Thái tổ họ Trần là Trần Lý, vì sao mang tiếng cả đời núp sau lưng người khác, nhưng lại là bố già?
Trần Thừa, vị Thái tổ họ Trần, vì sao không ai nhớ công trạng gì, mang tiếng cả đời núp sau lưng người khác?
Chủ nhật, ngày 12/02/2023 15:18 PM (GMT+7)
Từ “Đại Việt sử ký toàn thư” đến “Khâm Định Việt sử giám cương mục” đều nhắc đến Trần Thừa (1184-1234) một cách hết sức hạn chế. Ngoại trừ “Việt sử lược” viết khá chi tiết về cuộc đời của Trần Thừa, ta thấy hầu như không ai nhớ công trạng gì của vị “Thái tổ” họ Trần này.
Liệu rằng Trần Thừa có thực sự chỉ là kẻ “tọa hưởng kỳ thành”, hay thực sự là một dạng “bố già” (trong danh tác “The Godfther” của Mario Puzo) như “Don” Vitto Corleone...
1. Trước tiên, chúng ta lần theo bộ sử nổi tiếng nhất của Việt Nam - “Đại Việt sử ký toàn thư” (sau đây gọi tắt là “Toàn thư”):
- (1216) - Mùa đông, tháng 12, sách phong [Thuận Trinh] phu nhân làm hoàng hậu, phong Tự Khánh làm Thái úy phụ chính, cho anh trai Tự Khánh là Trần Thừa (tức thượng hoàng nhà Trần) làm Nội thị phán thủ. Tự Khánh cùng với Thượng tướng quân Phan Lân xếp đặt quân ngũ, chế tạo binh khí, luyện tập võ nghệ, quân thế dần dần phấn chấn.
- (1223) - Tháng 12, thế quân của Nguyễn Nộn ngày càng mạnh.
Trần Tự Khánh chết, truy phong làm Kiến Quốc Đại Vương; lấy Trần Thừa làm Phụ quốc Thái úy, khi vào chầu không xưng tên.
- (1225) - Chiêu Hoàng bèn trút bỏ áo ngự mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế/.../Ta tuy là chú nhưng không biết chữ nghĩa gì, còn phải rong ruổi Đông Tây để chống giặc cướp, không gì bằng mời thánh phụ làm thượng hoàng tạm coi việc nước, một hai năm sau thiên hạ nhất thống, lại giao quyền chính cho Nhị lang" (lời Trần Thủ Độ). Các quan đều cho là phải, mời thánh phụ Trần Thừa nhiếp chính.
- (1231) - Thượng hoàng xuống chiếu rằng trong nước chỗ nào hễ có đình trạm đều phải đắp tượng phật để thờ.
- (1232) - Nhận con bỏ rơi là Bà Liệt.
- (1234) - Mùa xuân, tháng Giêng, ngày 18, Thượng hoàng băng ở cung Phụ Thiên, thọ 51 tuổi... Miếu hiệu là Huy Tông, tên thụy là Khai Vận Lập Cực Hoằng Nhân Ứng Đạo Thuần Chân Chí Đức Thần Vũ Thánh Văn Thùy Dụ Chí Hiếu Hoàng Đế.
Đền Trần (tỉnh Nam Định) được xây dựng lại trên nền hành cung Thiên Trường khi xưa. Vào thời nhà Trần, hành cung này là nơi ở và làm việc của Thái thượng hoàng sau khi đã nhường ngôi cho con.
Như vậy, “Toàn thư” viết về vị “Thái tổ” của triều Trần trong khoảng 18 năm (1216-1234), với 6 lần được nhắc tới, ngắn gọn: Dựa vào người em Tự Khánh để làm Nội thị phán thủ. Tự Khánh chết thì được lấy làm Phụ quốc Thái úy. Con lên ngôi thì được ông em họ là Trần Thủ Độ đưa lên làm Thượng hoàng tạm coi việc nước. Trong thời gian làm Thượng hoàng, chỉ có một lần ban chiếu việc đắp tượng phật tại các đình trạm.
Dường như, Trần Thừa cả đời luôn núp sau bóng người khác mà hưởng thành quả. Song, liệu còn bức màn nào che phủ hành trạng của ông?
2. Trần Thừa là con cả của Trần Lý - nguyên tổ họ Trần. Theo “Việt sử lược”, Trần Thừa bắt đầu xuất hiện qua các cuộc tranh đấu với các thế lực khác, sau cái chết của ông cậu Tô Trung Từ :
- “Nguyễn Ma La thấy Tô Trung Từ đã chết mới sang nói với Thái tổ ta xin tiến binh dẹp yên ấp Khoái./.../Tô thị sai người tố cáo với Thái Tổ. Thái Tổ giận Trinh phi nghĩa bèn âm mưu giết Trinh.
Thái tổ đóng ở Hải ấp sai người đi triệu Nguyễn Trinh, Nguyễn Trinh không đến. Thái tổ bèn sai Tô thị dụ Trinh để giết đi”.
- “Năm Giáp Tuất (năm 1214- ND) là năm Kiến gia thứ 4:
Tháng Giêng,/.../. Trần Tự Khánh tự lãnh binh thuyền đóng ở sông Tha Mạc (còn đọc là Đà Mạc- ND). Thái tổ ta và Trần Tự Khánh đánh mặt hữu ngạn sông Lô. Trần Thủ Độ, Trần Hiến Sâm và Nguyễn Ngạnh đánh mặt tả ngạn sông Lô. Vương Lê, Nguyễn Cải đánh cầu Nổi thuộc bến Triều Đông/.../Thái tổ ta muốn tiến đánh mặt hữu ngạn sông Lô mới kéo binh đi /.../ Quân hai bên đều tổn hại”.
- “1216 - Mùa đông, tháng Chạp tiến phong cho Thái tổ (Trần Thừa) ta tước Liệt hầu, /.../. Mỗi khi có lễ tiệc lớn được cho ngồi dự ở điện Thiên An”.
Qua các đoạn trích trên, Trần Thừa lúc trẻ lại được khắc họa là người trực tiếp tham gia vào tất cả các hành động của họ Trần, từ việc đưa ra một lời đề nghị không thể chối từ đến việc dùng mưu ngầm sai Tô thị giết Nguyễn Trinh, cầm quân theo Tự Khánh đánh vào kinh sư đối chọi với phe Đàm Dĩ Mông. Mọi bước đi của Tự Khánh đều có Trần Thừa ở phía sau.
Một người có trí có dũng nơi sa trường, lại có thể chấp nhận ngồi sau lưng người em của mình để người em làm nhân vật chính còn mình từng bước, từng bước tạo dựng thế lực và chỗ đứng trong gia tộc, người ấy liệu có thể là kẻ ngu ngơ vô dụng?
Tiếp tục với “Việt sử lược”, hành trạng của Trần Thừa được ghi lại dần dần cho thấy vì sao Trần Cảnh là kẻ được chọn để nối ngôi và chưa chắc Trần Thủ Độ là “đạo diễn chính” của màn nhường ngôi đó, như cách nghĩ phổ biến lâu nay.
- “1218 - Thái tổ ta (Trần Thừa) lãnh các đạo binh bao vây Nguyễn Nộn ở Bắc Giang, đồng thời sai mở đê để đưa nước vào các làng ấp. Quân của Nguyễn Nộn thua to”.
- “1220 - Mùa thu, tháng 4 Thái úy Trần Tự Khánh cùng với Thái tổ (Trần Thừa) v.v... phát binh đánh trại Hà Cao ở Quy Hóa. Từ đó Lộ Thượng Nguyên, sông Tam Đái v.v... đều được yên ổn cả”.
- “1224 - Mùa xuân, tháng Giêng, ngày Đinh Tỵ an tang Kiến Quốc Vương ở Mỹ Lộc. Mùa xuân, năm ấy cho Thái tổ (Trần Thừa) làm Phụ quốc Thái úy, Phùng Tá Chu làm Nội thị Phán Thủ, cất cử quan Thượng phẩm hầu là Trần Báo làm tước Vương và thụy hiệu là Hiển Thành”.
- “1225 - Nhà vua sai Thái tổ (Trần Thừa) đánh Nghệ An, Nghệ An phải đầu hàng”.
Việc Trần Thừa được phong làm Phụ quốc Thái úy giữa “Toàn thư” và “Việt sử lược” có sự sai lệch về năm. “Toàn thư” chép là năm 1223 còn “Việt sử lược” lại chép là năm 1224, Trần Tự Khánh mất tháng Chạp năm 1223, vậy có lẽ “Toàn thư” đã gộp luôn việc trần Tự Khánh chết và việc Trần Thừa vào cùng một năm, sau đó lại lược bỏ việc Trần Thừa đi đánh Nghệ An năm 1225, chỉ còn chép việc nhường ngôi của Lý Chiêu Hoàng cho Trần Cảnh.
“Việt sử lược” còn cho chúng ta thấy một khía cạnh khác rất đáng chú ý:
- 1225 - Tháng 6, nhà vua nhường ngôi cho con thứ hai là Công chúa Chiêu Thánh. Mùa đông, tháng 11, Thái Thượng Vương thấy nữ Vương còn nhỏ, lấy làm lo âu mới cho mời Phùng Tá Chu đến mà định mưu nói rằng: "Trẫm vì không có đức, trẫm mắc tội với trời, cho nên bị tuyệt hậu, không có con để nối dõi./.../. Nay có điều trẫm thấy là mỗ (tức Trần Thái Tông Trần Cảnh, sử quan là “mỗ” ghi tránh húy) người con thứ hai của Thái úy (Trần Thừa) tuổi hãy còn nhỏ mà tướng mạo khác thường, tất có thể giúp đời, yên dân. Các khanh hãy vì trẫm mà nói với quan Thái úy rõ".
Thái tổ (Trần Thừa) cũng chưa tin điều ấy. Quan Tả phụ là Nguyễn Chánh Lại bảo rằng: "Họ Nguyễn (tức họ Lý-ND) có nước đấy/.../, để xem cái ý của ta như thế nào đấy. Nếu ta nhân đó mà nhận lời, thiên hạ tất sẽ bảo Thái úy thực đã có ý soán nghịch".
Thái úy (Trần Thừa) muốn nghe theo lời của Nguyễn Chánh Lại thì quan Thượng phẩm Phụng Ngự là Trần Thủ Độ nói rằng: "Lời Tả Phụ sai rồi! /.../Nhị lang được vương thượng chọn cũng là ý trời, trời đã ban cho mà không nhận là có tội ấy. Xin quan Thái úy hãy xét kỹ".
Phải chăng, màn kịch nhường ngôi đã được chuẩn bị từ trước với lời ngỏ của vua Huệ Tông, rồi Trần Thừa nghe lời can ngăn và sau cùng đẩy cái tiếng soán nghịch cho Trần Thủ Độ, còn mình ngồi sau màn trướng định việc của cả gia tộc? Cần nhớ, lúc đó Trần Thừa đang nắm chức Phụ quốc Thái úy còn Trần Thủ Độ mới chỉ là Điện tiền chỉ huy sứ. Nếu Trần Thừa không đồng ý, liệu Trần Thủ Độ có dám làm? Chúng ta không thể không nhớ đến lời Trần Thủ Độ về sau: “Ta cũng chỉ là chó săn cho anh em nhà chúng mày thôi”.
3. Như vậy, theo “Việt sử lược”, Trần Thủ Độ có thể coi là một Luca Brasi của gia tộc họ Trần - một tay sát thủ trung thành, ít học nhưng luôn liều mình sống chết cho gia tộc. Ông chủ thực sự của họ Trần phải là “bố già” Trần Thừa - kẻ đã dùng mọi kinh nghiệm sống qua những năm tháng thăng trầm của tuổi trẻ để bảo vệ gia tộc.
Ở đoạn mở đầu của “Bố già” có chi tiết: Trong đám cưới của người Sicili, mọi đề nghị đều được chấp nhận và không chối từ, thì đây, trong đám cưới của mình, Lý Chiêu Hoàng cũng bắt đầu nhận được một đề nghị không thể chối từ, để rồi phải nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh.
Cố nhiên, chỉ với căn bản sử liệu là “Việt sử lược”, những gì được đề cập trong bài viết này cũng mới chỉ là một giả thuyết, cần được bổ khuyết và chứng minh bằng những công trình nghiên cứu sử học nghiêm túc.
Nhưng, dù sao, hẳn là “độ vênh” trong cốt cách của Trần Thừa thời trai trẻ với Thái thượng hoàng đầu tiên của Trần triều lúc cuối đời cũng là điều gợi lên không ít băn khoăn, cho không chỉ một vài người quan tâm và ưa thích tìm hiểu triều đại đầy những chiến công cũng như những uẩn khúc này.
Nhiều chi tiết không có trong “Đại Việt sử ký toàn thư”
Rất nhiều chi tiết trong bài viết này được trích dẫn từ cuốn “Đại Việt sử lược” hay còn gọi là “Việt sử lược”. Đây là bộ sử gồm 3 quyển chép từ thời kỳ khởi thủy dựng nước Việt và kết thúc vào năm 1225 khi nhà Trần lên ngôi. “Việt sử lược” đã bị quân Minh lấy đi vào khoảng những năm 1407 -1428, đến thời Càn Long nhà Thanh, được Tiền Hi Tộ hiệu đính lưu ở Thủ sơn các tùng thư và Khâm định tứ khố toàn thư đời Thanh.
Năm 1959 “Việt sử lược” được giáo sư Trần Quốc Vượng dịch lại ra chữ quốc ngữ với tiêu đề là “Việt sử lược”, ngoài ra còn được dịch giả Nguyễn Gia Tường dịch vào năm 1972 với tên gọi “Đại Việt sử lược”.
Theo giáo sư Trần Quốc Vượng thì “Việt sử lược” là bản tóm tắt lại “Đại Việt sử ký” của Lê Văn Hưu, bằng chứng rõ nhất là “Việt sử lược” và “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên có rất nhiều đoạn chép giống nhau, tuy nhiên “Việt sử lược” còn chép nhiều việc mà “Đại Việt sử ký toàn thư” không nhắc tới.
Chẳng hạn như hành trạng về cuộc đời của Trần Thừa - vị Thái tổ họ Trần. Những chi tiết đó là điều quý giá, giúp người học tập và nghiên cứu lịch sử Việt Nam có được nhiều góc nhìn hơn để nhìn nhận về lịch sử nước nhà.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.