Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Vốn là người có niềm đam mê đặt biệt với hoa lan rừng, anh Đàm Văn Quyết (xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) đã không ngại săn tìm, băng qua những cung đường rừng, liên hệ với khắp mạng lưới trồng lan rừng, chơi lan rừng trong cả nước để mang về những loài lan quý hiếm.
Việc trồng, chăm sóc hoa lan rừng đã giúp chàng trai dân tộc Tày Đàm Văn Quyết, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
Từ tình yêu với hoa lan rừng, hiện tại vợ chồng anh Quyết đã sở hữu vài nghìn gốc và giò hoa lan rừng các loại, cho thu nhập 200-300 trăm triệu đồng mỗi tháng.
“Lan rừng như người bạn tâm tình của vợ chồng tôi vậy. Có những đêm không ngủ được hay gặp chuyện mệt mỏi, hai vợ chồng lại bật dậy, ra vườn lan, soi đèn, bắt sên. Nhiều lúc hoa lan nở, hai vợ chồng thay nhau chụp hình không biết chán”, anh Quyết bộc bạch.
Say mê và yêu thích những nhánh lan rừng, anh Quyết thường xuyên săn tìm để thỏa thú vui và sở thích của mình.
Ban đầu chỉ là vài nhánh lan rừng anh sưu tầm được trên các cung đường rừng, của bạn bè trồng lan, chơi lan khắp miền đất nước. Sau đó số lượng lớn dần lên, anh Quyết treo khắp các cây mít, cây bơ quanh nhà để mỗi lúc bước ra ngoài tiện chăm sóc và ngắm nghía chúng.
“Nhiều buổi sáng thức giấc, chưa kịp đánh răng rửa mặt, tôi đã ra vườn lan ngắm nghía, say sưa đến độ vợ gọi vào ăn sáng mới biết, bởi lan nở buổi sáng sẽ đạt độ đẹp nhất nên phải tranh thủ xem, ngắm và chụp ảnh”, anh Quyết kể.
Có một lần vì mê quá, nhà lại không có tiền nên anh quyết định bán 1 tạ cà phê được 4 triệu đồng để mua 1 cây hoa lan rừng. Sau một năm chăm sóc, anh bán đi được 45 triệu đồng.
Khi ấy, nhận ra giá trị kinh tế và xu hướng của thị trường đối với loài hoa quý tộc này, anh đã quyết định theo đuổi con đường kinh doanh với những nhánh lan rừng. Anh dùng 45 triệu đồng bán được từ nhánh lan trước đó để đầu tư trồng lan rừng.
Khách từ các tỉnh thành tới xem và mua hoa lan rừng tại vườn lan nhà anh Đàm Văn Quyết, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
Khoảng thời gian bắt đầu phát triển mô hình trồng và chăm sóc hoa lan của anh cũng nhiều màu sắc như những đóa hoa lan trong vườn. Thời điểm ban đầu, khiến anh nhiều ngày mất ngủ: “Đang ngủ nửa đêm cũng bật dậy xem thời tiết có khác thường như dự báo không. Nhiều lần đang ngồi trong nhà mà thấy nóng tôi cũng phải chạy ra vườn lan coi thử xem thế nào” – anh Quyết nhớ lại.
Cũng có nhiều lần do chưa biết cách chăm sóc nên bỏ phân quá nhiều khiến lan cháy rễ, chết. Nhưng chưa lần nào anh Quyết nghĩ đến việc dừng lại bởi niềm đam mê của mình.
Vào năm 2018, anh Quyết đầu tư lắp đặt nhà giàn, hệ thống phun tưới nước để trồng lan với quy mô lớn. Để nhân giống các loại lan, vợ chồng anh Quyết tự thụ phấn cho hoa. Sau khoảng 7 tháng, cây lan sẽ đậu quả.
Để chăm sóc cho những nhánh lan rừng của mình, anh Quyết lắp đặt nhà giàn, hệ thống phun tưới nước và những vỉ bắt côn trùng...
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng lan rừng và chăm sóc hoa lan, anh Quyết nói, môi trường để lan sinh trưởng, phát triển tốt nhất là không bị nắng chiếu trực tiếp, có độ ẩm không khí cao; thoáng gió, giá thể trồng lan phải dễ dàng thoát nước. Tại vườn lan của anh có hệ thống tưới tự động, mỗi ngày tưới nước từ 1-2 lần, mỗi lần từ 10-15 phút để cung cấp đủ lượng nước cho lan phát triển.
Trong giá thể trồng lan, ngoài xơ dừa làm phân hữu cơ, anh dùng thêm phân tan chậm để bón cho cây vào thời điểm cần thiết. Suốt quá trình chăm sóc, cần phải phòng trừ tốt các dịch bệnh, không để cây lan bị thối rễ, thối lá… Đặc biệt, cần biết cách điều chỉnh thời gian ra hoa của lan để tăng giá trị thẩm mỹ và tăng giá thành của cây.
Thấm thoắt, cũng đã qua hơn 2 năm kể từ ngày anh bỡ ngỡ theo nghề trồng hoa lan rừng, đến nay anh Quyết đã nắm rõ được đặc điểm của mọi loài hoa lan, không có bệnh nào mà anh không biết và khắc phục.
Nhiều loại lan rừng quý tại vườn nhà anh Quyết có địa chỉ tại xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
Mặc dù không tính được con số cụ thể nhưng chỉ cần có người lạ sờ vào giò hoa lan hay cây lan nào bị xê dịch anh đều biết hết.
Tính tới thời điểm hiện tại, theo anh Quyết ước tính, trong 3 vườn lan rừng của anh, con số các loài lan rừng lên tới vài nghìn giò chưa kể các chậu lan rừng vợ chồng anh tự nhân giống.
Các loài lan rừng quý hiếm mà vợ chồng anh Quyết đang sở hữu là các loại lan như lan phi điệp, châu lan, lan thủy tiên, lan giáng hương, lan năm cánh trắng…, có giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí có giò tiền tỷ.
Để giao lưu với những người có cùng sở thích và góp nhặt thêm kinh nghiệm chăm sóc lan, anh Quyết tham gia vào các hội nhóm chơi lan trên mạng xã hội Facebook, Zalo. Trên mạng xã hội, anh Quyết thường xuyên đăng hình ảnh lan của mình và nhận được rất nhiều lời hỏi mua.
Riêng với các loại lan do vợ chồng anh nhân giống, các gốc lan được tính theo cm, có những loại lan đắt, giá lan có thể lên tới 10 triệu đồng/cm.
Hiện vườn lan của anh Quyết bán cho các khách hàng trên khắp cả nước từ Cao Bằng, Thành phố Hà Nội, TP HCM…
Việc kinh doanh lan rừng có một lợi thế là lan không theo mùa vụ, có thể bán quanh năm. Đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 vừa qua, theo anh Quyết lan cũng không hề bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Từ đầu năm đến nay, anh Quyết bán được một số cây lan giá trị, thu nhập hàng tỉ đồng. Với những loại lan thông thường, giá dao động từ 250.000 đồng/cây. Nhờ vậy, thu nhập trung bình đạt được từ việc trồng lan có thể lên tới 200-300 triệu đồng/tháng, đảm bảo kinh tế vững chắc cho cả gia đình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.