CEO Nguyễn Phương Hằng trước khi bị bắt từng lên mạng xã hội tố cáo nhiều nghệ sĩ, trong đó có nhà báo Hàn Ni. CEO Nguyễn Phương Hằng đã gửi nhiều đơn tố cáo đến Công an tỉnh Bình Dương, Công an TP.HCM tố cáo nhà báo Hàn Ni xúc phạm, vu khống, phá hoại quỹ Hằng Hữu của Công ty Cổ phần Đại Nam (Bình Dương).
Cụ thể, theo Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, trước đó, ngày 19/4/2022, đơn vị này đã mời bà Đặng Thị Hàn Ni làm việc liên quan đến nội dung đơn tố giác của CEO Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam).
Công an TP.HCM cho biết CEO Nguyễn Phương Hằng đã gửi đơn khởi kiện đến nhiều nơi như Công an tỉnh Bình Dương, Công an TP.HCM tố cáo nhà báo Hàn Ni về việc "xúc phạm, vu khống". Theo đơn tố cáo, CEO Nguyễn Phương Hằng yêu cầu nhà báo Hàn Ni thu hồi, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh mà không được sự đồng ý, đồng thời bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, tháng 10/2021, nhà báo Hàn Ni cũng gửi đơn tố giác CEO Nguyễn Phương Hằng về hành vi "vu khống, làm nhục người khác, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Cụ thể, nhà báo Hàn Ni cho rằng các buổi livestream của CEO Nguyễn Phương Hằng thường xuyên nhắc đến nhà báo Hàn Ni với những thông tin bịa đặt, đưa hình ảnh không trong sáng nhằm mục đích hạ nhục bà. Ở diễn biến tiếp theo, chiều 16/11/2021, CEO Nguyễn Phương Hằng tiếp tục livestream và đe dọa nhà báo Hàn Ni rằng sẽ đến cơ quan làm việc, nhà riêng của bà.
Thời điểm đó, theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, hơn 14h chiều 16/11/2021, CEO Nguyễn Phương Hằng cùng với nhiều xe ô tô đến trụ sở nơi nhà báo Hàn Ni làm việc để gặp. Tuy nhiên, lực lượng chức năng vây quanh và CEO Nguyễn Phương Hằng chỉ kịp xuống xe chưa đầy 5 phút đã rời đi.
Đến ngày 22/3/2022, nhà báo Hàn Ni đang đi ăn sáng trước cửa nhà, thì bị 4 người lạ mặt chửi bới, xúc phạm. Sau đó, nhà báo Hàn Ni đã gửi đơn tố cáo đến Công an TP.HCM về việc mình bị 4 người lạ mặt tấn công.
Trước khi VKSND TP.HCM trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung về hành vi, phát ngôn của tiến sĩ luật Đặng Anh Quân (hôm 2/2) lúc tham gia livestream cùng với CEO Công ty CP Đại Nam (Bình Dương), tiến sĩ này được Công an TP.HCM thống kê có tham gia 11 buổi. Theo Công an TP.HCM, tiến sĩ luật Đặng Anh Quân từng bị mời làm việc vào ngày 26/6/2022 vì liên quan đến phát ngôn nghi xúc phạm đến bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), nhà báo Hàn Ni.
Cụ thể, vị tiến sĩ này từng làm việc với Công an TP.HCM liên quan đến đơn tố cáo của ca sĩ Vy Oanh và nhà báo Hàn Ni. Trong đơn tố cáo, hai cá nhân trên cho biết trước khi bị khởi tố, tạm giam thì CEO Nguyễn Phương Hằng đã phát sóng trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội với sự tham gia của ông Đặng Anh Quân và ông Nguyễn Đình Kim.
Trong đơn, ca sĩ Vy Oanh cho rằng ông Đặng Anh Quân là "cố vấn" pháp lý trong các buổi livestream của CEO Nguyễn Phương Hằng, lúc này ông đang công tác tại Trường ĐH Luật TP.HCM. "Ông Đặng Anh Quân đã dùng những lời lẽ xuyên tạc, bịa đặt nhằm vu khống, xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm của tôi", ca sĩ Vy Oanh viết.
Ngay sau động thái trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung từ VKSND TP.HCM đối với Công an TP.HCM về tiến sĩ luật Đặng Anh Quân cách đây 2 tuần, trong tối 24/2, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố, thi hành lệnh bắt tạm giam tiến sĩ luật Đặng Anh Quân (giảng viên Trường đại học Luật TP.HCM).
Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân được cơ quan điều tra xác định là đồng phạm của CEO Nguyễn Phương Hằng.
Với vụ việc kể trên, CEO Nguyễn Phương Hằng và tiến sĩ luật Đặng Anh Quân đều bị Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố cùng tội danh "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", theo điều 331 BLHS 2015.
Luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định: "Tùy tính chất, mức độ của hành vi phạm tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, nhà báo Hàn Ni và tiến sĩ luật Đặng Anh Quân sẽ chịu khung hình phạt từ cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm".