Giữa dòng sông Cổ Chiên ở Vĩnh Long là cù lao đẹp như phim, có khu mộ cổ của thân nhân ông Thoại Ngọc Hầu

Thanh Bình (Trung tâm TTXT Du lịch Vĩnh Long) Thứ bảy, ngày 31/12/2022 12:31 PM (GMT+7)
Nằm giữa dòng sông Cổ Chiên, cù lao Dài, một dãi đất phù sa trù phú với cây lành, trái ngọt, nơi gắn liền với những câu chuyện lịch sử, văn hóa lâu đời của thời kỳ khai hoang, lập ấp. Di tích “Khu mộ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu” không chỉ mang ý nghĩa lịch sử vùng đất Vĩnh Long mà còn cả vùng Tây Nam Bộ.
Bình luận 0

Đến cù lao Dài, du khách sẽ được tham quan vườn trái cây trĩu quả, thưởng thức món ăn dân dã, đặc sản ở địa phương, xem làng nghề truyền thống, được tìm hiểu về cội nguồn văn hóa, dân tộc qua các di tích lịch sử văn hóa đình, chùa…mà đặc biệt là di tích “Khu mộ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu”.

Khu mộ cổ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu- một trong những di tích không chỉ mang ý nghĩa lịch sử trên vùng đất Vĩnh Long, mà còn có ý nghĩa cả vùng đất Tây Nam Bộ tức Trấn Vĩnh Thanh mà Thoại Ngọc Hầu từng làm trấn thủ.

Di tích Khu mộ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu, thuộc địa phận ấp Thái Bình, xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. 

Đến di tích, du khách có thể đi từ nhiều hướng. Từ trung tâm thành phố Vĩnh Long, xuôi theo QL 53 hướng về Trà Vinh khoảng 37km thì đến ngã ba Vũng Liêm, rẽ trái vào thị trấn, đi theo tỉnh lộ 907, qua Cầu Cống Vũng Liêm đến bến phà Vũng Liêm – Thanh Bình.

Tiếp đến, quý khách qua phà đi khoảng 1km theo đường liên xã Quới Thiện – Thanh Bình đến UBND xã Thanh Bình, và di chuyển thêm 100m theo hướng về xã Quới Thiện, gặp di tích bên tay trái.

Hoặc có thể đi từ Bến Tre sang, qua cầu Rạch Miễu đi về xã Nhuận Phú Tân của huyện Mỏ Cày Nam, đến bến phà Bang Tra, qua phà đến xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, đi hơn 01km hướng về xã Quới Thiện là đến khu di tích.

Di tích gồm hai khu mộ cổ. Khu mộ bà Nguyễn Thị Tuyết là mẹ của danh thần Thoại Ngọc hầu và khu mộ ông Châu Vĩnh Huy và bà Đỗ Thị Toán là cha, mẹ vợ của danh thần. 

Hai khu mộ cổ được xây dựng vào năm 1828, do Thoại Ngọc Hầu đứng ra xây dựng. Đây là tấm lòng của một người con hiếu thảo không chỉ đối với mẹ ruột mà cả với cha mẹ vợ. 

Công trình khu mộ cổ được xây dựng bằng vôi, cát, đá, ô dước, cẩn gốm sứ; là một trong những công trình mộ đầu triều Nguyễn được cẩn gốm sứ ở Nam bộ. Tổng thể hai khu mộ giống nhau, hình chữ nhật, có một cửa, tường thành bao quanh gọi là uynh thành. 

Từ ngoài vào trong công trình kiến trúc gồm: Cửa mộ, bình phong tiền, sân bái đình, hương án, mộ (theo kiểu long đình), miếu hậu thổ, bình phong hậu.

Giữa dòng sông Cổ Chiên ở Vĩnh Long là cù lao đẹp như phim, có khu mộ cổ của thân nhân ông Thoại Ngọc Hầu - Ảnh 1.

