Quy định về tội danh bà Nguyễn Phương Hằng, nhà báo Hàn Ni bị khởi tố
Quy định về tội danh bà Nguyễn Phương Hằng, nhà báo Hàn Ni bị khởi tố
Quang Trung
Thứ hai, ngày 27/02/2023 20:10 PM (GMT+7)
Sau vụ bà Nguyễn Phương Hằng, nhà báo Hàn Ni, Tiến sỹ luật Đặng Anh Quân bị khởi tố, bắt tạm giam, nhiều bạn đọc thắc mắc về quy định của Điều 331 Bộ luật hình sự?
Bà Phương Hằng, Hàn Ni bị khởi tố cùng một tội danh
Như Dân Việt đã thông tin, ngày 24/2, Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt bị can để tạm giam đối với bà Đặng Thị Hàn Ni (46 tuổi, nhà báo) để điều tra về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, theo Điều 331 Bộ luật hình sự.
Đến tối 25/2, Công an TP.HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân (giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM) và luật sư Trần Văn Sỹ cũng về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" quy định tại Điều 331 Bộ luật hình sự.
Trước đó, bà Nguyễn Phương Hằng cũng bị khởi tố, bắt tạm giam cùng về tội danh giống như những người trên.
Quy định cụ thể về Điều 331 Bộ luật hình sự
Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được quy định ra sao?
Trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết: Người thực hiện hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có thể thực hiện một trong các hành vi như: lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Hậu quả của hành vi là những thiệt hại đã gây ra hoặc đe doạ gây ra những thiệt hại về vật chất và tinh thần cho Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm có hành nêu trên xảy ra.
Theo bà Thơ, chủ thể của của Điều 331 có thể là bất kì ai. Họ có thể là người Việt Nam, người nước ngoài hoặc người không quốc tịch. Người phạm tội có thể thực hiện tội phạm một mình hoặc có đồng phạm.
Người phạm tội này thực hiện hành vi do lỗi cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Đặc biệt, người phạm tội có thể vì động cơ, mục đích cũng khác nhau tuỳ thuộc vào hành vi lợi dụng quyền cụ thể và ý thức của người phạm tội xâm phạm đến lợi ích nào.
Việc xác định động cơ, mục đích đối với tội phạm này là rất quan trọng vì nó là dấu hiệu để phân biệt với các hành vi tương tự nhưng nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân quy định tại Chương XIII - các tội xâm phạm an ninh quốc gia.
Về hình phạt, theo vị luật gia, Điều 331 Bộ luật hình sự quy định 2 khung hình phạt đối với người phạm tội.
Cụ thể, người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trường hợp phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.