gian văn hóa, di tích văn hoá, lịch sử, cách mạng.

Hiện Tổng cục Du lịch đã phát triển mô hình "Làng du lịch thông minh" (Smart Village) nhằm khai thác các giá trị văn hóa truyền thống bản địa, sức mạnh của cộng đồng,… hình thành các điểm đến có sản phẩm đặc trưng, chất lượng cao, được du khách trong nước và nước ngoài tin cậy truy cập, tìm kiếm qua các website, mạng xã hội, ứng dụng công nghệ.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem