Là nhà băng giảm lãi suất mạnh tay nhất, năm 2023 theo dự kiến, Agribank sẽ tiếp tục dành hơn 100.000 tỷ đồng để triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với khách hàng doanh nghiệp, khách hàng xuất nhập khẩu, ngành y tế, ngành giáo dục; giảm lãi suất đối với các đối tượng khách hàng thuộc lĩnh vực ngành nghề gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh;…
Riêng với nhóm khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh bất động sản, Agribank đã có văn bản chỉ đạo các chi nhánh xem xét điều chỉnh giảm lãi suất và kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng (cho vay bổ sung, cơ cấu lại thời hạn trả nợ,…).
Theo đó, mức giảm lãi suất tối đa khách hàng được giảm lên tới 3%/năm, so với lãi suất cho vay đang áp dụng nhưng không thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn 12 tháng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường theo quy định của Agribank trong từng thời kỳ.
Thời gian thực hiện điều chỉnh lãi suất tối đa đến hết ngày 31/12/2023. Thời gian áp dụng lãi suất điều chỉnh từ ngày 31/1/2023, tối đa đến hết ngày 31/12/2024. Thời gian áp dụng lãi suất điều chỉnh cụ thể do giám đốc chi nhánh loại I xem xét quyết định.
Đáng chú ý, ngoài tuyên bố giảm lãi suất, Agribank cũng cho biết ngân hàng này sẽ tiếp tục xem xét cấp tín dụng mới đối với các dự án bất động sản khả thi, đầy đủ pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm tốt, đảm bảo khả năng trả nợ vay.
Trong đó ưu tiên cấp tín dụng đối với các dự án bất động sản đáp ứng nhu cầu thực của người dân về nhà ở như dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại phân khúc tiêu dùng phổ biến… các dự án phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất thúc đẩy hoạt động sản xuất, các nhu cầu thực của cá nhân mua nhà ở, đất ở.
Đồng thời, ngân hàng tiếp tục kiểm soát rủi ro tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung, kinh doanh có tính đầu cơ, làm giá, lũng đoạn thị trường, không tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, có liên quan.
SeABank cũng vừa tung gói ưu đãi 3.000 tỷ đồng, giảm lãi suất cho vay tối đa 1%/năm cho các khoản vay ngắn hạn phục vụ mục đích kinh doanh. Gói ưu đãi giảm lãi suất cho vay tối đa 1%, tối đa 12 tháng. Các khoản vay phục vụ sản xuất và thương mại trong các lĩnh vực như chăn nuôi, nông, lâm, ngư nghiệp sẽ được giảm 1%/năm so với lãi suất cho vay hiện hành của ngân hàng. Ngoài ra, SeABank cũng giảm 0,5%/năm cho các khoản vay kinh doanh không thuộc lĩnh vực nêu trên (bao gồm kinh doanh bất động sản - PV).
Tương tự, Vietinbank công bố triển khai gói ưu đãi lãi suất SME UP có quy mô 10.000 tỷ đồng, áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa lần đầu vay vốn tại VietinBank, hoặc chưa giải ngân khoản vay trong vòng 6 tháng qua.
Không giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng kinh doanh bất động sản, song Vietcombank, MB, Sacombank, hay BIDV,… cũng đều có động thái giảm lãi suất từ 0,5 điểm % - 1 điểm % hỗ trợ khách hàng trong các lĩnh vực khác như nông nghiệp, xuất nhập khẩu, tiêu dùng phục vụ đời sống, doanh nghiệp có quy mô doanh thu dưới 100 tỷ đồng,…
Tại hội nghị tín dụng bất động sản vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, định hướng năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước là sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm tối đa chi phí, cũng như giảm lãi suất huy động đầu vào, từ đó tạo dư địa cho vay cho doanh nghiệp, cũng như làm cơ sở để giảm lãi suất cho vay.
"Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng nỗ lực tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để có dư địa giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, trong đó có người mua nhà và các dự án bất động sản đã hoàn thiện điều kiện về mặt pháp lý, có khả năng trả nợ, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Tập trung tín dụng vào các dự án có tính pháp lý, có tính khả thi, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo khả năng trả nợ, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ, thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản và cá nhân, tổ chức mua bất động sản đáp ứng đủ điều kiện pháp lý theo quy định", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo.
Trên tinh thần chỉ đạo của người đứng đầu ngành ngân hàng và động thái giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng được giới chuyên gia kỳ vọng, lãi suất cho vay sẽ bớt căng thẳng thời gian tới. Đây là tín hiệu tích cực đối với thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung.
PGS.TS Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế nhận định, với mặt bằng lãi suất ở mức cao như hiện nay (13% - 17%/năm), làm cho chi phí cơ hội của việc tiêu dùng đắt đỏ hơn và người ta sẽ thiên về tiết kiệm nhiều hơn. Do vậy, cũng ảnh hưởng sức cầu, đặc biệt làm hạn chế rất lớn đến nhu cầu mua nhà của người dân.
Hơn nữa, khi lãi suất hạ, các kênh đầu tư vào các kênh tài sản, đặc biệt chứng khoán hay bất động sản đương nhiên hấp hấp dẫn hơn và khả năng mua nhà của người mua nhà để ở cũng sẽ cao hơn.
"Khi lãi suất hạ được, triển vọng kinh tế của Việt Nam sẽ dễ chịu hơn, không chỉ đối với ngành bất động sản nói chung tới tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế, khi mặt hàng lãi suất được hạ thấp xuống", ông Phạm Thế Anh nhấn mạnh.
Tuy vậy, trong bối cảnh lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới có khả năng tiếp tục tăng, mức hạ lãi suất trong nước thời gian tới có thể chưa đạt như kỳ vọng của doanh nghiệp. Các ngân hàng muốn hạ lãi suất phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như thanh khoản, lạm phát…
"Lãi suất tiết kiệm hạ nhiệt sẽ giúp lãi suất cho vay giảm. Thực tế, các ngân hàng rất muốn giảm thêm lãi suất cho vay vì nếu lãi suất tăng cao thì ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng, nguy cơ nợ xấu của ngân hàng vì vậy cũng tăng cao. Tuy vậy, mức độ giảm lãi vay cần phải tính toán kỹ, tùy thuộc vào mức giảm lãi suất huy động cũng như đặt trong bối cảnh Fed có thể sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất thời gian tới", ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phân tích thêm.