Mô hình điểm trồng bưởi da xanh tại xã Đăk Ơ đã và đang cho thấy những tín hiệu tích cực, mở ra hướng đi mới cho nông dân.
Xã Đăk Ơ từng là vùng chuyên canh cây hồ tiêu ở huyện Bù Gia Mập. Thời gian qua, dịch bệnh khiến cây hồ tiêu bị chết hàng loạt. Đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn.
Được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, từ 4 năm trước, người dân xã Đăk Ơ đã mạnh dạn chuyển đổi từ hồ tiêu sang cây ăn trái.
Gia đình anh Nguyễn Công Nhiệm đang trồng 150 cây bưởi thí điểm trên diện tích 0,5ha.
Anh Nhiệm kể, người dân được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Gia Mập hỗ trợ từ cây giống, phân bón đến khoa học kỹ thuật.
"Vườn bưởi đã trồng được 4 năm, đang phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch, với giá thu mua tại vườn từ 15.000-17.000 đồng/kg", anh Nhiệm nói.
Theo ông Trịnh Đình Tâm - Phó Giám đốc Công ty CP thương mại vật tư Bình Phước, cán bộ kỹ thuật của công ty thăm vườn định kỳ để cung cấp nguồn vật phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng.
Cán bộ kỹ thuật cũng hỗ trợ các biện pháp kỹ thuật trực tiếp, và đúng lúc cho bà con ngay tại vườn.
Bên cạnh các yếu tố quan trọng như hệ thống tưới, phân bón, kỹ thuật trồng thì việc xử lý kịp thời sâu bệnh hại đã góp phần quyết định năng suất cũng như hiệu quả kinh tế của mô hình này.
Bà Nguyễn Thị Nga - Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Ơ cho biết, mô hình bưởi da xanh được trồng tại xã Đắk Ơ hứa hẹn là hướng đi mới trong việc chuyển đổi cây trồng cho nông dân trong xã
"Hội Nông dân khuyến cáo bà con nên tìm hiểu những mô hình chuyển đổi hiệu quả như thế này để phát triển kinh tế", bà Nga nói.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, ngụ cùng xã Đăk Ơ kể gia đình trước kia có 4.000 nọc tiêu trên diện tích 3ha, thu hoạch khoảng 10 tấn tiêu mỗi năm. Từ đầu năm 2019 đến nay, vườn tiêu nhà ông Cẩn nhiễm bệnh chết hàng loạt.
Được sự hướng dẫn của ngành nông nghiệp, ông Cẩn quyết định trồng xen bưởi da xanh ngay trong vườn tiêu. Ông Cẩn cho biết, vườn bưởi vẫn đang sinh trưởng và phát triển tốt.
Theo ông Phan Văn Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Gia Mập, Trung tâm thực hiện những mô hình này để bà con có nơi tham quan, học tập và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Từ sự thành công của mô hình, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Gia Mập sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo đầu bờ để nhân rộng mô hình.
"Qua đó giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia tăng hiệu quả canh tác, góp phần vào việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững", ông Hà nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.