Dân Việt

Bình Dương có khoảng 12.000 người rời khỏi thị trường lao động

Trần Khánh 21/02/2023 06:29 GMT+7
Cuối năm 2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc ở Bình Dương là khoảng 1 triệu người. Đến thời điểm hiện nay chỉ còn khoảng 988.000 người.

Nhu cầu tuyển dụng lao động giảm

Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương vừa cho biết, sau kỳ nghỉ Tết, đa số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã trở lại hoạt động. Dù không quá căng thẳng, nhưng tình hình thiếu hụt lao động đầu năm tiếp tục tái diễn.

Theo khảo sát của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp đầu năm nay trong khoảng từ 10.000-15.000 lao động. Trong khi mọi năm, Bình Dương cần tuyển dụng từ 30.000-50.000 lao động.

Khảo sát nhu cầu tuyển dụng của một số doanh nghiệp vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023 cho thấy, nhu cầu tuyển dụng không cao do ảnh hưởng của biến động thị trường những tháng cuối năm.

Người tìm việc tham khảo thông tin tuyển dụng tại một công ty may ở KCN Sóng Thần, TP.Dĩ An. Ảnh: Trần Khánh

Người tìm việc tham khảo thông tin tuyển dụng tại một công ty may ở KCN Sóng Thần, TP.Dĩ An. Ảnh: Trần Khánh

Đầu năm 2023, không ít doanh nghiệp ngành dệt may, gỗ, giày da, cơ khí trên địa bàn tỉnh đăng tải tuyển dụng lao động số lượng lớn. Có doanh nghiệp cần tuyển số lượng lớn từ 500- 1.000 lao động nhưng chưa tìm được người.

Ông Lê Văn Toại - Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Pungkook Sài Gòn 2 (KCN Sóng Thần, TP.Dĩ An) cho biết công ty có nhu cầu tuyển dụng 700 lao động phổ thông nhưng đến nay vẫn chưa tuyển được bao nhiêu.

Bà Phan Lê Diễm Trang - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương cho biết, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành thông báo có đơn hàng sản xuất từ 3 - 6 tháng.

Ngành dệt may hy vọng 6 tháng cuối năm sẽ có đơn hàng ổn định hơn. Nhưng đi cùng niềm vui là nỗi lo. Bởi vì trong giai đoạn khó khăn hồi cuối năm ngoái, nhiều doanh nghiệp đã không giữ chân được lao động.

Khi công việc không ổn định, người lao động đi tìm công việc mới, một số lao động dạt về các tỉnh. Bây giờ doanh nghiệp khó tuyển dụng mới.

Ngành gỗ vẫn chưa hết khó khăn nên không có nhu cầu tuyển công nhân nhiều như mọi năm. Ảnh: Trần Khánh

Ngành gỗ vẫn chưa hết khó khăn nên không có nhu cầu tuyển công nhân nhiều như mọi năm. Ảnh: Trần Khánh

Theo ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, ngành gỗ cuối năm 2022 đã khó khăn thì đầu năm 2023 càng khó khăn hơn. Nguyên nhân do hàng tồn kho trong các doanh nghiệp còn rất nhiều, khách hàng cũng không đặt hàng thêm.

Do không có đơn hàng nên đến nay một số doanh nghiệp trong ngành gỗ chưa hoạt động trở lại. Nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, không có nhu cầu tuyển công nhân như mọi năm.

12.000 người đã rời khỏi thị trường lao động

Ở chiều ngược lại, yêu cầu trình độ chuyên môn và tay nghề cũng là một trong những trở ngại trong khâu tuyển dụng. Nhiều người đi tìm việc cho biết, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cao nên khó đáp ứng.

Chị Nguyễn Thị Mỹ, quê ở Trà Vinh kể, do công ty cũ không có đơn hàng nhiều nên chị đi các khu công nghiệp khác để kiếm việc làm. Không tìm được việc phù hợp, chị vào các trung tâm giới thiệu việc làm để xin công việc lao động tay chân.

Lao động trẻ tìm việc lao động phổ thông tại KCN Đồng An, TP.Thuận An. Ảnh: Trần Khánh

Lao động trẻ tìm việc lao động phổ thông tại KCN Đồng An, TP.Thuận An. Ảnh: Trần Khánh

Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ, nhân sự tuyển dụng của doanh nghiệp ở Bình Dương cho biết, đang tuyển 100 công nhân cho phân xưởng của mình.

Bà Lệ cần tuyển thợ có tay nghề và kinh nghiệm nhưng rất khó tuyển dù mức lương khá và ổn định. "Riêng công nhân lao động phổ ở công ty mình đã nhận lương từ 9-10 triệu đồng/tháng trở lên", bà Lệ nói.

Ông Phạm Văn Tuyên – Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, đầu năm 2023, tình hình lao động việc làm trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn, người lao động tiếp tục bị mất việc.

Theo dữ liệu Sở Lao động Thương binh và Xã hội, cuối năm 2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là khoảng 1 triệu người. Nhưng đến thời điểm hiện nay là giảm, chỉ còn khoảng là 988.000 người.

Như vậy là có khoảng 18.000 người đã rời khỏi thị trường lao động và đã bị mất việc làm, ông Tuyên cho biết.

Nhiều bảng thông báo tuyển dụng trong KCN Đồng An (TP.Thuận An) nhưng người tìm việc thưa thớt. Ảnh: Trần Khánh

Nhiều bảng thông báo tuyển dụng trong KCN Đồng An (TP.Thuận An) nhưng người tìm việc thưa thớt. Ảnh: Trần Khánh

Để giải quyết việc làm cho người lao động trong điều kiện khó khăn hiện nay, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn cho các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng và các cơ sở đào tạo nghề gắn kết chặt chẽ để tổ chức đào tạo nghề, nâng cao các kỹ năng nghề cho người lao động.

Tỉnh Bình Dương cũng tăng cường tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến, phỏng vấn online hàng ngày, hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm... để người lao động có thể tiếp cận việc làm nhanh chóng, thuận lợi.

"Sở Lao động Thương binh và Xã hội sẽ cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu, tạo nguồn dữ liệu đáng tin cậy phục vụ cho nhu cầu của doanh nghiệp và người lao động", ông Tuyên chia sẻ.