Dân Việt

Rõ khổ, cam sành rớt giá chưa từng có ở Vĩnh Long, tiếng kêu "giải cứu" từ vườn ra tới sạp

Lý An 10/02/2023 11:17 GMT+7
Nhiều nhà vườn ở Trà Ôn, Tam Bình (Vĩnh Long) đang trong thế “như đứng đống lửa, như ngồi đống than” bởi cam sành tới thu hoạch nhưng giá cam giảm mạnh chưa từng có. Tại vườn, giá cam sành chỉ còn 2.000 - 3.000 đ/kg, mà cũng “hổng có người mua”.

Tiếng kêu “giải cứu” cam sành từ các nhà vườn đã lan nhanh tới nhiều sạp trái cây và cả tự phát đổ đống bày ra đường “đại hạ giá”.

Tại TP Vĩnh Long, rất nhiều điểm bán ghi bảng “giải cứu cam” kêu gọi người dân mua ủng hộ nhà vườn. Cam sành đổ đống vỉa hè 15.000 đồng/2kg hoặc vào sẵn từng bao 5kg 30.000 đồng. 

Rõ khổ, cam sành rớt giá chưa từng có ở Vĩnh Long, tiếng kêu "giải cứu" từ vườn ra tới sạp - Ảnh 1.

Nông dân huyện Tam Bình (tỉnh Vĩnh Long) thu hoạch cam sành. Ảnh: Yêm Nguyễn.

Rõ khổ, cam sành rớt giá chưa từng có ở Vĩnh Long, tiếng kêu "giải cứu" từ vườn ra tới sạp - Ảnh 2.

Cam sành Tam Bình (Vĩnh Long) là một trong những loại trái cây ngon, bổ dưỡng. Ảnh: Yêm Nguyễn.

Nhiều cửa hàng, thậm chí quán cà phê cũng bán cam, họ cho biết thời gian này bán hỗ trợ bà con tiêu thụ, chứ không tính lời lỗ.

Ngoài ra, nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân cũng nỗ lực hỗ trợ nhà vườn “giải cứu cam” trên các trang mạng xã hội. 

Nhiều người “mua ủng hộ” từng túm, từng túm về làm cam vắt, sinh tố, chế biến đủ thứ món từ ăn chơi tới ăn thiệt… nhưng cũng “không ngã nào ăn cho hết”.

Không chỉ người mua mà cả người trồng cũng “hổng biết làm gì cho hết lượng cam tươi”. Và đó cũng là một thực tế đáng buồn, đáng suy nghĩ, bởi việc “giải cứu” nông sản đã không còn cá biệt của một loại nông sản nào, có thể nói khó liệt kê ra hết.

Từ thanh long, dưa hấu, chôm chôm, nhãn, mít đến câu chuyện “giải cứu” khoai lang gần đây vẫn còn nóng rẫy.

Trái cam cũng như đa số nông sản của Việt Nam được bán tươi, thiếu hẳn công nghệ chế biến chiều sâu nhằm đa dạng sản phẩm đầu ra, mặt khác lại xuất khẩu dưới dạng thô và hầu hết là chưa có thương hiệu nên cho giá trị thấp.

Chính vì thế để điệp khúc “lời ru buồn- được mùa mất giá, được giá hết mùa” không lặp lại và thay “giải cứu” cần có những giải pháp căn cơ cho hàng hóa nông sản.

Bên cạnh việc xây dựng thương hiệu để tăng sức cạnh tranh cho nông sản, rất cần nhiều mô hình kết nối cung - cầu hiệu quả vừa đảm bảo tiêu thụ nông sản vừa giúp nông dân từng bước thay đổi tư duy, quá trình canh tác, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chú trọng chất lượng sản phẩm, hình ảnh thương hiệu.

Để làm chủ mảnh ruộng miếng vườn của mình, người nông dân cũng phải biết tiếp cận thị trường để quyết định được giá cả hàng hóa nông sản làm ra chứ không trông chờ may rủi của thị trường.