Khu rừng ô liu nói trên nằm ở quận Altınozu phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, giáp với Syria. Hai nửa của khu rừng bị chia cắt bởi một vực sâu như hẻm núi, đạt độ sâu hơn 40 m và có màu cát, theo CNN.
Sự xuất hiện của vực thẳm cho thấy sức tàn phá khủng khiếp của trận động đất mạnh 7,8 độ hôm 6/2, giết chết hàng chục nghìn người Syria và Thổ Nhĩ Kỳ và phá hủy nhiều thành phố.
Anh Irfan Aksu, người sống trong khu phố, nói với hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Demioren News Agency rằng khi trận động đất bắt đầu, nó đã tạo ra "âm thanh lạ thường" ở nơi anh sống.
“Mọi thứ giống như một bãi chiến trường khi chúng tôi thức dậy”, anh nói.
Anh Aksu thuyết phục các chuyên gia kiểm tra khu vực để dự đoán những thiệt hại có thể xảy ra trong tương lai.
“Đây không phải là một thị trấn nhỏ, có 1.000 ngôi nhà và 7.000 người sống ở đây”, anh nói. “Tất nhiên, chúng tôi sợ… suýt chút nữa là động đất đã có thể xảy ra ngay giữa thị trấn của chúng tôi”.
Trận động đất ngày 6/2 là trận mạnh nhất xảy ra ở bất kỳ nơi nào trên thế giới kể từ trận động đất mạnh 8,1 độ xảy ra ở một khu vực gần Quần đảo Nam Sandwich ở phía nam Đại Tây Dương vào năm 2021.
Thổ Nhĩ Kỳ không còn xa lạ với các trận động đất mạnh, vì nước này nằm dọc theo ranh giới các mảng kiến tạo. Bảy trận động đất có cường độ trên 7,0 độ đã tấn công đất nước này trong 25 năm qua, nhưng thảm họa hôm 6/2 là trận động đất gây chết người nhiều nhất.
Có một vài yếu tố khiến cho trận động đất trở nên đặc biệt chết chóc. Một trong số đó là thời điểm mà động đất diễn ra. Sự việc xảy ra vào sáng sớm, nhiều người vẫn còn đang nằm trên giường và hậu quả là họ bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của ngôi nhà.
Lê Ngọc