Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
60 tuổi, ông gặp mặt đàn cá sông lần đầu tiên, sau một cơ duyên mua đất kinh doanh. Lần gặp gỡ ấy làm cuộc sống của ông thay đổi hoàn toàn. Giờ đây, ông dành suốt ngày dài chăm sóc đàn cá sông, chẳng nề hà vất vả, tốn kém.
Chân dung ông Nguyễn Văn Út, nông dân xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang-người mang tiếng gàn bỏ công sức, tiền bạc đi chăm bẵm, bảo vệ, nuôi đàn cá bên dòng sông Vàm Nao.
Đó là ông Nguyễn Văn Út (63 tuổi, ngụ xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Rất nhiều người cho rằng ông gàn dở, làm chuyện bao đồng, khi bỏ thời gian, tiền bạc và sức khỏe chỉ vì những chú cá từ khắp nơi tìm về.
Nhưng ai nói gì nói, ông vẫn làm theo tâm niệm của mình, miễn không sai quy định pháp luật. Mỗi ngày, ông chạy 7-8 chuyến xe, nhận rau củ, trái cây của các vựa hàng. Đa số là hàng dạt, không thể tiêu thụ trên thị trường. Thay vì bỏ đi, họ gửi tặng để ông nuôi “đàn con” đông đúc.
Ông Út thu gom trái cây xấu mã, trái cây hỏng để đem về nuôi đàn cá sông.
Vóc dáng thấp bé, nhưng tình yêu thương đàn cá hoang giúp ông thêm sức mạnh, rong ruổi thu gom hàng chục tấn thức ăn mỗi ngày. Có hôm, ông kiệt sức, gặp tai nạn xe, phải vào viện điều trị. Những ngày nằm viện, ông thuê người cho cá ăn. Vừa xuất viện, ông về với chúng ngay.
Lựa trái cây thối, hỏng để cho đàn cá sông ăn.
Thấy ông cực quá, bà con họ hàng khuyên ông “thôi bỏ đi”. Ông nhất quyết: “Bây không làm tiếp tao thì tao làm mình ên”. Ít lâu sau, con cháu tụ họp về, tiếp giúp ông chăm sóc đàn cá. Dần dần, họ quen tay mến chân, thương cá giống như ông.
Lúc trước, nhiều người cùng bằm nhuyễn thức ăn cho cá. Nhưng sao bằm nổi 20 tấn mỗi ngày, liên tục ngày này qua ngày khác! Thấy vậy, ông mua máy xay, giảm bớt một gánh nặng công việc.
Còn rau xanh thì được đổ trực tiếp xuống sông, không cần qua sơ chế.
Các loại rau cũng là thức ăn của đàn cá sông.
Nhìn bề bộn vậy thôi, chứ vài tiếng sau, cá đã “xử lý” sạch sẽ, một mảnh lá cũng không còn trên mặt nước!
Nhiều người dân địa phương cũng tham gia phụ gúp ông Út cho đàn cá sông ăn.
“Đàn con” của ông đông đến mức, chỉ có thể tính bằng tấn, với hàng chục loại cá, từ cá tra, cá trê, cá lóc, cá he, cá rô… Đến giờ ăn, cá chen chúc nhau rộn ràng một khoảnh sông. Đó là chưa kể những loại cá “khủng”, như chim trắng (ước tính trên 15kg); các loại cá dài trên 1m… nằm sâu phía dưới.
Mỗi ngày, ông Út tốn từ 7-10 bao thức ăn cho cá, ngoài rau, củ, quả đã cho ăn trước đó. Thức ăn rải xuống đến đâu, mất hút đến đó bởi đàn cá háu ăn.
Ông Hai Trung (54 tuổi, cháu ông Út) thường xuyên đến đây chăm sóc cá, phần vì giúp đỡ ông Út, phần vì bản thân ông cũng tìm thấy niềm vui khi nhìn cá đông đúc mỗi ngày.
Không thể đếm xuể số lượng cá ở khu vực này, nhưng thú vị nhất là bắt gặp chú cá đầu đàn. Cá có màu đen đặc trưng, không có mắt, rất nhanh lẹ. Gần 2 năm nay, ông Trung mới “chụp gọn” chú cá này.
Khác loại, khác bầy, khác kích thước, nhưng cá sống chung với nhau rất hòa thuận, chưa từng diễn ra cảnh “cá lớn nuốt cá bé” hoặc “gây sự”. Có lẽ là do chúng cảm thấy nguồn thức ăn đầy đủ, ổn định, không cần dùng đến bản năng sinh tồn trong môi trường thiên nhiên khắc nghiệt.
“Gần 3 năm trước, tôi mua đất ở khu vực này, dự định làm bãi đậu sà lan của gia đình. Trong địa phận đất, có hầm cá của chủ cũ. Khi tôi phóng sinh, chúng không đi, mà cứ lẩn quẩn chỗ cũ. Nhìn đàn cá thấy tội, tôi cho ăn, cầu mong cá sinh sôi nảy nở nhiều hơn. Không ngờ, điều đó trở thành sự thật” – ông Út chia sẻ.
Chừng vài tháng sau khi ông mua đất, cá bắt đầu đổ về. Ông bàn giao công việc kinh doanh cho các con, còn mình trụ lại ở khúc sông Vàm Nao, chăm sóc chúng mỗi ngày.
Ông bày tỏ rằng, nếu ông dang rộng vòng tay “cưu mang”, những chú cá thiên nhiên này sẽ có tuổi thọ dài hơn. Chúng tìm về đây làm nơi trú ngụ, thì ông nỡ lòng nào xua đuổi chúng! Ông lại bỏ tiền của, công sức làm “vành đai” vừa đủ để ngăn người dân đánh bắt cá. Chính điều này làm ông càng trở nên “ba láp ba xàm” trong mắt một số người.
Có người dân bức xúc vì đây là cá thiên nhiên, không phải của riêng ông, ông không có quyền ngăn cản họ đánh bắt mưu sinh. Nhưng nếu nói toàn bộ là cá thiên nhiên, thì cũng không đúng, vì không ít cá nuôi được đem về đây phóng sinh. Những dư luận ấy đè nặng áp lực thêm cho quá trình nuôi dưỡng đàn cá hoang của ông Út.
Bỏ qua dư luận, ông Út vẫn sẵn lòng đón nhận những “đứa con” mới. Điển hình như chuyến “giải cứu đàn cá hoang” vừa diễn ra chiều 10/2. Đàn cá ấy được một nông dân chăm sóc ở huyện Phú Tân. Nhưng cảnh người dân xuyệt điện bắt cá diễn ra quá thường xuyên, nơi ấy không còn là chốn bình yên cho cá nữa.
Thế là đàn cá được đưa xuống dòng Vàm Nao, nương nhờ sự chăm sóc của ông Út, mỗi đợt “giải cứu” vài tấn cá. Xung quanh khu vực cá cư ngụ, ông Út cho lắp đặt camera quan sát, nhờ chính quyền địa phương và ngành chức năng các cấp cùng chung tay bảo tồn đàn cá.
“Ngày xưa, cá nổi xanh mặt nước, sống thoải mái cùng con người. Bây giờ, nguồn lợi thủy sản ít dần. Cá tìm về đây sinh sống cũng vì cảm thấy được yêu thương, được an toàn. Tôi không biết mình còn đủ sức, đủ khả năng chăm sóc chúng được bao lâu. Nhưng tôi sẵn lòng cho đi, mong đem lại một chút tốt đẹp cho thiên nhiên quanh mình” – ông Út cười thật hiền, bên khúc sông Vàm Nao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.