Một nông dân Vĩnh Long bằm hàng tạ trái mít Thái cho đàn cá sông ăn, ước chừng 5-6 tấn cá tự nhiên

Thứ ba, ngày 05/07/2022 13:02 PM (GMT+7)
Gần 2 năm qua, gia đình anh Lê Văn Hiền (ngụ khóm Tân Đông, thị trấn Tân Quới, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) vẫn miệt mài cưu mang đàn cá tự nhiên ngoài bến sông.
Bình luận 0

Gần 2 năm qua, gia đình anh Lê Văn Hiền (ngụ khóm Tân Đông, thị trấn Tân Quới, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) vẫn miệt mài cưu mang đàn cá tự nhiên ngoài bến sông. Người yêu cá, cá cũng mến người nên ngày càng kéo đến một đông, đến nay ước chừng 5- 6 tấn cá.

Một nông dân Vĩnh Long bằm hàng tạ trái mít Thái cho đàn cá sông ăn, ước chừng 5-6 tấn cá tự nhiên - Ảnh 1.

Anh Lê Văn Hiền (thị trấn Tân Quới, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) bằm mít cho đàn cá sông ăn.

Anh Lê Văn Hiền cho biết, lúc đầu chỉ có vài con cá xuất hiện ở bến sông, nhưng nhờ cho ăn mỗi ngày nên số lượng cá tập trung về đây ngày một nhiều hơn. 

Đàn cá sông về càng đông thì số lượng thức ăn cung cấp cho cá sông cũng càng nhiều và thức ăn chủ yếu là mít Thái với số lượng từ 300- 400kg mỗi ngày.

Anh Lê Văn Hiền chia sẻ: Để bảo vệ đàn cá sông, mình và người thân trong gia đình đã đầu tư xây dựng “chòi canh” với tổng kinh phí trên 30 triệu đồng để ngủ giữ và cho cá ăn.

Việc bảo tồn đàn cá sông đã gần 2 năm nay, chứ gia đình không bắt một con cá nào để ăn. Mỗi ngày mình cho cá ăn và thấy đàn cá kéo đến ngày một nhiều. Mỗi khi xuống nhìn đàn cá tung tăng bơi lội, tranh mồi, trong lòng anh cảm thấy rất vui và ngày càng cảm mến hơn với đàn cá.

Việc vận chuyển mít Thái làm thức ăn cho cá sông ăn, tới việc trông giữ đàn cá sông cần rất nhiều công sức và tâm huyết nên ngoài anh Hiền thì còn có các anh em trong gia đình đồng lòng góp sức.

Anh Lê Văn Hiền Em (em trai anh Hiền) cho biết: “Cũng nhờ gia đình mình làm nghề thu mua mít Thái nên anh em mình xin những trái mít mà vựa mít không bán được sau đó vận chuyển đem về làm thức ăn cho cá sông. Các thành viên trong gia đình chia nhau nhiệm vụ, người phụ trách cho cá ăn, người ngủ giữ cá ban đêm, tránh để người dân đánh bắt, bảo vệ tốt hơn cho đàn cá”.

Hy vọng, từ việc làm ý nghĩa này của gia đình anh Lê Văn Hiền, sẽ có sức tác động lan tỏa đến cộng đồng trong việc thay đổi tập quán đánh bắt thủy sản, góp phần chung tay bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

Trung Thành (Báo Vĩnh Long)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem