Thông tin tại Diễn đàn Kết nối nông sản 970 "Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam)" do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 10/2, ông Trần Phương Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển tổ yến Việt Nam cho biết, phía khách hàng Trung Quốc đánh giá cao sản phẩm tổ yến Việt Nam.
“Ngay khi có thông tin tổ yến Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, các đối tác nước bạn liên tục đề nghị cung cấp hồ sơ để hỗ trợ. Phía bạn rất mong chờ được nhập khẩu sản phẩm tổ yến theo con đường chính ngạch”, ông Trần Phương Tuấn cho hay.
Chính vì vậy, doanh nghiệp đã kiến nghị các cơ quan quản lý của Bộ NNPTNT đẩy nhanh tốc độ hỗ trợ và bày tỏ mong muốn Văn phòng SPS Việt Nam hướng dẫn đăng kí doanh nghiệp xuất khẩu yến trên hệ thống đăng kí của Tổng cục Hải quan Trung Quốc theo Lệnh 248 và hướng dẫn quản lý an toàn thực phẩm theo Lệnh 249.
Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, hiện nay, Cục đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là hướng dẫn cấp mã số cho các nhà yến cũng như các hang yến để thực hiện kiểm soát theo đúng yêu cầu của Trung Quốc và sẽ trình Bộ ban hành trong tuần tới.
Ông Chinh lưu ý thêm, các cơ sở nuôi yến cần đăng kí theo quy định; các cơ sở xuất khẩu yến phải nằm trong vùng quy hoạch nuôi chim yến theo quy định; các sản phẩm tổ yến phải đảm bảo quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch, điều kiện chăn nuôi.
"Khi các cơ sở đã đáp ứng được yêu cầu sẽ cần đăng kí trên hệ thống cơ sở dữ liệu của Cục Chăn nuôi. Dựa theo hồ sơ và tài liệu, Cục sẽ xem xét cấp mã số cho các nhà yến và các cơ sở đăng kí xuất khẩu sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc. Những mã số này là cơ sở làm hồ sơ để trình Tổng cục Hải quan Trung Quốc", ông Chinh cho hay.
Trong khoảng 1.200 năm, người Trung Quốc đã ăn tổ yến như một món súp. Tổ yến được biết có giá trị dinh dưỡng và dược liệu cao như đặc tính chống lão hóa, chống ung thư đến khả năng cải thiện sự tập trung và tăng ham muốn.
Về xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp phản ánh gặp khó khăn trong quá trình đăng ký xuất khẩu.
Trước vấn đề này, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, với gạo và cám gạo thì Việt Nam và Trung Quốc đã ký Nghị định thư chính thức để xuất khẩu chính ngạch với hai sản phẩm này từ năm 2016. Trong phụ lục các doanh nghiệp được phép xuất khẩu thì có 22 doanh nghiệp được phép xuất khẩu chính thức.
Theo ông Đạt, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình đăng ký xuất khẩu là do trong suốt thời gian vừa qua, có sự thay đổi các điều kiện về an toàn thực phẩm cũng như đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc theo Lệnh 248, 249.
Hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật đã có hướng dẫn cho các doanh nghiệp để đăng ký theo các bước, trên cơ sở đó chúng ta sẽ nộp hồ sơ để Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét, phê duyệt.
"Trong thời gian qua, rất nhiều loại hồ sơ, rất nhiều sản phẩm của Việt Nam đang được phía bạn nỗ lực để phê duyệt. Cục Bảo vệ thực vật cũng đang phối hợp với Văn phòng SPS để thống kê, tổng kết các số liệu các doanh nghiệp có hồ sơ mà Bộ NNPTNT đã gửi cho phía Hải quan Trung Quốc để thúc đẩy họ phê duyệt", ông Đạt cho biết.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, để được chấp thuận xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp phải đảm bảo đầy đủ thông tin theo quy định, chứng minh đầy đủ thành phần hồ sơ liên quan đến công đoạn sản xuất ngoài đồng ruộng đến thu hoạch, sơ chế, chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm HACCP.
"Do vậy, trong quá trình thực hiện chúng ta cần phải hoàn thiện hết các hồ sơ này cũng như gửi cho Cục Bảo vệ thực vật để Cục tiếp tục giới thiệu sang phía bạn. Theo thông lệ, từ 2-3 tháng/lần, tùy từng nhóm mặt hàng, chúng tôi sẽ gửi các danh sách này cho phía bạn", ông Đạt nói.
Đồng thời, Cục Bảo vệ thực vật cũng đã báo cáo lãnh đạo Bộ NNPTNT trong thời gian tới sẽ chủ động hơn nữa để phối hợp với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để tiếp tục đầu mối tiếp nhận, xử lý nhanh chóng và hiệu quả các hồ sơ chúng ta đã phê duyệt.