Dòng sông Ba ở Phú Yên bắt nguồn từ đâu, luật sư Nguyễn Hữu Thọ từng bị địch quản thúc ở nơi nào bên sông?

Thứ tư, ngày 18/01/2023 05:10 AM (GMT+7)
Bắt nguồn từ cao nguyên Kon Plông (tỉnh Kon Tum) ở độ cao hơn 1.500m, từ vùng cực Bắc Tây Nguyên, sông Ba (Phú Yên) uốn lượn, đi qua các huyện Kbang, An Khê, Đắk Pơ, Kông Chro, Ia Pa, Ayun Pa, Krông Pa của tỉnh Gia Lai.
Bình luận 0

Khi gần đến địa phận Phú Yên, sông Ba đổi dòng chảy theo hướng tây - đông. Và bên dòng sông nặng trĩu phù sa có chiều dài 374km này, cách cửa biển Đà Diễn khoảng 50km, phố núi Củng Sơn hiện lên xinh đẹp như nàng sơn nữ tuổi trăng tròn.

Dòng sông Ba ở Phú Yên bắt nguồn từ đâu, luật sư Nguyễn Hữu Thọ từng bị địch quản thúc ở nơi nào bên sông? - Ảnh 1.

Một góc thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Ảnh: XUÂN HIẾU

Tên gọi cũ của Củng Sơn là Phước Sơn. Thời các Chúa Nguyễn, đây là cửa ngõ đi vào Thủy Xá, Hỏa Xá, là nơi các phái bộ hai tiểu quốc này dừng nghỉ trước khi đến với phủ Phú Yên.

 Nơi địch từng quản thúc Luật sư Nguyễn Hữu Thọ

Là thị trấn huyện lỵ của Sơn Hòa, Củng Sơn có địa thế chiến lược về quân sự, kết nối giữa miền xuôi và vùng núi. Chính vậy mà từ khi mới xâm lược nước ta, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều chú trọng đến vùng đất này để làm bàn đạp tấn công, càn quét, đánh phá vùng căn cứ cách mạng ở miền núi, đồng thời lấn chiếm đồng bằng Tuy Hòa và các tỉnh duyên hải miền Trung.

Theo đại tá Trần Văn Mười, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, thời chính quyền Sài Gòn, địch xây dựng Củng Sơn thành một cụm cứ điểm vững chắc nằm sâu trong vùng giải phóng của ta. Tại trung tâm quận, ở phía đông bắc, địch bố trí ở cao điểm Hòn Ngang một đại đội biệt kích chốt giữ với hai khẩu pháo 105 ly khống chế toàn bộ thị trấn và bắn phá vùng giải phóng, ngăn chặn hoạt động của ta từ phía sau ra phía trước. 

Ở phía đông nam có cứ điểm Núi Một do một đại đội bảo an chốt giữ. Chúng còn xây dựng các ấp chiến lược Tây Hòa, Đông Hòa, Mả Vôi, Bắc Lý làm vành đai xung quanh bảo vệ quận lỵ và có cả sân bay dã chiến để làm nhiệm vụ tiếp tế đường không cho lực lượng đóng chốt ở đây. 

Ngoài ra còn có cứ điểm Đức Bình (yếu khu Phú Đức) do một đại đội bảo an chốt giữ để làm nhiệm vụ lùng sục, đánh phá bảo vệ phía nam quận lỵ Củng Sơn. Cũng chính ở nơi này, chính quyền Ngô Đình Diệm đã từng quản thúc Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - một trí thức tài năng và giàu lòng yêu nước, một người cộng sản kiên trung (sau này là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận giải phóng dân tộc Miền Nam Việt Nam, Quyền Chủ tịch nước…) một thời gian.

Trước khi đưa Luật sư Nguyễn Hữu Thọ lên Củng Sơn, nơi đầu tiên chính quyền Ngô Đình Diệm quản thúc cùng một số “phần tử nguy hiểm” trong Đoàn Hòa Bình là tại xã Hòa Thịnh, huyện Tuy Hòa 1 (nay là huyện Tây Hòa). Địa điểm Luật sư bị quản thúc ở nơi “sơn cùng thủy tận” này là nhà bà Nai nằm trước mặt Chi cảnh sát quận Sơn Hòa lúc đó. Mọi hoạt động của Luật sư đều bị theo dõi ráo riết, chặt chẽ.

Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Xứ ủy Nam Bộ, Khu ủy Khu 6 lúc bấy giờ và Tỉnh ủy Phú Yên được giao nhiệm vụ giải thoát Luật sư, đưa ông về nắm cương vị Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam. 

Theo cố Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Luân, sau thời gian điều nghiên kỹ lưỡng, Tỉnh ủy quyết định áp dụng phương án dùng lực lượng quân sự đánh bất ngờ vào chi khu Củng Sơn. Đêm 18/6/1961, LLVT giải phóng tập kích và dễ dàng chiếm được Củng Sơn. Tổ trinh sát đặc công đến nơi cư ngụ của Đoàn Hòa Bình, nhưng Luật sư không có ở đó, tìm khắp nơi cũng không thấy. 

