Tổ yến, thịt gà Việt Nam rộng đường sang Trung Quốc, Nhật Bản

Khánh Nguyên Thứ tư, ngày 21/12/2022 13:39 PM (GMT+7)
Năm 2022 ghi nhận nhiều kết quả nổi bật trong việc mở cửa thị trường xuất khẩu các sản phẩm động vật, trong đó có việc ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc.
Bình luận 0

Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của Cục Thú y, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã xảy ra 1.217 ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại 53 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 57.914 con lợn. Hiện nay, có 45 xã thuộc 27 huyện của 16 tỉnh có ổ dịch chưa qua 21 ngày. 

Hiện, nguy cơ bệnh DTLCP tái phát và phát sinh là rất cao, do đặc điểm của virus DTLCP rất nguy hiểm đối lợn, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp; chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, chưa đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học; việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn gia tăng mạnh vào các tháng cuối năm; một số người chăn nuôi còn chậm hoặc không thực hiện báo cáo khi xảy ra dịch bệnh.

Củng cố thú y tuyến huyện, nâng hiệu quả chống dịch bệnh - Ảnh 1.

Cán bộ thú y ở Long An tiêm phòng vaccine cho đàn gia cầm. Ảnh: B.L.A

Đối với dịch cúm gia cầm (CGC), từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã xảy ra 48 ổ dịch tại 38 huyện của 22 tỉnh, thành phố (bao gồm 45 ổ dịch CGC A/H5N1, 1 ổ dịch CGC A/H5N6, 2 ổ dịch CGC A/H5N8). Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 97.822 con. Hiện nay, có 7 ổ dịch CGC A/H5N1 tại 4 tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi, Đăk Lăk và Nghệ An chưa qua 21 ngày. Các ổ dịch CGC chủ yếu xảy ra tại hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, chưa được tiêm phòng vaccine CGC.

Đáng chú ý, theo thông tin của Bộ Y tế, ngày 5/10/2022 đã có 1 trường hợp người nhiễm virus CGC, chủng A/H5 tại tỉnh Phú Thọ (sau hơn 8 năm Việt Nam không có trường hợp người tử vong hoặc nhiễm virus cúm A/H5); nâng tổng số người nhiễm virus CGC A/H5 tại Việt Nam lên 128 trường hợp, trong đó có 64 (chiếm 50%) trường hợp tử vong do virus CGC A/H5N1 trong giai đoạn từ năm 2003 đến tháng 10/2022. 

Ngay sau khi nhận được thông tin về ca bệnh nhiễm CGC A/H5 tại tỉnh Phú Thọ, Cục Thú y đã cử lãnh đạo và cán bộ dịch tễ của Chi cục Thú y vùng I đến tỉnh Phú Thọ để phối hợp với các cơ quan thú y địa phương, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tổ chức điều tra, lấy mẫu xét nghiệm đàn gia cầm và môi trường. Kết quả xác định chưa phát hiện được virus CGC trên đàn gia cầm và chưa có dịch bệnh CGC tại địa phương.

Nhiều kết quả trong mở cửa thị trường xuất khẩu sản phẩm động vật

Năm 2022 ghi nhận nhiều kết quả nổi bật trong việc mở cửa thị trường xuất khẩu các sản phẩm động vật. Đã có 19 nhà máy của 10 công ty sản xuất sữa của Việt Nam nộp hồ sơ đăng ký xuất khẩu sản phẩm sữa sang Trung Quốc. Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp phép nhập khẩu cho 11 nhà máy của 7 công ty Việt Nam. 

Hiện nay, Cục Thú y đang tiếp tục trao đổi, đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để được cấp phép thêm các nhà máy còn lại, đồng thời bổ sung thêm sản phẩm xuất khẩu cho các nhà máy đã có phép xuất khẩu.

