Chèo thuyền chở PV Dân Việt ra lồng nuôi cá trên sông Gianh, ông Mai Tuyến (SN 1966, ở thôn Cồn Sẻ, TX. Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) chuyện trò: "Tôi là một trong những hộ nuôi cá lồng đầu tiên ở Cồn Sẻ. Trước đây, dân chủ yếu đi biển, đánh bắt xa bờ nhưng mấy năm trở lại đây, việc đi biển gặp khó, thiếu bạn thuyền nên bà con chuyển hướng, phần lớn người dân xuất ngoại để đổi đời, còn người ở lại làm đủ nghề để mưu sinh".
Clip: Ông Mai Tuyến (thôn Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc, TX Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá lồng trên sông Gianh.
Theo ông Mai Tuyến, năm 2011, ông học kinh nghiệm nuôi cá lồng ở nơi khác rồi về thôn làm lồng bè nuôi cá ven bờ sông Gianh.
Ban đầu, lồng nuôi cá chưa được đầu tư, chỉ có tấm lưới cùng vài tấm gỗ và thùng phuy nhựa ghép lại. Cá trong lồng cũng nuôi hạn chế. Thế rồi, đến cuối năm đó, lứa cá đầu tiên cho năng suất cao, bán được giá, ông Tuyến quyết đầu tư, mở rộng mô hình.
Ông Tuyến cho hay: "Để đầu tư bài bản, tôi đến ngân hàng vay vốn. Có tiền trong tay, tôi về làm 12 lồng cá, mỗi lồng có diện tích từ 16 - 25 m2, chi phí từ 50 - 80 triệu đồng.
Tôi dùng gỗ táu loại tốt làm khung nổi trên phao. Hệ thống lưới xung quanh có 2 lớp chắc chắn, rồi làm thêm một nhà lán trên bè cá để tiện chăm sóc, bảo vệ và nghỉ ngơi".
Chèo thuyền tấp vào cạnh lồng cá, ông Tuyến nhanh tay kéo lưới trong lồng lên để lộ đàn cá chẽm có kích thước lớn, chen chúc nhau vùng vẫy. Sau đó, ông Tuyến nhanh tay lấy vợt xúc dưới lồng lên một con cá chẽm nặng khoảng 5kg, rồi nói: "Cá này tôi nuôi 2 năm mới to như này. Hiện tôi bán chẽm từ 150 - 170 ngàn đồng/kg".
Ông Tuyến cho biết, để nuôi loài cá này, lúc đầu ông cho cá ăn thức ăn công nghiệp. Nuôi khoảng 3 tháng, khi cá lớn chuyển sang cho ăn các loại cá sông, cá biển băm nhỏ.
Cá nuôi trên 6 tháng, thức ăn không cần băm nhỏ nữa mà đổ trực tiếp vào lồng cho cá ăn.
"Cá nuôi đạt trọng lượng 2kg/con là bán được. Nhưng việc tiêu thụ gặp khó nên tôi để nuôi và bán dần cho người có nhu cầu, đàn cá của nhà tôi thường rất to, khoảng 5kg tôi mới bán. Hiện việc nuôi cá mang lại thu nhập cho gia đình tôi khoảng 300 triệu/năm", ông Tuyến cho hay.
Hướng đến thương hiệu "Cá lồng Cồn Sẻ"
Trò chuyện với PV Dân Việt, ông Phạm Cương – Trưởng thôn Cồn Sẻ (xã Quảng Lộc, TX. Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Cồn Sẻ hiện có 23 hộ nuôi cá lồng trên sông Gianh, với gần 400 lồng cá. Người dân ở đây chủ yếu nuôi cá chẽm, cá mè kè, cá Hồng Mỹ… Việc nuôi cá lồng đang mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên, để đầu tư bài bản, mở rộng việc nuôi cá lồng, chính quyền các cấp, đặc biệt là ngân hàng cần tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay".
Theo ông Phạm Cương, Cồn Sẻ hiện có 870 hộ với hơn 5.000 nhân khẩu, 100% bà con là người Công giáo. Hiện còn 15 nhà thuộc diện hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo nay đã giảm mạnh so với những năm trước.
Cồn Sẻ cũng đang có đội tàu biển xa bờ hơn 50 chiếc. Những loại hải sản ít giá trị đều được tận dụng đưa về làm nguồn thức ăn cho trang trại cá lồng.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phạm Văn Hoàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Lộc (TX Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Người dân Cồn Sẻ nuôi cá lồng trên sông Gianh mang lại thu nhập cao. Tuy nhiên, việc tiêu thụ hiện đang gặp khó, bà con phải tự mang cá đi bán tại các chợ, chưa có thương lái đến đặt mua với số lượng lớn".
"Chính quyền địa phương đang tích cực hỗ trợ, vận động những hộ nuôi cá thành lập hợp tác xã để thực hiện sản xuất theo chuỗi, gắn với tiêu thụ sản phẩm sạch. Mặt khác, bà con cũng phải đầu tư hệ thống lồng phù hợp để nuôi quanh năm và nuôi vượt lũ. Khi đó, thương hiệu cá lồng Cồn Sẻ sẽ được biết đến và việc tiêu thụ dễ dàng hơn", ông Hoàn nói.