Quảng Bình: Ngôi chùa hơn 700 năm tuổi bên sông Kiến Giang, có ngày đón cả vạn du khách
Quảng Bình: Ngôi chùa hơn 700 năm tuổi bên sông Kiến Giang, có ngày đón cả vạn du khách
Trần Anh
Thứ sáu, ngày 03/02/2023 13:12 PM (GMT+7)
"Sau 3 năm hoãn vì dịch Covid-19, lễ hội Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc sẽ được tổ chức vào ngày 4 - 5/2 (tức ngày 14 và 15 tháng giêng năm Quý Mão)", bà Đặng Thị Hồng Thắm - Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) chia sẻ với Dân Việt.
Chùa Hoằng Phúc (ở xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) là di tích lịch sử cấp Quốc gia có lịch sử hình thành và phát triển hơn 700 năm. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất khu vực Bắc miền Trung.
Chùa Hoằng Phúc đang trở thành một trong những điểm đến tâm linh thu hút đông du khách thập phương đến vãn cảnh, dâng hương trong dịp đầu năm mới này.
Đại đức Thích Khải Đạo - Giám tự chùa Hoằng Phúc, cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đã có hơn 15.000 lượt người đến vãn cảnh, dâng hương tại chùa. Trung bình mỗi ngày, chùa Hoằng Phúc đón hơn 2.000 lượt người, đặc biệt, trong hai ngày đầu năm mới (mồng 1 và mồng 2 Tết Quý Mão) có gần 10.000 người đến vãn cảnh, dâng hương.
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Đặng Thị Hồng Thắm - Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình), chia sẻ: "Sau 3 năm hoãn vì dịch Covid-19, lễ hội Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc sẽ được tổ chức vào ngày 4 - 5/2 (nhằm ngày 14 và 15 tháng giêng năm Qúy Mão). Lễ hội diễn ra với các hoạt động chính như: Lễ rước nước, khai mạc lễ hội, nghi lễ theo nghi thức Phật giáo, thả hoa đăng, tổ chức hoạt động về nguồn tại Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Miếu An Sinh – Chùa Hoằng Phúc và các hoạt động thể thao như kéo co, cờ tướng, đẩy gậy, bóng chuyền hơi, bài chòi, đánh đu truyền thống…".
Chùa Hoằng Phúc ban đầu có tên là am Tri Kiến. Vào năm 1301, trong chuyến vân du phương nam, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã ghé am Tri Kiến thuyết pháp, truyền giảng đạo lý. Ngài đã đổi tên am Tri Kiến thành am Kính Thiên.
Năm 1609, trên đường vào đất Thuận Hóa, chúa Nguyễn Hoàng đến nghỉ tại am Kính Thiên, sau đó không lâu, chúa Nguyễn Hoàng cho dựng chùa lớn ngay trên nền am cũ.
Trên cánh cổng này có đắp 4 chữ "Tả quảng độ môn". Các nhà nghiên cứu cho hay đây là một cánh cổng quy mô, không nhiều ngôi chùa ở Bắc miền Trung vào thời điểm đó có được cánh cổng như này.
Năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu ra thăm chùa Kính Thiên, cấp tiền tu sửa, ban cho một biển đề tên chùa "Kính Thiên Tự" và một biển đề đại tự: "Vô song phúc địa" (đất phúc khôn sánh) và ngự chế 5 câu đối treo ở chùa.
Năm 1821, trong chuyến ngự giá Bắc Tuần, vua Minh Mạng có ghé thăm chùa và cho đổi tên chùa là "Hoằng Phúc Tự" cho tới ngày nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.