Đăng kiểm viên bị khởi tố, cho tại ngoại được sử dụng đi làm có đúng quy định pháp luật?
Đăng kiểm viên bị khởi tố, cho tại ngoại được sử dụng đi làm có đúng quy định pháp luật?
Quang Trung
Thứ hai, ngày 27/02/2023 18:37 PM (GMT+7)
Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phải sử dụng cả những đăng kiểm viên bị khởi tố nhưng được tại ngoại, áp dụng hình thức cấm đi khỏi nơi cư trú để vận hành lại 2 trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội. Việc này có đúng quy định pháp luật?
Cục Đăng kiểm phải sử dụng cả đăng kiểm viên bị khởi tố, được tại ngoại để đi làm
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tô An - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết từ khi sự việc sai phạm ở các trung tâm đăng kiểm xảy ra đến nay đã gần 5 tháng, sau Tết Nguyên đán, hàng loạt đơn vị đăng kiểm tiếp tục bị khám xét, khởi tố, bắt giữ.
Trước việc thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực đăng kiểm viên, nguy cơ đứt gãy dẫn tới đổ vỡ hệ thống đăng kiểm xe cơ giới đang trở thành hiện hữu.
Mặc dù công đoàn Cục Đăng kiểm đã dốc sức động viên tinh thần và vật chất hỗ trợ các đăng kiểm viên nhưng nhiều người vẫn không dám đi làm, nhiều nhân viên ốm, đổ bệnh vì quá mệt mỏi áp lực…
Theo ông An, việc thiếu hụt đăng kiểm viên đã khiến Cục Đăng kiểm Việt Nam phải sử dụng cả những đăng kiểm viên bị khởi tố nhưng được tại ngoại, áp dụng hình thức cấm đi khỏi nơi cư trú để vận hành lại 2 trung tâm đăng kiểm từng bị tạm dừng hoạt động ở Hà Nội là 29-01V và 29-06V. Số lượng các đăng kiểm viên này khoảng 12 người.
Đại diện lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết đối với những đăng kiểm viên đã bị khởi tố, dù bị tạm giam hay tại ngoại, Cục vẫn đang trả tiền lương do vẫn chưa bị xét xử, còn quyền công dân và việc bố trí công việc để các đăng kiểm viên thực hiện nhiệm vụ của mình cũng không trái quy định pháp luật.
Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, những đăng kiểm viên bị khởi tố nhưng được tại ngoại, áp dụng hình thức cấm đi khỏi nơi cư trú được huy động đi làm thì có đúng quy định pháp luật?
Đúng quy định
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Văn Đồng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, khoản 4, Điều 3 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định cán bộ, công chức, viên chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Theo đó, khi công chức bị khởi tố thì chưa xem xét xử lý kỷ luật đối với công chức đó.
Bên cạnh đó, tại khoản 2, Điều 30 Nghị định 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định, trường hợp công chức có hành vi vi phạm bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng, trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc.
Như vậy, theo quy định trên, khi nào cán bộ, công chức, viên chức bị phạt tù mới bị ra ra quyết định buộc thôi việc. Còn trường hợp cán bộ, công chức, viên chức mới bị khởi tố sẽ chưa bị ra quyết định buộc thôi việc.
Theo luật sư Đồng, trong trường hợp cán bộ, công chức, viên chức bị khởi tố nhưng không có quyết định tạm giữ, tạm giam, trong trường hợp này đơn vị chưa xem xét xử lý kỷ luật nên công chức, viên chức trong giai đoạn này vẫn được đi làm và hưởng hệ số lương bình thường.
Ngoài ra, tại khoản 1, 3, Điều 41 Nghị định 112/2020/NĐ-CP còn quy định, trong thời gian tạm giữ, tạm giam hoặc được cho tại ngoại nhưng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú mà không thể tiếp tục đi làm để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử hoặc tạm đình chỉ công tác mà chưa bị xem xét xử lý kỷ luật sẽ được hưởng 50% của mức lương hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có).
Và nếu trường hợp cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật hoặc bị Tòa án tuyên là có tội sẽ không được truy lĩnh 50% còn lại.
Từ phân tích trên, luật sư Đồng khẳng định, đã có quy định pháp luật rất rõ về quyền lợi và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian bị khởi tố, truy tố và xét xử, đây là quy định rất nhân văn, đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự.
Vì thế, Cục Đăng kiểm Việt Nam sử dụng những đăng kiểm viên bị khởi tố nhưng được tại ngoại, áp dụng hình thức cấm đi khỏi nơi cư trú để vận hành lại 2 trung tâm đăng kiểm từng bị tạm dừng hoạt động ở Hà Nội là đúng quy định pháp luật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.