Từ thời Lê sơ, Hoàng giáp Lê Trung (quê Hà Nam) đã dành cho Trần Bình Trọng những lời tôn vinh "chinh khí vẫn còn, tiếng thơm không mất". Các cuốn sử cũ đều chép Trần Bình Trọng là dòng dõi Lê Đại Hành. Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sĩ in năm 1800 xác định quê hương nhà vua là xã Ninh Thái (Liêm Cần, Thanh Liêm, Hà Nam ngày nay).
Trần Bình Trọng (1259 - 1285), danh tướng thời Trần đã đi vào lịch sử dân tộc. Trên sông Thiên Mạc trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai (1285).Ông chặn đội quân hung hãn để hoàng tộc, triều đình rút khỏi kinh thành Thăng Long về căn cứ địa Thiên Trường an toàn.
Đền Lăng, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, nơi thờ Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành và Tam vị Đại Vương.
Sử chép: "Tháng hai năm Ất Dậu, Thiệu Bảo năm thứ 7 (1285), Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng (Vương là dòng dõi Lê Đại Hành, chồng sau của công chúa Thụy Bảo, cha ông làm quan đời Thái Tông được ban quốc tính) đánh nhau với giặc ở bãi Đà Mạc (tức Thiên Mạc) bị chết.
Khi bị bắt, Vương không chịu ăn, giặc hỏi việc nước Vương không trả lời, giặc hỏi Vương: "Có muốn làm vương đất Bắc không?". Vương thét to "Ta thà làm ma nước Nam, chứ không làm vương đất Bắc!", rồi bị giết (1). Hôm đó là ngày 26/2. Vua nghe tin vô cùng thương xót, truy phong Trần Bình Trọng tước Bảo Nghĩa Vương.
Theo một số nhà sử học, trận này Trần Bình Trọng chỉ huy 600 quân Thánh dực phải chống chọi với mấy ngàn quân giặc đang hăng máu. Chúng mở 6 đợt tấn công, chịu nhiều thương vong, nhưng quân số áp đảo nên phá được thế trận quân ta.
Sông Thiên Mạc, nơi diễn ra trận đánh là chi lưu của Hoàng Giang thời Trần (tức sông Hồng), chảy qua đất Duy Tiên, Lý Nhân rồi đổ nước vào sông Châu. Sông Thiên Mạc, ngày nay đã bị bồi lấp, song dấu tích còn lưu trong truyền thuyết và một phần địa danh như Hòa Mạc, Giang Mạc (Duy Tiên), Mạc Thượng, Mạc Hạ (Lý Nhân).
Sự hy sinh oanh liệt của Trần Bình Trọng, hậu thế còn kính phục. Phan Huy Chú xếp ông vào hàng bề tôi "Tiết nghĩa"(2). Phan Kế Bính - học giả nổi tiếng thế kỷ XX về khảo cứu văn hóa cổ truyền đã có thơ ca ngợi:
Giỏi thay Trần Bình Trọng
Dòng dõi Lê Đại Hành
Đánh giặc dư tài mạnh
Thờ vua một tiết trung
Bắc vương sống mà nhục
Nam quỷ thác cũng vinh
Cứng cỏi lòng trung nghĩa
Ngàn thu tỏ đại danh
Ngô Đức Dung trong sách "Việt sử mông lục" viết khoảng năm 1905-1906, dành những lời thơ nêu cao khí phách của ông(3):
Bình Trọng ở triều Trần
Bảo Nghĩa được phong sắc
Chống nhau với quân Nguyên
Không may bị giặc bắt
Thà làm quỷ nước Nam
Không làm vương đất Bắc
Gươm giáo chẳng hề kinh
Áp đảo tinh thần giặc
Còn cuốn "Đại Nam quốc sử diễn ca", tác phẩm thơ khuyết danh có hai câu:
Trần Bình Trọng thật là trung
Thà làm Nam quỷ, không là Bắc vương
Từ thời Lê sơ, Hoàng giáp Lê Trung (quê Hà Nam) đã dành cho Trần Bình Trọng những lời tôn vinh "chinh khí vẫn còn, tiếng thơm không mất".(4)
Các cuốn sử cũ đều chép Trần Bình Trọng là dòng dõi Lê Đại Hành. Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sĩ in năm 1800 xác định quê hương nhà vua là xã Ninh Thái (Liêm Cần, Thanh Liêm, Hà Nam ngày nay). Nhà vua có 11 người con trai, song không rõ chi nào là viễn tổ của Trần Bình Trọng.
Tìm hiểu gia thế của danh tướng trẻ tuổi Trần Bình Trọng, chúng tôi gặp không ít khó khăn do nguồn tư liệu hạn chế và công việc xác minh, đối chiếu các nguồn tư liệu. Bước đầu xin được nêu một phả hệ còn sơ lược về ông nội, cha, mẹ, vợ, con, cháu của vị danh tướng.