Đối với xuất khẩu mật ong và sản phẩm từ ong, đã có 44 doanh nghiệp của Việt Nam được phép xuất khẩu sản phẩm mật ong sang 35 nước như Mỹ, EU, ASEAN, Nhật Bản, Ả rập Xê út. Trong đó, Mỹ là thị trường lớn nhất của mật ong Việt Nam.

Ngày 31/8/2022, Nhật Bản đã thông báo chấp thuận cho nhà máy chế biến thịt gà của Công ty cổ phần CP tại Bình Phước xuất khẩu thịt gà chế biến sang Nhật Bản. Hiện nay, Cục Thú y đang tiếp tục đàm phán để xuất khẩu sản phẩm này sang Hàn Quốc, EU, Anh, các nước Trung Đông.

Đối với xuất khẩu tổ yến, sau 4 năm đàm phán, ngày 9/11/2022 Bộ NNPTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Chấn chỉnh hoạt động thú y tuyến huyện

Trong năm 2023, theo ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y, Cục sẽ tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh; tổ chức giám sát chủ động sự lưu hành và biến đổi của virus CGC tại chợ buôn bán gia cầm sống, gia cầm nhập lậu; giám sát lưu hành và giám sát sau tiêm phòng đối với bệnh lở mồm long móng; xác định hiệu lực các loại vaccine phù hợp; xây dựng bản đồ dịch tễ của các bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm để làm căn cứ chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh; tăng cường năng lực xét nghiệm. Hỗ trợ các các địa phương, các doanh nghiệp xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Củng cố thú y tuyến huyện, nâng hiệu quả chống dịch bệnh - Ảnh 3.

Lễ công bố xuất khẩu lô thịt gà chế biến đầu tiên sang Nhật Bản diễn ra ngày 25/10 tại Bình Phước. Ảnh: T.L

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 64 người tử vong do bệnh Dại tại 25 tỉnh, thành phố (tăng 16 ca tử vong so với cùng kỳ năm 2021), trong đó nhiều nhất là các tỉnh Bến Tre (13 ca), Kiên Giang (5 ca), Nghệ An (5 ca) và Quảng Bình (5 ca).

Để giám sát tốt dịch bệnh, Cục Thú y cũng kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng dự thảo nghị định riêng biệt về cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật. Hiện nay đang được thực hiện theo Nghị định số 02/2017 nhưng việc sửa đổi, bổ sung nghị định này gặp nhiều khó khăn, phức tạp vì liên quan đến nhiều lĩnh vực.

Cục Thú y cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, trong đó khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vaccine phòng các bệnh, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến qua hệ thống VAHIS. Yêu cầu thực hiện nghiêm việc báo cáo dịch bệnh động vật trên hệ thống báo cáo trực tuyến; thống nhất chỉ đạo sử dụng số liệu dịch bệnh trên hệ thốngđể tổng hợp, báo cáo theo yêu cầu của các cấp chính quyền địa phương; không phát sinh biểu mẫu báo cáo để giảm thiểu áp lực cho các cơ quan thú y, cũng như lực lượng thú y cấp xã.

Hướng dẫn chủ vật nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng bệnh bằng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc; có biện pháp ngăn chặn các loài véc tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài véc tơ truyền bệnh; chủ động giám sát, phát hiện dịch bệnh động vật nguy hiểm nêu trên để kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm ổ dịch mới phát sinh, ưu tiên sử dụng nguồn lực tại chỗ của địa phương trong xử lý ổ dịch.

Tập trung, đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; đặc biệt các chuỗi, các vùng cần ATDB theo tiêu chuẩn của OIE/WOAH để phục vụ xuất khẩu. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, cung ứng các loại thuốc, vắc xin thú y, hóa chất cần thiết cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới; chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Chấn chỉnh công tác thú y tại tuyến huyện, tuyến xã; đặc biệt chú trọng khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh, báo cáo số liệu dịch bệnh theo đúng quy định; tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cung ứng, buôn bán các loại vaccine không bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật hiện hành.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem