Lý Nhân (Hà Nam) là một trong những địa danh nổi tiếng với đặc sản chuối ngự Đại Hoàng, hồng không hạt, có địa thế lưng tựa sơn - núi Đọi, chân đạp thủy - cửa Tuần Vường, dạng hình giống đóa hải đường vững chãi nở rộ giữa bốn bề sông nước.
Nhưng thiên nhiên chẳng ưu đãi bông hoa đẹp mà còn khắc nghiệt vô cùng, mùa khô thì hạn hán, mùa nước thì lụt lội và mặc nhiên định danh “chiêm khê, mùa thối” của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Thanh niên trai tráng lần lượt bỏ nơi chôn nhau cắt rốn đi tìm cơ hội đổi đời, có khi làng mạc chỉ còn toàn người già, con trẻ. Nhưng “ba năm quay đầu về núi”, mấy ai bỏ được quê hương. Nhiều người thành đạt đã trở về đóng góp xây dựng làng quê trù phú giàu đẹp.
Ông Cảnh bảo, về quê bằng đường đê là thích nhất. Ông nhớ lại, ngày xa quê lên đường nhập ngũ, dưới chân đê có những con bê chạy lăng xăng bên đàn bò vàng thung dung gặm cỏ, bầy trẻ thơ hát vang khúc đồng dao: “Dung dăng dung dẻ, dắt trẻ đi chơi, đến ngõ nhà trời, tóc xanh trắng xóa”.
Tiếng hát quê hương theo ông suốt quãng đời quân ngũ. Vốn sinh ra lớn lên ở vùng sông nước, bơi lặn rất giỏi, nên đi bộ đội ông Cảnh được sung vào đơn vị đặc công. Ra quân, ông cũng bôn ba tứ xứ, làm nhiều nghề, thất bại rồi thành công đủ cả. Cuối cùng ông về quê nhà gắn bó với nghề sản xuất sơn. Hiện, ông có nhà máy rộng lớn ở Khu công nghiệp Đồng Văn, Hà Nam.
Nhà ông Cảnh ở giữa thôn Nhân Hậu, không bài trí phô trương mà vẫn giữ nguyên nếp nhà gạch năm gian ngày xưa, chỉ nâng cao nền và lợp ngói mới.
Hàng cau vua thẳng tắp thay cau ta, vườn rau cải đang trổ hoa vàng, vài luống xu hào, bắp cải xanh ngọc khuất dưới hàng rào hoa rực rỡ. Sau nhà, mấy buồng chuối ngự lác đác chín vàng, điểm vài chùm hoa đỏ rực. Nhác trông đoàn khách từ xa, cụ Phạm Văn Thanh, thân sinh ông Cảnh, khẽ đặt chiếc cần câu tre vàng óng xuống bờ ao, như sợ đám lá tre khô bập bềnh xô dạt, sẽ làm mấy con gọng vó đang lênh khênh lướt trên mặt nước giật mình.
Cụ Thanh vồn vã mời mọi người vào thăm nhà. Trong bữa cơm thân mật, cụ ôn lại nhiều chuyện, nhưng tôi ấn tượng nhất là chuyện về sông Châu.
Theo lời cụ Thanh, sông Châu bắt nguồn từ mạn Cổ Châu - Cầu Giẽ, do có nhiều trai ngọc quý nên cổ nhân lấy tên đặt cho sông. Xưa kia, khi đường bộ chưa phát triển, sông Châu là huyết mạch giao thông cho cả vùng châu thổ sông Hồng.
Sông Châu có ba nhánh, một nhánh từ Phú Xuyên (Hà Nội) chảy về địa phận Duy Tiên có tên Mang Giang. Nhánh chính từ sông Hồng ở địa phận Tắc Giang chảy đến Quan Trung (Văn Lý) thì chia hai nhánh, một chảy qua Lê Xá, đi Phủ Lý vào sông Đáy, nhánh còn lại bao quanh Lý Nhân.
Nước sông Châu mùa cạn trong vắt ngọt ngào, nhưng mùa lũ thì ngầu ngầu đỏ, như con rồng nước giận dữ, cuồn cuộn tạo nên vực xoáy “Mắt Rồng”, rồi nó oằn mình giận dữ phun nước ra cửa Tuần Vường - khu vực lừng danh nguy hiểm, đã từng nuốt chửng bao tàu thuyền tải trọng hàng trăm tấn. Dân gian xưa có câu: “Một trăm cửa bể, phải nể Tuần Vường” nên nơi đây được ví như tam giác Bermuda ở Đại Tây Dương.