Giữa dòng sông Cổ Chiên ở Vĩnh Long là cù lao đẹp như phim, có khu mộ cổ của thân nhân ông Thoại Ngọc Hầu - Ảnh 2.

Giữa dòng sông Cổ Chiên ở Vĩnh Long là cù lao đẹp như phim, có khu mộ cổ của thân nhân ông Thoại Ngọc Hầu - Ảnh 3.

Giữa dòng sông Cổ Chiên ở Vĩnh Long là cù lao đẹp như phim, có khu mộ cổ của thân nhân ông Thoại Ngọc Hầu - Ảnh 4.

Toàn cảnh khu mộ cổ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu ở cù lao Dài, xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Khu mộ bà Nguyễn Thị Tuyết trước đây có ông Hương bái Nguyễn Khắc Vụ (ông Nguyễn Khắc Vụ là hậu duệ họ Nguyễn Khắc ở cù lao Dài) là người thường niên đứng ra tổ chức lễ giỗ. Nhưng từ 1945 đến nay, chiến tranh đã khiến dân chúng nhiều lúc bỏ làng mà đi, ông Vụ cũng đã chết, chi Nguyễn Khắc tại Cù Lao Dài cũng không còn một ai.

Do đó, lễ giỗ đến nay không còn. Khu mộ ông Châu Vĩnh Huy được con cháu dòng họ Châu cúng tế, vì hậu duệ họ Châu vẫn còn. Lễ giỗ kiến họ được tổ chức vào mùng 7 tháng 7 âm lịch.

Nhằm tri ân công đức các bậc tiền nhân cũng như để giáo dục truyền thống tốt đẹp cho thế hệ mai sau. Ngày 15/6/2017 di tích Khu mộ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu được Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long ra quyết định công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh (loại hình di tích lưu niệm danh nhân). Năm 2018, hai khu mộ cổ được trùng tu xây dựng khang trang, và đi vào hoạt động tháng 8/2022.

Để tham quan khu di tích, du khách có thể đến theo lịch mở cửa hoạt động cụ thể như sau: buổi sáng từ 7h30 đến 11h, buổi chiều từ 13h30 đến 17h, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Nếu du khách có nhu cầu tham quan ngoài giờ, hoặc thứ 7 và chủ nhật vui lòng liên hệ số điện thoại: 0703.986.999 để được sắp xếp đón tiếp.

Giữa dòng sông Cổ Chiên ở Vĩnh Long là cù lao đẹp như phim, có khu mộ cổ của thân nhân ông Thoại Ngọc Hầu - Ảnh 5.

Giữa dòng sông Cổ Chiên ở Vĩnh Long là cù lao đẹp như phim, có khu mộ cổ của thân nhân ông Thoại Ngọc Hầu - Ảnh 6.

Khu mộ cổ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu ở cù lao Dài, xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Tài liệu tham khảo:

“Lý lịch khu mộ bà Nguyễn Thị Tuyết và khu mộ ông Châu Vĩnh Huy thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu”, Ban Quản lý di tích tỉnh Vĩnh Long, 2017.

Thoại Ngọc Hầu là một danh tướng nổi danh của triều Nguyễn. Thoại Ngọc Hầu tên thật là Nguyễn Văn Thoại, sinh ngày 25-11 năm Tân Tỵ (1761) tại huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Do có công lớn nên ông được được chúa Nguyễn phong tước hầu.
Thời ông sống, lịch sử nước ta xảy ra chiến tranh Nam - Bắc giữa Trịnh với Nguyễn, tiếp theo là phong trào Tây Sơn. Thoại Ngọc Hầu phải cùng gia đình thân thuộc chạy vào Nam, cuối cùng định cư ở làng Thới Bình nằm trên cù lao Dài, sông Cổ Chiên thuộc địa phận Vũng Liêm, Vĩnh Long. Hiện nay ở đây còn một khu mộ, gồm mộ mẹ đẻ và cha mẹ vợ của ông.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem