Hiện, anh Kha trồng bưởi da xanh với 18ha. Trong đó, 5ha bưởi da xanh được trồng hữu cơ.
Anh Kha cho biết, hơn 10 năm trước anh đã trồng bưởi da xanh theo hướng công nghệ cao trên diện tích đất trồng của gia đình.
Theo đó, anh Kha đã lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, bón phân nuôi cỏ dưới gốc bưởi, kết hợp quá trình quang hợp để tạo thành các chất hữu cơ trong cây cỏ.
"Sau khi chết, xác cỏ phân hủy thành phân hữu cơ rất tốt cho cây bưởi. Cách làm này vừa tiết kiệm được nhân công, vừa không ảnh hưởng đến môi trường đất. Do có mùn và phân hữu cơ, tỷ lệ đậu trái trên cây bưởi cũng nhiều hơn so với trước đây", anh Kha thổ lộ.
Nhờ học hỏi kỹ thuật, anh Kha sử dụng biện pháp kích hoa gối vụ cho cây vừa ra trái lại tiếp tục trổ bông. Với kỹ thuật này, 1 năm cây cho trái 3 vụ.
Tuy nhiên, 3 năm nay anh Kha quyết định chuyển hẳn từ trồng truyền thống sang trồng bưởi da xanh hữu cơ để mở lối đi mới.
"Phải có một hướng đi mới để đưa trái bưởi da xanh ra nước ngoài, tấn công thị trường khó tính để tăng sức cạnh tranh, nâng giá trị trái bưởi lên", anh Kha thổ lộ.
Theo đó, thay vì dùng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, anh Kha sử dụng các loại phân chuồng được ủ hoai mục và các loại thuốc vi sinh.
Đồng thời, anh Kha cũng ủ phân hữu cơ từ bã đậu nành, hèm bia, chuối để bón cho cây bưởi thay thế phân hóa học.
"Thời gian đầu chuyển đổi sang trồng bưởi hữu cơ, năng suất vườn bưởi có giảm. Nhưng sau đó, vườn bưởi đã dần ổn định, cây khỏe mạnh, xanh tốt, ít sâu bệnh và năng suất tăng trở lại", anh Kha chia sẻ.
Hiện, trung bình anh Kha thu khoảng 100 tấn bưởi/5ha/năm, mang lại lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.
Điều quan trọng hơn, theo anh Kha từ khi trồng bưởi da xanh hữu cơ anh nhận thấy, không chỉ có lợi về sức khỏe, an toàn cho người sản xuất, mà còn nâng cao chất lượng của sản phẩm.
Không những thế, chi phí đầu tư giảm 40 – 50%, tức chỉ còn 100 – 120 triệu đồng/ha/năm, thay vì hơn 200 triệu đồng so với trồng bưởi da xanh truyền thống.
"Trong thời buổi giá vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, trồng bưởi da xanh hữu cơ rất có lợi", anh Kha nhận xét.
Anh Kha cho biết, 5ha bưởi trồng bưởi da xanh hữu cơ của anh giờ đủ điều kiện xuất khẩu bưởi da xanh sang thị trường Hoa Kỳ.
Vừa qua, vườn bưởi của anh Kha là một trong 4 vùng trồng bưởi da xanh của tỉnh đã được cấp mã vùng xuất khẩu bưởi da xanh sang thị trường Mỹ và EU.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trên địa bàn tỉnh có 1.163ha bưởi, sản lượng ước đạt 4.500 tấn/năm, tập trung tại TX. Phú Mỹ và huyện Châu Đức.
Đã có 4 vùng trồng bưởi da xanh được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu trái bưởi da xanh sang thị trường Mỹ, gồm: Trang trại bưởi hữu cơ Kim Long (huyện Châu Đức), trang trại bưởi Hoàng Long, bưởi da xanh Sông Xoài của hộ ông Trương Văn Út và ông Hồ Hoàng Kha trên địa bàn Tx.Phú Mỹ, với tổng diện tích 68ha.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, trồng bưởi da xanh hữu cơ giúp vườn cây ít sâu bệnh, ô nhiễm môi trường, cho sản lượng cao hơn 20%, 70% trái bưởi đạt loại 1, lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/ha…