Thì ra, chiều hôm ấy Luật sư Nguyễn Hữu Thọ “được phép” xuống TX Tuy Hòa gặp gia đình ra thăm nuôi, nhưng liên lạc của ta không nắm rõ tình hình.

Tuy không thực hiện được mục tiêu giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, nhưng chiến thắng Củng Sơn đã đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của phong trào cách mạng Phú Yên.

Khi Luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị địch đưa xuống quản thúc ở TX Tuy Hòa, lần giải thoát tiếp theo cũng bất thành. Mãi đến ngày 30/10/1961, lần giải thoát thứ ba mới thành công. Đảng bộ, LLVT và Nhân dân Phú Yên đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ Bác Hồ và Khu ủy giao, tổ chức đưa Luật sư về căn cứ an toàn.

Dòng sông Ba ở Phú Yên bắt nguồn từ đâu, luật sư Nguyễn Hữu Thọ từng bị địch quản thúc ở nơi nào bên sông? - Ảnh 4.

Thị trấn Củng Sơn rực rỡ về đêm khi đường phố lên đèn. Ảnh: TRẦN LÊ KHA

Đô thị đặc trưng miền núi

Sau khi thất bại thảm hại ở chiến trường Tây Nguyên, trưa 19/3/1975, hơn 2 vạn quân ngụy và hơn 2.000 xe quân sự từ Tây Nguyên theo đường số 7 (nay là quốc lộ 25) tháo chạy xuống đông quận lỵ Củng Sơn. 

Từ đây địch không tiếp tục đi theo đường 7 mà bắc cầu dã chiến vượt sông Ba qua đường 5 để xuống đồng bằng. Ngày 24/3/1975, chớp lấy thời cơ, ta giải phóng thị trấn Củng Sơn và toàn huyện Sơn Hòa.

Sau hơn 47 năm xây dựng và phát triển, Củng Sơn đang từng bước thực hiện lộ trình của một đô thị loại 4 theo hướng quy hoạch vùng của tỉnh mang dáng vóc riêng. Theo đó, cảnh quan kiến trúc thị trấn được tổ chức theo hướng đông bắc - tây nam với hai trục giao thông chính. 

Trục thứ nhất, dọc tuyến đường Trần Phú từ ngã tư Suối Bạc kéo dài đến bờ sông Ba; trục thứ hai từ ngã tư Suối Bạc 3 và Suối Bạc 4 chạy qua hồ Suối Bùn và giao với trục thứ nhất tại ngã năm cạnh UBND huyện. Cả hai trục giao thông này đều nối với quốc lộ 25. 

Dọc theo hai trục giao thông chính là các khu thương mại xen kẽ với công viên, tiểu công viên và các dải cây xanh kéo dài hòa hợp với cảnh quan núi đồi tự nhiên. Khu vực nội thị, những trục đường chính như Trần Hưng Đạo, Trần Phú... được nâng cấp mở rộng, lát đá granite và trồng hoa vỉa hè, tạo nên bức tranh sinh động và rực rỡ về đêm khi đường phố lên đèn. 

Đó là những điểm nhấn cơ bản làm thay đổi diện mạo, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho thị trấn Củng Sơn nói riêng và huyện Sơn Hòa nói chung.

Chị Hà Nguyễn ở khu phố Trung Hòa nói về thị trấn của mình: “Ai đã từng sống, công tác ở Củng Sơn trước đây, nay có dịp trở lại đều ngỡ ngàng trước vóc dáng khang trang của phố núi bên bờ sông Ba này. Vóc dáng đó ví như sức trẻ và nét xinh đẹp của những chàng trai cô gái đang tuổi mười tám đôi mươi, hiện hữu trên từng góc phố, tươm tất ở từng ngôi nhà…”.

Ông Phan Duy Chương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) cho biết: Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị trấn Củng Sơn luôn phát huy tinh thần đoàn kết, anh dũng và sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách của một địa phương bị chiến tranh tàn phá nặng nề, từng bước vươn lên đạt nhiều thành tựu quan trọng. 

Những thành quả đạt được tiếp tục là động lực to lớn, cổ vũ mạnh mẽ Đảng bộ, chính quyền và người dân Củng Sơn ra sức thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Sơn Hòa lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025, cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Ngày 12/3/1993, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã về thăm Củng Sơn và huyện Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên). Sau khi lắng nghe Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa Nguyễn Đình Tùng báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội của huyện, Luật sư xúc động nhắc lại những năm tháng bị địch quản thúc ở Củng Sơn được Đảng bộ và Nhân dân Sơn Hòa cưu mang giúp đỡ. Luật sư đã đến thăm gia đình ông Lưu Công Báng, gặp gỡ, tặng quà cho ông Năm Huề, bà Mai Một, ông Võ Minh, anh Nguyễn Văn Cư (con ông Ba Suối)… - những ân nhân của mình và thăm lại ngôi nhà Luật sư đã ở trong thời gian bị quản thúc.

Xuân Hiếu (Báo Phú Yên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem