Dân Việt

Cảnh giác mặn xâm nhập sâu ở ĐBSCL

Huỳnh Xây 13/02/2023 12:08 GMT+7
Các địa phương ở ĐBSCL đang triển khai nhiều giải pháp ứng phó với tình trạng nước mặn xâm nhập bất thường trong mùa khô 2022-2023. Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, do nhiều nguyên nhân, có thể mặn xâm nhập sâu từ nửa cuối tháng 2 và kéo dài sang tháng 3 tới.

Độ mặn tăng cao ở nhiều địa phương

Ông Bùi Thanh Liêm - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) - nơi sản xuất cây giống lớn nhất ĐBSCL, thông tin với phóng viên Báo NTNN, đầu tháng 2 vừa qua, cụ thể là ngày 2/2, độ mặn ở các sông lớn ở địa phương bất ngờ tăng nhanh. Tại xã Hưng Khánh Trung B, độ mặn đo được là 2,24‰ trong khi đó độ mặn 0,5‰ là ảnh hưởng đến cây giống.

"Nước mặn trên 2‰ là cao lắm rồi, nếu nếm thử đã cảm thấy mặn, khi tưới vào cây giống sẽ thiệt hại hết. Rất may là do người dân và ngành chức năng đo độ mặn liên tục và chủ động đóng hết các cống ngăn mặn nên không thiệt hại gì" - ông Liêm nói.

Theo ông Liêm, sở dĩ thời điểm nói trên, độ mặn tăng là do triều cường. Hiện nay, độ mặn giảm xuống còn 0,1‰, các cống đóng trước đó đã mở lại dể dẫn nước ngọt vào. Tuy nhiên, thời gian tới, độ mặn của nước sẽ tăng trở lại do triều cường và gió chướng tác động.

Huyện Chợ Lách đang vận động các hộ mua bán thuốc bảo vệ thực vật trang bị máy đo mặn, cố gắng mỗi xã có ít nhất 2 điểm đo độ mặn. Đồng thời vận động người dân tận dụng ao lót bạt, túi nylon để trữ nước ngọt sử dụng vào việc chăm sóc cây giống và vườn cây ăn trái.

Cảnh giác mặn xâm nhập sâu ở ĐBSCL - Ảnh 1.

Một cống ở huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) đã mở khi độ mặn hạ xuống thấp. Ảnh: Huỳnh Xây

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam lưu ý các địa phương ĐBSCL cần chủ động xây dựng các giải pháp ứng với hạn mặn, tăng cường công tác giám sát và thường xuyên điều chỉnh kế hoạch phù hợp với các diễn biến nguồn nước.

Mới đây, ông Nguyễn Minh Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo ngành chức năng trong tỉnh tăng cường cảnh giác, khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với tình hình xâm nhập mặn tăng cao trên các sông chính. 

Riêng đối với Sở NNPTNT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với Đài Khí tượng thủy văn tỉnh theo dõi sát diễn biến của hạn mặn, kịp thời thông tin để các cơ quan, đơn vị và người dân biết để ứng phó. Thành lập các đoàn đi kiểm tra một số địa phương trọng điểm nhằm chấn chỉnh, hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống hạn mặn mùa khô năm 2022-2023.

Cũng như tỉnh Bến Tre, ngày 4/2 vừa qua, độ mặn bất ngờ tăng cao tại một số cửa sông lớn ở tỉnh Vĩnh Long. Cụ thể, tại trạm đo cống Nàng Âm (xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm) độ mặn là 4,5‰, các trạm đo còn lại có độ mặn thấp hơn như Tích Thiện 2,1‰, Qưới An 2,0‰.

Hiện nay, độ mặn tại các điểm nói trên ở Vĩnh Long đã giảm mạnh, do vậy các cống ngăn mặn đóng trước đó đã mở lại. Khi độ mặn tăng lên sẽ tiếp tục đóng theo kế hoạch, đảm bảo nước tưới cho hơn 20.000ha lúa hè thu, hơn 3.700ha cây màu ở các huyện có khả năng bị nhiễm mặn cao (Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít, Tam Bình và Long Hồ).

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn - Giám đốc Sở NNPTNT Tiền Giang, những ngày đầu tháng 2 vừa qua, do gió chướng hoạt động rất mạnh kết hợp với triều cường cao đã làm cho độ mặn một số cửa sông tăng nhanh. Hiện nay, diện tích lúa đông xuân vùng ngọt hóa Gò Công của tỉnh Tiền Giang là 21.356ha. Trong đó, có 5.119ha lúa đang trong giai đoạn chín, 11.760ha trổ bông, còn lại đang trong giai đoạn làm đòng. 

Với tình hình xâm nhập mặn như hiện nay, vùng sản xuất nói trên cũng như vùng cây ăn trái các huyện phía Tây sẽ đảm bảo nước sản xuất.

Cảnh giác mặn xâm nhập sâu bất thường

Cảnh giác mặn xâm nhập sâu ở ĐBSCL - Ảnh 3.

Ngành chức năng ĐBSCL chủ động đo độ mặn ở các cửa sông để có những kế hoạch ứng phó hợp lý. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, trong thời gian từ 26/1-2/2, thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) xả nước xuống hạ lưu dao động từ 650m3/s đến 904m3/s. Đây là lưu lượng rất thấp so với thời gian trước đó.

Do vậy, việc tích nước muộn và xả nước cầm chừng đầu mùa khô là rất có thể xảy ra ở khu vực thủy điện Trung Quốc. Và nếu việc xả nước hạn chế của thủy điện Trung Quốc tiếp tục kéo dài thì khả năng rất cao là ở ĐBSCL mặn xâm nhập sớm và sâu từ nửa cuối tháng 2 và kéo dài sang tháng 3.

Cụ thể, trong tháng 2, nước mặn với nồng độ 4g/l có thể xâm nhập sâu 45-60km tại vùng giữa ĐBSCL, bao gồm phần đất thuộc TP.Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre.

Đặc biệt, nếu thượng lưu vận hành xả nước bất thường có thể làm mặn vào sâu 50-65km, làm ảnh hưởng đến việc lấy nước của các cống lấy nước.

Đối với vùng ven biển thuộc các địa phương Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang, trong tháng 2, nước mặn có thể vào sâu 45-60km. Từ tháng 3, nước mặn gia tăng chủ yếu khu vực sông Vàm Cỏ và có thể xâm nhập sâu 65-75km.

Riêng đối với vùng này, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam nhận định, mặn xâm nhập có thể ảnh hưởng đến sản xuất cả vùng mặn và vùng ngọt. Việc thiếu nước có thể xảy ra ở các vùng chưa có hoàn chỉnh hệ thống kiểm soát mặn.

Vì vậy, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam lưu ý các địa phương ĐBSCL cần chủ động xây dựng các giải pháp ứng với hạn mặn, tăng cường công tác giám sát và thường xuyên điều chỉnh kế hoạch phù hợp với các diễn biến nguồn nước.

Trước tiên là vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn và tích trữ nước hợp lý khi nguồn nước chưa bị mặn. Riêng việc lấy nước tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn trước, nhất là đối với các vùng chuyên trồng cây ăn trái thuộc huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam thuộc tỉnh Bến Tre; huyện Kế Sách thuộc tỉnh Sóc Trăng.