Sau vụ bà Nguyễn Phương Hằng, nhà báo Đặng Thị Hàn Ni, Tiến sỹ luật Đặng Anh Quân, luật sư Trần Văn Sỹ... bị khởi tố, bắt tạm giam, bạn đọc thắc mắc, tại sao nhiều người là tri thức, có uy tín và địa vị xã hội nhưng vẫn bị khởi tố về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, theo Điều 331 Bộ luật hình sự 2015?
Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, qua thực tiễn tố tụng hình sự cho thấy, trong những năm qua có nhiều người đã bị xử lý hình sự về Điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015.
Trong đó, số đông những người bị xử lý về tội danh này là trí thức, có địa vị xã hội nhất định và hành vi vi phạm chủ yếu trên không gian mạng.
Theo ông Cường, có những người sử dụng không gian mạng như một công cụ để tấn công, đưa tin bịa đặt, vu khống, xuyên tạc, sai sự thật nhằm xúc phạm người khác nên cũng bị xử lý về tội danh này.
Còn có những người cho rằng mình hoạt động dân chủ, phản biện xã hội nhưng thông tin thiếu kiểm chứng, chủ quan, thậm chí có động cơ chính trị nên đã xuyên tạc, bịa đặt, đưa tin sai sự thật trên không gian mạng.
Mỗi sự việc lại có những tình tiết khác nhau, tuy nhiên hầu hết các trường hợp bị xử lý theo Điều 331 đều tự cho mình cái quyền đứng trên người khác hoặc lợi dụng quyền tự do ngôn luận, quyền phát ngôn làm công cụ để trả thù, xúc phạm người khác.
Vị chuyên gia cho rằng, quyền tự do dân chủ là một trong những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận, trong đó có quyền tự do báo chí, tự do hội họp, tự do ngôn luận, tự do lập hội...
Cụ thể, Điều 25, Hiến pháp năm 2013 quy định, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.
Theo quy định của Hiến pháp, các quyền cơ bản của công dân không chỉ có quyền tự do dân chủ mà còn có các quyền khác, trong đó, Điều 21 Hiến pháp nêu rõ, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình, có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Ngoài ra, Hiến pháp còn quy định, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm. Không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm…
Như vậy, có thể thấy rằng Hiến pháp và pháp luật Việt Nam quy định nhiều quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận.
Tuy nhiên quyền tự do ngôn luận bị giới hạn bởi quyền bảo vệ bí mật đời tư cá nhân, bảo vệ nhân thân, hình ảnh, bảo vệ danh dự nhân phẩm của công dân...
Từ phân tích trên, ông Cường cho rằng, để thực hiện được quyền tự do dân chủ, trong đó có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, thường sẽ là những người có hiểu biết pháp luật, hiểu biết xã hội và có sức ảnh hưởng đối với xã hội, đặc biệt là đối với lĩnh vực truyền thông và mạng xã hội.
Tuy nhiên, trong số những người thực hiện thường xuyên các quyền tự do ngôn luận, có một số tự đề cao bản thân, cho rằng mình hiểu biết nhiều thứ, có quyền lực, có địa vị và sẵn sàng sử dùng những hiểu biết của mình để công kích, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác.
Một số người lại cho rằng mình có quyền tự do dân chủ, hoạt động dân chủ nên thường xuyên đưa ra những quan điểm, lời lẽ có tính chất suy diễn, quy chụp hoặc nâng cao quan điểm. Thậm chí có động cơ chính trị gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Bởi vậy, những người đi quá giới hạn của quyền tự do dân chủ xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân sẽ bị xử lý trước pháp luật, trong đó có thể sẽ bị áp dụng chế tài hình sự.
Ngoài ra, ông Cường còn cho biết thêm, đặc điểm của mạng xã hội là càng có những tin tức, hình ảnh độc, lạ, dị, lệch chuẩn, bất thường càng có nhiều người theo dõi.
Chính vì vậy, nhiều người muốn nổi tiếng, muốn được tung hô nên không ngại chửi bới, đưa ra những thông tin một chiều, chưa được kiểm chứng.
Những thông tin đó đôi khi là bí mật đời tư cá nhân, đặc biệt là bí mật đời tư của những người nổi tiếng, những thông tin về hành vi vi phạm pháp luật của người khác hoặc những lời lẽ chửi bới xúc phạm người khác, đặc biệt là người nổi tiếng.
"Nếu người nào lựa chọn nội dung trên mạng xã hội cho mình bằng cách nêu trên, rõ ràng đã đi quá giới hạn của quyền tự do ngôn luận, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, bịa đặt, vu khống...Vì thế việc xử lý hình sự đối với những người này về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ là cần thiết và có căn cứ" – vị chuyên gia nhấn mạnh.