Làng cổ đẹp như mơ ở Thừa Thiên Huế thấy vô số miếu cổ, đền cổ, có miếu thờ linh vật của người Chăm
Làng cổ đẹp như mơ ở Thừa Thiên Huế thấy vô số miếu cổ, đền cổ, có miếu thờ linh vật của người Chăm
Như Quỳnh (Cổng Thông tin Đối ngoại Quảng Trị)
Thứ bảy, ngày 04/03/2023 10:46 AM (GMT+7)
Đến với điểm du lịch làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) du khách sẽ được tham quan hệ thống nhà thờ họ tộc; các nhà rường truyền thống, hàng chục đình, chùa, miếu, đền thờ, như đình làng Trung, chùa Phước Bửu, miếu Cây Thị, miếu Đôi, miếu Quang Tế (thờ Yoni và Linga của người Chăm) và các miếu Âm hồn...
Làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế được công nhận là điểm du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế theo Quyết định số 2186/QĐ-UBND ngày 09/09/2019 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngoài tên chữ Phước Tích, làng còn có tên Nôm là Kẻ Độôc, hay làng Độôc Độôc, phản ánh sinh kế chính của dân làng Phước Tích trong quá khứ là nghề gốm đất nung mà độôc và các loại đồ đựng gia dụng khác bằng đất nung là sản phẩm chủ đạo.
Và đây cũng là ngôi làng thứ hai của Việt Nam được công nhận là làng di sản cấp quốc gia vào năm 2009. Trước đó vào năm 2006, Đường Lâm (thị xã Tây Sơn, Hà Nội) trở thành làng cổ đầu tiên của cả nước được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Nếu như làng cổ Đường Lâm mang trong mình những dấu ấn kiến trúc độc đáo của đồng bằng Bắc Bộ, thì ngôi làng cổ Phước Tích lại mang một nét rất riêng của mảnh đất miền Trung.
Cách thành phố Huế chừng 40 km về phía Tây Bắc, nằm giáp ranh giữa 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, làng Phước Tích tọa lạc trên một vùng đất cao ráo được gọi là xứ cồn Dương. Làng vẫn lưu giữ được vẻ đẹp nguyên sơ của một làng quê Việt Nam.
Làng cổ được bao bọc bởi con sông Ô Lâu trong xanh, hiền hòa. Phước Tích có lẽ là ngôi làng nhỏ có nhiều bến sông nhất vùng. Cả làng có 12 bến nước: bến Cừa, bến Cạn, bến Vạn, bến Đình, bến Lau, bến Lò, bến Chùa, bến Hội; rồi bến Cây Bàng, bến Cây Thị, bến Miếu Vua, bến Cầu. 12 bến nước tượng trưng cho 12 dòng họ đầu tiên đến khai canh trên xứ Cồn Dương.
Nhà rường ở làng cổ Phước Tích (xã Phong Hoà, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) được xếp vào danh sách các công trình có giá trị văn hóa đặc biệt.
Với những lợi thế về quần thể nhà rường cổ dày đặc loại ba gian hai chái và một gian hai chái, hệ thống kiến trúc gỗ tinh tế, bàn ghế, tràng kỷ, bản thờ tủ... được chạm khắc kỹ lưỡng, hệ thống di tích, đình, chùa, miếu, nhà thờ, di tích văn hóa Champa, hệ thống đường sá cây xanh nối liền nhau một cách tự nhiên và sinh động…
Tất cả mang đậm nét tín ngưỡng của người dân xứ Huế. Sau khi được công nhận, đến nay làng cổ Phước Tích đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Bức tranh về du lịch ngày càng chuyên nghiệp, hệ thống di sản vật thể được tu bổ, trùng tu.
Miếu Cây Thị thờ nữ thần Po Nagar (văn hóa Champa) nằm sát cây thị 500 năm tuổi ở làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bên làng cổ Phước Tích là dòng sông Ô Lâu.
Đến với điểm du lịch làng cổ Phước Tích, du khách sẽ được tham quan hệ thống nhà thờ họ tộc; hệ thống các nhà rường truyền thống, hàng chục đình, chùa, miếu, đền thờ, như đình làng Trung, chùa Phước Bửu, miếu Cây Thị, miếu Đôi, miếu Quang Tế (thờ Yoni và Linga của người Chăm, văn hóa Champa) và các miếu Âm hồn, Con Cọp, Bà Giàng (người Chăm), đền Văn Thánh… Miếu Đôi thờ người khai canh Hoàng Minh Hùng được phong làm Thần hoàng của làng.
Đi vào trong làng là những khu vườn rộng rãi với những cây cổ thụ xanh tốt, cây hoàng lan hơn 100 tuổi trước nhà mệ Tràng thơm ngát…
Ngoài ra, du khách còn được khám phá, trải nghiệm nghề làm gốm lâu đời của người dân nơi đây. Ở thời kỳ hưng thịnh, cả làng có hơn 10 lò gốm đỏ lửa suốt ngày đêm đem lại sự giàu có và tiếng tăm qua bao thế hệ.
Các sản phẩm gốm của làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế-một làng cổ nổi tiếng bên dòng sông Ô Lâu.
Các sản phẩm gốm làng Phước Tích nổi tiếng khắp nơi, không chỉ bởi độ bền mà còn đặc biệt bởi không có cái nào giống cái nào, có màu sắc khác nhau. Các sản phẩm sau khi nung mặc dù không tráng men nhưng vẫn có lớp men nổi bên ngoài, không bị thẩm thấu.
Du khách có thể mua hoặc tự tay làm, thiết kế ra một sản phẩm gốm của mình đem về làm lưu niệm. Điều đó sẽ lưu dấu những kỷ niệm khó quên cho những ai một lần đến thăm ngôi làng cổ bình yên bên dòng sông Ô Lâu thơ mộng, hiền hòa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.