Ông nội Trần Bình Trọng là Lê Khâm, đã có công giúp Trần Thừa và Trần Thủ Độ đánh dẹp Nguyễn Nôn - thế lực muốn khôi phục nhà Lý. Trần Thái Tông lên ngôi, khởi nghiệp triều Trần, xét ông có công lao lớn nên phong chức, tước: Khuông quốc Thượng tướng quân, Thượng vị hầu. Sau đó ông cáo quan về trí sĩ.
1. Lê Tần, tự Lê kính (còn có tên là Lê Phụ Trần), cha Trần Bình Trọng, sinh vào khoảng trước sau năm 1218, mất vào cuối đời Trần Thánh Tông hoặc đầu đời Trần Nhân Tông, tức năm 1274 trở về sau. Cuộc đời làm quan của Lê Tần trải qua các triều vua Thái Tông (1225-1258), Thánh Tông (1258-1278), có thể cả những năm đầu triều Trần Nhân Tông (1279-1293).
Ông chính thức tham gia chính sự khi nào chưa rõ, sử chép ghi sớm nhất là vào năm Canh Tuất (1250), triều Trần Thái Tông, ông giữ chức Ngự sử trung tướng, Tri tam viện sự - chức quan cao cấp trong hàng Ngự sử, kiêm xét đoán việc kiện tụng.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ nhất (1258), sử chép: "Nguyên Phong năm thứ 7 (1257), tướng Nguyên Ngột Lương Hợp Đải xâm phạm Bình Lệ Nguyên. Vua thân hành đốc chiến, xông pha tên đạn. Quan quân hơi núng, vua ngoảnh sang tả hữu chỉ có Lê Phụ Trần (tức Lê Tần) một mình một ngựa ra vào trận giặc, sắc mặt bình thản như không.
Lúc ấy, có người khuyên vua dừng lại để chỉ huy chiến đấu. Phụ Trần cố sức can vua: "Nay thì bệ hạ chỉ đánh một ván dốc túi thôi! Hãy nên tạm lánh chúng, sao lại có thể dễ dàng tin lời người ta thế!".
Bấy giờ vua mới lui quân đóng ở sông Lô. Phụ Trần giữ phía sau. Quân giặc bắn loạn xạ. Phụ Trần lấy ván thuyền che cho vua khỏi trúng tên giặc.
Thế giặc rất mạnh (vua) phải lui giữ sông Thiên Mạc. Phụ Trần theo vua bàn những việc cơ mật, ít người biết được điều đó"(5).
Quân Nguyên - Mông tiến vào kinh thành Thăng Long, gặp rất nhiều khó khăn vì tòa thành trống rỗng, không có lương thực, dân binh khắp các làng xung quanh đều chống lại. Chúng vô cùng hoang mang, nhuệ khí lúc đầu không còn. Chớp thời cơ, quân dân nhà Trần dũng mãnh phản công quét sạch quân giặc khỏi kinh thành.
Ngày mồng 5 tháng Giêng năm Mậu Ngọ (1258) trong dịp Tết Nguyên đán, Trần Thái Tông thiết triều, xem xét công lao để phong thưởng cho tướng lĩnh. Có công trạng lớn nên Lê Phụ Trần được thăng lên Ngự sử Đại phu, tước Bảo Văn Hầu, giữ chức Nhập nội phán thủ. Đặc biệt nhà vua đem công chúa Chiêu Thánh gả cho ông và nói: "Trẫm không có khanh thì đâu có ngày nay. Khanh hãy cố gắng để cùng được trọn vẹn về sau"(6).
Đầu năm sau (1259), Lê Phụ Trần được cử đi sứ nhà Nguyên, Chu Bác làm phó. Với lý lẽ sắc bén, ông đã buộc triều đình phương Bắc giữ mức tiến cống như cũ, hạn định 3 năm một lần.
Đi sứ về, Lê Phụ Trần được bổ nhậm chức Thủy quân Đại tướng quân, chỉ huy toàn bộ quân thủy của triều đình. Đến chiều vua Trần Thánh Tông, vào tháng 2/1274, ông được ban hàm Thiếu sư, kiêm chức Trứ cung giáo thụ dạy Thái tử Khâm (sau này là Trần Nhân Tông).
Trạng nguyên Đào Sư Tích (sinh năm 1347) thời Trần viếng thăm đền thờ Lê Phụ Trần đề vịnh bài thơ chữ Hán (dịch thơ) như sau:
Phụ Trần, Lê tướng được ân vinh
Hương nến xuân thu vẫn tấc thành
Đâu ta, dân làng, non nước cũ
Lên đền, bái vọng một tài danh.
Ngô Sĩ Liên(*), tác giả bộ Đại Việt sử ký toàn thư, bình luận: "Lê Phụ Trần, dũng lược đứng đầu ba quân, một mình một ngựa xông pha trong trận giặc, tùy cơ ứng biến, chống đỡ cho chúa trong lúc gian nguy, mà tài văn học của ông đủ để dạy bảo Thái tử"(7).
