Làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập ổn định. Clip: Hà Thanh.
Nằm trên địa bàn xã Xuân Phương (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên), nghề mộc Phương Độ đã tồn tại hàng trăm năm. Năm 2010, làng nghề này được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp bằng công nhận là làng nghề truyền thống của tỉnh.
Từ đây, người dân chú trọng đầu tư trang thiết bị sản xuất, nâng tầm sản phẩm của mình từ hàng thủ công lên thành hàng mỹ nghệ tinh xảo, có tiếng... góp phần tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Là một trong những hộ gia đình có hoàn cảnh vô cùng khó khăn vươn lên thoát nghèo nhờ nghề làm đồ gỗ mỹ nghệ, anh Dương Quang Thạo (xóm Tân Sơn 8, xã Xuân Phương) cho cho hay, sau khi học hết lớp 9, anh bươn trải đủ thứ nghề để kiếm tiền phụ giúp gia đình nhưng thu nhập bấp bênh, không đủ trang trải cho cuộc sống của gia đình.
Quyết tâm vươn lên thoát nghèo, năm 2002, anh Thao quyết định về Bắc Ninh học nghề mộc và làm việc tại đó nhiều năm. Đến năm 2007 anh Thạo về thuê đất mở xưởng sản xuất đồ gỗ tại xã Điềm Thuỵ, huyện Phú Bình. Sau đó, năm 2015 anh đã chuyển về quê và xây dựng xưởng sản xuất tại gia đình tại xóm Tân Sơn 8 - nơi có nghề mộc truyền thống của địa phương.
"Nhà xưởng ban đầu chỉ khoảng 120m2, sau đó dần dần mở rộng hơn. Đến nay, gia đình tôi đã có nhà xưởng rộng 200m2 với 6 máy móc phục vụ sản xuất, tạo công ăn việc làm ổn định cho 5 lao động với mức thu nhập trung bình từ 10 - 12 triệu đồng/người/tháng", anh Thạo chia sẻ và cho biết, thị trường tiêu thụ sản phẩm của gia đình anh tương đối ổn định, thậm chí có những thời điểm còn không đủ hàng để bán.
"Nhờ sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ mà gia đình tôi từ hộ khó khăn ở địa phương đã thoát nghèo và có thu nhập kinh tế ổn định", anh Thạo phấn khởi tâm sự.
Cũng thoát nghèo từ nghề gỗ mỹ nghệ, ông Nguyễn Mạnh Tường, Chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Tường Hái (xóm Tân Sơn 8, xã Xuân Phương) - một trong những cơ sở quy mô lớn nhất của làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ chia sẻ, trước đây, gia đình ông chủ yếu làm nông nghiệp nên điều kiện kinh tế hết sức khó khăn.
Sau khi đi bộ đội trở về, năm 1990, ông Tường chính thức mở xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại địa phương. Ban đầu khi mới mở, do không có vốn nên gặp nhiều khó khăn. Dần dần khi vay được vốn, gia đình ông từng bước mua thêm đất đai và mở rộng quy mô sản xuất.
"Hiện gia đình tôi có 4 cơ sở sản xuất với quy mô trên 1.000m2, chuyên sản xuất các mặt hàng như giường, tủ, bàn ghế, lục bình…, giải quyết công ăn việc làm cho 10 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân từ 10 – 12 triệu đồng/người/tháng.
Trung bình mỗi năm, thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh của gia đình ông Tường đạt khoảng 1 – 2 tỷ đồng", ông Tường nói và cho biết, ngoài phát triển kinh tế hộ gia đình với nghề mộc mỹ nghệ, gia đình ông Tường còn đào tạo nghề cho nhiều lao động để họ có cơ sở mở xưởng sản xuất riêng.
Ông Dương Đình Hiệp, Trưởng xóm Tân Sơn 8 cho biết, xóm Tân Sơn 8 có tổng số 119 hộ dân, trong đó có nhiều hộ dân phát triển kinh tế với nghề mộc mỹ nghệ. "Về cơ bản ngành nghề này phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Hiện hộ nghèo của xóm còn 7 hộ gia đình, tuy nhiên từ sau khi làng nghề mộc mỹ nghệ phát triển, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đi đáng kể", ông Hiệp phấn khởi cho hay.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Dương Văn Vận, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phương cho biết, làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ hiện nay có 60 hộ (năm 2010 chỉ có 28 hộ) tham gia sản xuất, kinh doanh, tập trung chủ yếu ở 2 xóm Tân Sơn 8 và Tân Sơn 9, tạo công ăn việc làm cho hơn 300 lao động trên địa bàn có nghề nghiệp ổn định.
Hiện nay, sản phẩm của làng nghề chủ yếu tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như: Hà Nội, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh... Đặc biệt một số mặt hàng được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Sản phẩm hàng hóa của làng nghề đa dạng về mẫu mã, chủng loại như: Tủ, sập, giường, bàn ghế cao cấp các loại... Năm 2020, doanh thu của làng nghề ước đạt trên 39 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho trên 250 lao động tại chỗ.
"Nhờ phát triển làng nghề, những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn đã giảm rõ rệt", Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phương nhấn mạnh và thông tin cụ thể, tính đến hết tháng 2/2023, xã Xuân Phương còn tổng số 89 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,16 %, giảm 47% so với tỷ lệ hộ nghèo của năm 2022; Hộ cận nghèo là 79 hộ, chiếm tỷ lệ 3,7 %.
Trước đó, theo kết quả rà soát phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo của UBND xã Xuân Phương, tính đến ngày 31/3/2022 xã Xuân Phương có tổng số 135 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,31%, giảm 0,05% so với năm 2021; Tổng số hộ cận nghèo là 214 hộ, chiếm 10,01%. Trong đó, hộ nghèo tập trung chủ yếu tại các xóm Đoàn Kết, Thắng Lợi, Hạnh Phúc…