Theo thông tin từ Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai, trong 5 năm qua, nông dân trên địa bàn tỉnh đã chặt bỏ khoảng 5.600ha hồ tiêu. Năm 2018, diện tích hồ tiêu của Đồng Nai là gần 17.000ha, nhưng đến nay giảm còn khoảng 11.400ha.
Nguyên nhân chính là do giá hồ tiêu xuống thấp suốt thời gian dài, nên bà con nông dân chán nản, giảm đầu tư chăm sóc vườn tiêu, khiến nhiều trụ tiêu bị bệnh, giảm năng suất khoảng 30% so với thời kì đỉnh cao. Cộng với nhiều cây trồng khác đang lên ngôi, trong đó có sầu riêng, dẫn đến tình trạng bà con phá bỏ vườn tiêu để chuyển đổi cây trồng.
Thống kê của Sở NNPTNT Đồng Nai cho thấy, năm 2018, toàn tỉnh có khoảng 15.000ha mít, bưởi, sầu riêng (diện tích mỗi loại khoảng 5.000ha) nhưng đến nay, diện tích trồng mít đã tăng lên hơn 9.000ha, cây bưởi hơn 10.300ha, sầu riêng tăng lên gần 11.500ha.
Ông Nguyễn Đức Ban (nông dân trồng tiêu tại xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú) cho biết: "Năm ngoái, giá tiêu bán ra tại vườn hơn 80.000 đồng/kg, nông dân còn có lợi nhuận, nhưng vụ này giá tiêu giảm tới 20.000 đồng/kg, thu không đủ bù chi nên người trồng tiêu lại đối mặt với vụ thu hoạch thua lỗ".
Trong khi đó, giá sầu riêng vẫn đang tăng như "lên đồng", khiến nhiều nhà vườn tại các huyện Trảng Bom, Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ và TP.Long Khánh đã chặt bỏ tiêu để trồng sầu riêng.
Còn tại Đăk Lăk, từ năm 2018 đến nay, diện tích hồ tiêu của tỉnh này cũng đã giảm khoảng 5.000ha. Ngoài nguyên nhân do giá thấp khiến người dân chặt bỏ để trồng cây khác có giá trị kinh tế cao hơn hoặc xen canh trong vườn tiêu, còn do dịch bệnh khiến hơn 2.000ha hồ tiêu bị chết do bệnh chết nhanh, chết chậm.
Còn nhớ thời kỳ hoàng kim, huyện Chư Pưh (Gia Lai) được mệnh danh là thủ phủ cây tiêu ở Tây Nguyên, diện tích lên tới 2.800ha. Giá tiêu trong giai đoạn 2011 - 2015 liên tục tăng cao, dao động từ 100.000 - 200.000 đồng/kg nên nhiều gia đình phất lên nhanh chóng, chỉ vài vụ đã trở thành tỷ phú.
Nhưng ngay sau đó, "bão" giá ập đến, cộng với dịch Covid-19 bùng phát nên giá tiêu lao dốc không phanh, có lúc xuống dưới 40.000 đồng/kg.
Đến thời điểm hiện tại, thủ phủ cây tiêu gần như biến mất, rất nhiều diện tích đã được người dân thay bằng cây sầu riêng.
Mới đây, Bộ NNPTNT đã yêu cầu các địa phương chỉ đạo rà soát diện tích sầu riêng, chanh leo trên địa bàn, xây dựng đề án, kế hoạch phát triển sản xuất theo vùng tập trung; gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến.
Các địa phương khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích trồng sầu riêng, chanh leo tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; không tự phát chuyển đổi vườn cà phê trồng xen sầu riêng, hồ tiêu ở Tây Nguyên có hiệu quả sang trồng thuần cây sầu riêng.
Trong hơn một thập kỷ qua, ngành hồ tiêu Việt Nam đã trải qua giai đoạn thăng trầm khi có thời điểm giá bán đạt đỉnh gần 230.000 đồng/kg, có thời điểm xuống mức 34.000 đồng/kg và hiện nay ở mức 60.000 đồng/kg.
Tuy vậy, Việt Nam hiện vẫn là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu ước đạt 220.000 tấn, chiếm 55% tổng sản lượng hồ tiêu trên toàn thế giới.
Trước tình hình bất ổn của cây hồ tiêu, ngành nông nghiệp các tỉnh đã khuyến cáo người dân chỉ chặt bỏ hồ tiêu già cỗi, không nên chặt bỏ hồ tiêu mới trồng, đang thu hoạch tốt. Để tăng lợi nhuận, bà con có thể tính toán trồng xen các loại cây khác trong vườn tiêu. Đồng thời, giảm chi phí sản xuất bằng cách áp dụng triệt để khoa học kỹ thuật vào canh tác; tăng cường liên kết, áp dụng quy trình sản xuất sạch, an toàn nhằm tăng giá trị của hồ tiêu.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đăk Lăk cho biết, doanh nghiệp đang làm việctrực tiếp với 6.000 nông dân trồng tiêu và đã góp phần cải thiện sinh kế cho người nông dân. 100% nông dân được tập huấn về sản xuất bền vững có trách nhiệm; khoảng 1.500 nông dân được đào tạo về các kiến thức và tiếp cận được các yêu cầu thị trường. Qua đó, giảm lượng phân bón 20%, thuốc bảo vệ thực vật tới 15%, chú trọng sử dụng phụ phế phẩm nông nghiệp làm phân bón...
"Chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền cần xây dựng các vùng sản xuất hồ tiêu tập trung. Để phát triển ngành hồ tiêu bền vững và định hướng chiến lược lâu dài thì cần xây dựng một trung tâm giống đạt chuẩn quốc tế, có nguồn gốc xuất xứ để cung cấp cho nông dân tiếp tục cải tạo vườn tiêu. Bên cạnh đó, cần đầu tư chế biến sâu, nâng cao giá trị thương hiệu hạt tiêu Việt Nam" - ông Dũng nêu.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cũng cho biết, Hiệp hội đang phối hợp với tổ chức IDH, Hiệp hội Gia vị châu Âu thực hiện dự án "Thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu Việt Nam", tại ba tỉnh Tây Nguyên (Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai) cho khoảng 10.000 nông dân. Kết quả bước đầu của dự án đã góp phần nâng cao năng lực trong chuỗi cung ứng hồ tiêu để đáp ứng các yêu cầu của thị trường châu Âu và Mỹ…