Bà M. N.A, (52 tuổi, ngụ tại Đồng Tháp), bắt đầu có bướu ở cổ từ 30 năm trước. Khối bướu to dần theo từng năm nhưng bà không điều trị do tâm lý lo sợ và thiếu kinh phí phẫu thuật. Tháng 12/022 người bệnh đến khám tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định với phần bướu to biến dạng vùng cổ, có khả năng thòng trung thất và chèn ép vào các cấu trúc xung quanh như khí quản, thực quản và máu máu vùng cổ.
Các bác sĩ chỉ định siêu âm và xét nghiệm chức năng tuyến giáp. Kết quả cho thấy hormon giáp tăng cao, được chẩn đoán cường giáp/ đa nhân giáp 2 thùy - bướu giáp to độ 4. Sau 1 tháng được dùng thuốc kháng giáp, chức năng tuyến giáp đã ở trong giới hạn cho phép, người bệnh được nhập viện tiến hành phẫu thuật.
Kết quả chụp CT-Scan cổ ngực cho thấy người bệnh bị phình giáp đa nhân hai thùy, thuỳ phải phải kích thước 89x98x120mm chạm vào trung thất trên ngang bờ trên quai động mạch chủ. Thùy trái kích thước 60x50x117mm đã đẩy khoang cảnh ra sau bên, làm hẹp thành khí quản.
BS CKII Trần Như Hưng Việt, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực Mạch máu – Bướu cổ Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết: "Bướu giáp to, chèn ép gây hẹp 1/3 khí quản nên việc đặt nội khí quản để tiến hành gây mê, phẫu thuật là một thách thức lớn với ê-kíp bác sĩ. Chúng tôi phải hội chẩn các chuyên khoa Gây mê hồi sức, Tai mũi họng và Nội hô hấp tiến hành nội soi thanh quản bằng ống mềm.
Khối bướu to, vôi hóa, đa nhân, chèn ép và đẩy lệch cấu trúc xung quanh và thòng 1 phần xuống trung thất gây khó khăn cho quá trình phẫu thuật cắt u mà vẫn phải bảo tồn những cấu trúc quan trọng lân cận như như thần kinh quặt ngược thanh quản, khí quản và mạch máu lớn vùng cổ".
Sau khoảng 5 giờ đồng hồ phẫu thuật, khối u có trọng lượng 1kg được bóc tách thành công. Đây là khối u lớn nhất được ghi nhận tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định từ trước đến nay.
Sau phẫu thuật, sức khoẻ bệnh nhân tiến triển tốt, nói chuyện to, rõ, không tê tay, tình trạng ổn định.
Bướu giáp là bệnh lý nội tiết phổ biến đứng hàng thứ hai sau bệnh đái tháo đường, thường găp ở nữ. Tần suất bướu giáp nhân tăng theo tuổi và gặp nhiều ở vùng có thiếu hụt i ốt. Đa số bướu giáp nhân lành tính không cần điều trị đặc hiệu, chỉ cần theo dõi định kỳ bằng siêu âm từ 6 tháng đến 18 tháng kể từ lần đánh giá ban đầu. Nếu ổn định, đánh giá lại sau 3 năm đến 5 năm.
Đối với người có người bị bệnh bướu giáp cần chú ý đến chế độ ăn uống tốt, đầy dưỡng chất, tăng cường ăn rau củ, hạn chế các thực phẩm chế biến và đóng gói sẵn và cung cấp đủ i ốt cho cơ thể.