Tiết lộ của chủ doanh nghiệp đang buôn bán tại Trung Quốc: Thị trường Trung Quốc khó tính đến mức nào?

Thiên Ngân Thứ sáu, ngày 10/02/2023 18:41 PM (GMT+7)
"Quan điểm sai lầm của nhiều người là nghĩ rằng thị trường Trung Quốc dễ tính. Chúng tôi hoạt động nhiều năm tại đây, thấy rằng sự thật không phải như vậy. Chúng ta cần lưu ý về chất lượng, số lượng", Tiến sỹ Trà My, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc cho biết.
Bình luận 0

Thị trường Trung Quốc khó tính đến mức nào?

Bà Trà My hiện là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc công ty Phumo, chuyên kinh doanh đệm cao su Việt Nam tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.

Tại Diễn đàn Kết nối nông sản 970 chủ đề Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam), tổ chức ngày 10/2, bà Trà My lưu ý các doanh nghiệp trong nước về việc "gò ép" số lượng mà quên đảm bảo chất lượng.

"Hôm trước tôi đến một kho hàng sầu riêng, thấy nhiều quả vẫn còn sâu, rệp trên vỏ. Nếu chúng ta cứ cố đóng những container hàng như vậy thì khả năng cao sẽ bị trả lại", bà My nói. "Không những thế, việc xuất hàng không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín ngành hàng. Việc một số doanh nghiệp mượn mã số để xuất khẩu, thì sẽ gây hậu quả rất lớn".

Tiết lộ của chủ doanh nghiệp đang buôn bán tại Trung Quốc: Thị trường Trung Quốc khó tính đến mức nào? - Ảnh 1.

TS Trà My giới thiệu với Phó Thị trưởng TP Yên Đài các dòng sản phẩm của TH True Milk và các sản phẩm của Việt Nam đang trưng bày tại showroom Gian hàng Việt Nam ở TP.Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: doanhnghiep.vn

Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc cũng cho biết, bà cảm thấy rất đáng tiếc khi nông dân và doanh nghiệp chưa chủ động học cách nghiên cứu về việc bán hàng tận nơi cho đối tác Trung Quốc. Lần này về nước, bà My mang theo nhiều đơn hàng, trong đó có hai đơn hàng khối lượng 60.000 tấn/năm, đơn nhỏ nhất 10.000 tấn, tổng 150.000 tấn.

Bà My cho rằng, một số doanh nghiệp khi xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc thường tập trung vào đường bộ, mà quên mất đường biển có nhiều ưu thế. Gợi mở vấn đề, bà My cho biết Hiệp hội có các thành viên ở Sơn Đông, Thượng Hải, sẵn sàng hỗ trợ nếu doanh nghiệp và bà con đi đường biển.

"Bài học thương hiệu cho nông sản Việt Nam là việc rất đau đầu. Trong khi đó, chất lượng trái cây Việt Nam không thua kém các nước bạn. Ví dụ, một trái sầu riêng bán được 200.000 đồng, nhưng nếu có thương hiệu được đăng ký thì giá sẽ cao hơn. Malaysia có loại sầu riêng bán được tới 1.000 USD. Thương hiệu mang lại giá trị kinh tế cao hơn nguyên liệu đơn thuần", bà My nói.

Hiện Hiệp hội đã đầu tư showroom Gian hàng Việt Nam ở Trung Quốc, giúp doanh nghiệp trưng bày sản phẩm miễn phí. Khác với các hội chợ, gian hàng này hoạt động 24/7, chỉ trừ ngày Tết. Được biết, showroom này chính là tâm huyết của TS. Trà My. Showroom vừa là nơi trưng bày mẫu để doanh nghiệp Trung Quốc đến lựa chọn nguồn hàng cần mua bán với Việt Nam, cũng là nơi đón tiếp khách du lịch và người dân Trung Quốc đến tìm hiểu những sản phẩm Made in Vienam thực thụ.

Chỉ có hàng đông lạnh, hàng trái cây tươi do vấn đề bảo quản nên chưa trưng bày. Giai đoạn 1, showroom có diện tích 400m2. Hiện đã đưa 1 số hàng mẫu nông sản Việt Nam như các thương hiệu cà phê, bánh pía, bánh dừa, mít sấy, mì tôm thanh long, đồ gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ mây tre đan… lên kệ trưng bày.

Sơn Đông là tỉnh có diện tích chỉ bằng nửa Việt Nam, nhưng dân số nhiều hơn Việt Nam (với 107 triệu dân) và GDP đứng thứ 3 toàn Trung Quốc. Tuy nhiên, đa phần người tiêu dùng khu vực này chỉ biết tới sầu riêng Thái Lan, chuối Philippines.

Thời gian tới, Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc sẽ phối hợp với Hiệp hội doanh nhân Việt Nam tổ chức Diễn đàn đầu tư thương mại Việt Nam – Thượng Hải lần thứ nhất (địa điểm diễn ra tại Thượng Hải), dự kiến vào tháng 4, nội dung chính bàn về xuất khẩu nông sản Việt Nam sang nước bạn.

Tiết lộ của chủ doanh nghiệp đang buôn bán tại Trung Quốc: Thị trường Trung Quốc khó tính đến mức nào? - Ảnh 3.

Quả chanh leo tươi của Việt Nam đã được xuất khẩu qua 7 cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc): Hữu Nghị quan; Po Chải; Ga Đường sắt Bằng Tường; Bằng Tường, Đông Hưng, Long Bang và Thủy Khẩu. Ảnh: I.T

Con đường nhanh nhất đưa nông sản Việt tiếp cận với người tiêu dùng Trung Quốc

Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) cũng khẳng định Trung Quốc là thị trường có tiềm năng rất lớn đối với các sản phẩm của Doveco. Năm 2022, doanh nghiệp đã tập trung vào xuất khẩu các mặt hàng chanh leo tươi, chanh leo chế biến, nước chanh leo sang Trung Quốc; xuất khẩu sản phẩm chuối vào các tỉnh phía Bắc Thượng Hải, Bắc Kinh; và nhiều sản phẩm trái cây khác như dứa, xoài, sầu riêng, thanh long…

Bên cạnh mặt hàng hoa quả tươi, Doveco cũng đang đầu tư chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, đồng thời chia sẻ về ưu điểm khi xuất khẩu nông sản bằng đường biển: "Chúng tôi chủ yếu xuất khẩu theo đường biển nên dù thời gian qua việc xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu có gặp nhiều khó khăn nhưng Doveco vẫn không bị ảnh hưởng quá nhiều", ông Thành cho biết.

Để xuất khẩu sản phẩm rau quả một cách thuận lợi sang Trung Quốc, ông Thành cũng tiết lộ Doveco rất chú trọng khâu xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. "Thời gian qua Doveco rất tích cực tham gia các Hội chợ tại nước bạn. Đó là con đường nhanh nhất để người tiêu dùng Trung Quốc tiếp cận sản phẩm nông sản Việt", ông Thành nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem