Dân Việt

Nghịch lý doanh nghiệp xăng dầu bỏ tiền túi bù lỗ, vẫn phải nhập hàng về bán

An Linh 14/02/2023 11:16 GMT+7
"Có doanh nghiệp kể với chúng tôi, trong lịch sử hơn 20 năm kinh doanh của họ, chưa bao giờ gặp cơn bĩ cực phải bỏ tiền túi bù lỗ kinh doanh, nhưng vẫn phải nhập hàng về bán, thậm chí không có hàng để nhập lại bị phạt", ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI nói.

Bỏ tiền túi bù lỗ vẫn phải bấm bụng lấy xăng dầu để bán

Đây là lời kể của ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội thảo Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ - CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.

Hội thảo có quy mô lớn, có sự hiện diện hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ trên khắp cả nước, các doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối xăng dầu và cả đại diện Bộ Công Thương, một số cơ quan bộ ngành khác cũng tham dự.

VCCI: Nghịch lý doanh nghiệp bỏ tiền túi bù lỗ, vẫn phải lấy xăng dầu về bán - Ảnh 1.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Theo ông Tuấn, điều hành giá xăng dầu là vấn đề khó bởi cần phải cân bằng lợi ích, tính nhiều chiều. Nếu giá cao thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng còn ảnh hưởng, người tiêu dùng, lạm phát. Nếu thấp hơn chi phí thì doanh nghiệp không có động lực kinh doanh, gây đứt gãy nguồn cung.

Đại diện VCCI nhấn mạnh cần nhất quán quan điểm về tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, công khai minh bạch, đáp ứng yêu cầu của DN, nhà nước và người tiêu dùng. 

"Mệnh lệnh hành chính như xử lý nghiêm cây xăng đóng cửa chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài phải có giải pháp khác, nếu họ kinh doanh vẫn thua lỗ, mệnh lệnh hành chính không bền vững", ông Tuấn nói.

Theo Phó Tổng thư ký VCCI, có DN kể rằng trong lịch sử 20 mấy năm kinh doanh, chưa bao giờ phải bỏ tiền túi ra để bù lỗ, lấy hàng để bán. Như vậy, chính sách phải làm sao để DN có động lực bán hàng, có động lực kinh doanh. Làm sao xây dựng Nghị định đáp ứng yêu cầu mong muốn của doanh nghiệp, hài hoà lợi ích người dân, Nhà nước.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, trong những năm vừa qua, chưa bao giờ giá xăng dầu, nguồn cung biến động mạnh, tần suất lớn như vừa qua. Năm trước, giá xăng dầu biến động tăng giảm theo đồ thị hình Sin, năm 2022 lại biến động hình parabol dựng ngược, 6 tháng đầu năm giá xăng dầu tăng dựng đứng, nhưng 6 tháng cuối năm giảm mạnh… 

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, diễn biến bất thường trong kinh doanh xăng dầu đặt ra thách thức trong kinh doanh, cực khó trong quản trị rủi ro, đặt ra cho cơ quản lý nhà nước cần điều hành linh hoạt.

Đây là điều giúp cơ quan nhà nước tư duy lại cách điều hành, công cụ nhà nước, nhà nước nên can thiệp đến đây hay để thị trường quyết định… Làm sao có được thị trường đảm bảo đủ xăng dầu cho đất nước, kiểm soát CPI, thúc đẩy cạnh tranh – cộng đồng DN phát triển. 

"Mỗi phương án lựa chọn có ưu, nhược điểm; có phương án phù hợp với thời điểm này nhưng không phù hợp thời điểm khác. Chính sách phải có tính dài hơi, tuân thủ quy luật khách quan, không chạy theo vấn đê hiện tượng, cá biệt. Chúng tôi sẽ lắng nghe, cầu thị, mong muốn phản biện từ Nhà khoa học, DN… làm sao có thị trường xăng dầu đảm bảo an ninh năng lượng", ông Trần Duy Đông nói.