Sự đời được mất là lẽ thường và người nông dân vùng chiêm trũng nơi đây cũng chấp nhận sống chung với thói đỏng đảnh khôn lường của thiên nhiên. Họ khốn khổ vật lộn với chiêm khê, mùa thối nhưng cũng được hưởng “lộc trời” - khi lũ rút thì để lại lớp lớp phù sa màu mỡ, đặc biệt thích hợp với loại cây đặc sản là “chuối ngự tiến vua”.
Cụ Thanh phân tích, chuối ngự ở vùng này quả rất nhỏ, vỏ mỏng như giấy, khi chín vàng như tơ óng, thơm ngát, ngọt thanh. Cả buồng chuối trông như bó hoa sen đại đóa kết tầng, chính là kết tinh của phù sa châu thổ.
Thăng trầm như cuộc đời con người, sông Châu cũng có cuộc sống riêng đầy buồn vui và trắc trở. Xưa kia vốn mang thân châu báu ngọc ngà, thời chiến tranh thì khúc “Mắt Rồng” bị bom Mỹ vùi lấp, bây giờ hạ nguồn sông Châu sừng sững hai con đập Quan Trung và Vĩnh Trụ, nên sông Châu ứ đọng như nỗi buồn ai oán. Tàu bè không còn xuôi ngược, bèo tây phủ kín mặt sông, đôi bờ đập chi chít nhà tầng cao thấp.
Quê ta ta về
Bây giờ, đường đê chạy dọc sông Châu đã được lát bê-tông, triền đê vẫn nghiêng nghiêng xanh cỏ may, cỏ mần trầu, cỏ mật. Chân đê, đàn bò yên lành gặm cỏ, bầy trẻ con túm năm tụm ba, đá bóng, thả diều. Làng Đại Hoàng đã đổi tên thành Nhân Hậu và đổi mới theo xu hướng nông thôn mới xanh, sạch, đẹp. Đường làng ngõ xóm đều lát bê-tông, nhiều nhà tầng khang trang, đất đai trù phú, vườn tược rộng rãi, nhưng vẫn còn một phần thôn giữ nếp nhà xưa.
Đặc biệt, ven bờ sông Châu Giang xuất hiện nhiều nhà tầng khang trang. Sông Châu giờ hiếm thấy thuyền bè đi lại. Có chăng lác đác vài con thuyền nhỏ tung lưới đánh cá lúc bình minh.
Là một trong những người con quê hương vùng chiêm trũng, ông Phạm Văn Cảnh cùng nhiều đồng chí, đồng đội, bà con nông dân đã không quản ngại, từng ngày từng tháng từng năm, đóng góp công sức, của cải vật chất, cần mẫn thau chua, rửa mặn cho vùng đất “chiêm khê, mùa thối” thành những bờ xôi, ruộng mật, một năm hai vụ chiêm - mùa xen kẽ hoa màu.
Ông tâm sự: “Cả một đời bôn ba, khóc cười cùng thành bại đủ cả, xa quê từ lúc tóc còn xanh, đi đến đâu hễ thấy dòng sông, con đò lại chạnh lòng nhớ nơi chôn nhau cắt rốn. Giờ về quê đã bạc phơ mái đầu. Rảnh rang, mấy anh em đồng đội ra ngồi bến sông chơi thôi mà ký ức thời trẻ thơ cứ ùa về. Lúc tan học, đứa thì ra vườn tìm quả chín, đứa khác bới bếp lục đồ ăn, rồi cùng nhau chạy ù ra bến sông thả diều, bơi lội…
Thời gian đi nhanh quá, đường càng xa bóng thời gian càng dài, tôi nhận thấy danh lợi cuối cùng cũng chỉ là phù hoa. Quẳng gánh lo đi, về neo đậu bến quê là bình yên nhất”.
Những tia nắng cuối đông chiếu xuống sông Châu Giang lấp lánh, gợi nhớ trầm tích ngọc ngà từ ngàn xưa. Trên bãi soi ven sông, những dải lụa đủ sắc mầu phơi nắng như đóa hoa khổng lồ rực rỡ trên nền xanh luống rau cuối vụ, đâu đó nghe văng vẳng tiếng trẻ hát khúc đồng dao, báo hiệu mùa xuân đến.