2. Như chúng ta đã biết, vị hoàng đế cuối cùng làm vua 2 năm 1224-1225 của nhà Lý là Lý Chiêu Hoàng.
Khi nhà Trần thay thế nhà Lý, Thái sư Trần Thủ Độ ép Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh và ngày 12/12 năm Ất Dậu (1225) thì phải nhường ngôi cho chồng. Trần Cảnh lên ngôi vua (tức Trần Thái Tông), tháng Giêng năm 1226 sắc phong Chiêu Hoàng là Hoàng hậu, đổi gọi là Chiêu Thánh.
Vì 10 năm không có con, nên năm 1237 Trần Thủ Độ lại ép nhà vua lập công chúa Thuận Thiên, chị ruột Chiêu Thánh, vợ Hoài Vương Trần Liễu (anh vua) làm Hoàng hậu, giáng Chiêu Thánh xuống hàng công chúa.
Chiêu Thánh là con gái thứ của vua Lý Huệ Tông. Bà sinh tháng 9/1218, lúc ấy Lê Phụ Trần (Lê Tần) đã 40 tuổi (1258). Một năm sau, bà sinh con trai đầu lòng đặt tên là Lê Tông (còn có tên gọi là Lê Phụ Hiền, từ gợi ý tên của cha). Lê Tông đến tuổi trưởng thành đã tham dự triều chính, sớm được ban tước Thượng Vị hầu, ban quốc tính đổi cả họ tên thành Trần Bình Trọng.
Ông, bà Lê Phụ Trần - Chiêu Thánh còn sinh một người con gái đặt tên là Ngọc Khuê, hiệu Kiều Thụy (còn có tên là Minh Khuê) được phong là Ứng Thụy Quận chúa. Sau này, ông bà gả Quận chúa cho Trần Cố, người xã Phạm Triền, nay là xã Phạm Lý, Thanh Miện, Hải Dương, đỗ Trạng nguyên năm 1266, triều vua Trần Thánh Tông.
Đầu năm 1278, bà Chiêu Thánh về thăm quê ở Cổ Pháp (Bắc Ninh), đến tháng 3 âm lịch thì mất thọ 61 tuổi. Bà được táng ở bìa rừng Báng, phía tây lăng Thiên Đức. Đời sau lập đền thờ bà gọi là Long miếu. Thi sĩ Tản Đà đã có bài thơ vịnh:
Quả núi Tiên Sơn có nhớ công
Mà em đem nước để theo chồng
Ấy ai khôn khéo tài dan díu
Những chuyện hoa tình có biết không?
Một gốc mận già thôi cũng phải
Hai trăm năm lẻ thế là xong
Hỏi thăm sư cụ chùa Chân Giáo
Khách khứa nhà ai có mũ đông.
3. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: Trần Bình Trọng là chồng sau của công chúa Thụy Bảo. Chồng trước của công chúa Thụy Bảo là Uy Văn vương Trần Toại, lấy công chúa vào năm 1276. Công chúa là con gái của Trần Thái Tông (Trần Cảnh) và Hoàng hậu Thuận Thiên, là em ruột của Trần Thánh Tông, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật. Trần Toại ham học, hay thơ, còn "Sầm Lâu tập" lưu hành ở đời, nhưng không may mất sớm, khi mới 24 tuổi.
Vua Trần Thái Tông thương con còn trẻ đã sớm góa bụa, nên chọn mặt gửi vàng gả cho chàng thanh niên trẻ tuổi tài cao, được tin dùng là Lê Tông (không rõ gả năm nào), tức Trần Bình Trọng. Hai người sinh được mấy người con chưa rõ.
Sử sách như Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, tên một người con gái là Bình Nguyên lấy vua Trần Anh Tông, được phong là Chiêu Hiến Hoàng hậu. Trần Anh Tông và Chiêu Hiến Hoàng hậu có người con trai thứ tư là Thái tử Trần Mạnh sau lên làm vua tức Trần Minh Tông. "Ngọc phả hệ bảo tích" đền thôn Tiền, xã Tam Thanh (Vụ Bản, Nam Định) cho biết, công chúa Thụy Bảo được thờ ở đền, chùa thôn Tiền, xã An Lạc xưa.
Gia thế danh tướng Trần Bình Trọng nối đời hiển vinh, đặc biệt người cha Lê Phụ Trần lập công xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ nhất (1258), con - Trần Bình Trọng hy sinh oanh liệt, để lại muôn đời câu nói bất hủ trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai (1285). Mẹ và vợ danh tướng dòng dõi Hoàng tộc, con rể vua Trần Anh Tông, cháu ngoại vua Trần Minh Tông đều là bậc minh quân nhà/ thời Trần võ công, văn trị hiển hách. Gia thế ấy có mối liên quan mật thiết đến vùng đất sông Châu/núi Đọi Hà Nam.
*Ngô Sĩ Liên - Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009; (1) tr.66, (6) tr. 32-33, (7) tr.132
(2) Phan Huy Chú - Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tr.400
(3) Ngô Đức Dung - Việt Sử mông lục, từ Hồng bàng đến năm 1945, Nxb Văn học, Hà Nội, 1998, tr. 205
(4) Ngô Thi Sĩ - Đại Việt sử ký tiền biên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr. 37.