Ông Hồ Minh Huân (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) cho biết, ông đang thuê nhân công hái vườn tiêu rộng hơn 1 ha và dự kiến sẽ thu hoạch xong vườn hồ tiêu trong vòng 1 tuần. Trước đó, ông Huân đã tiến hành hái lựa chọn những chùm tiêu chín.
Ông Huân lý giải, năm vừa rồi thời tiết thất thường nên dẫn đến vườn cây đậu quả không đều. Đến vụ thu hoạch thì có quả già, quả non nên gặp khó khăn khi thu hái. Về sản lượng, ông Huân nói, năng suất không đạt do hồ tiêu ra nhiều chùm nhưng thưa hạt. Nguyên nhân cũng vì thời tiết mưa nắng thất thường.
Theo ông Huân, đúng quy luật, cứ đến mùa mưa phải có mưa, hồ tiêu mới ra bông, đậu trái đều. Việc nông dân tưới chỉ là phụ, nếu không có nước mưa hoặc mưa không đều, coi như vụ đó mất mùa. Không chỉ giảm năng suất, vụ hồ tiêu năm nay cũng không được giá.
Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho hay, vụ này, hồ tiêu chung cảnh mất mùa, rớt giá. Lý do, năm qua, thời tiết Tây Nguyên diễn biến phức tạp, mưa nắng không theo quy luật, ảnh hưởng đến sự phát triển, ra hoa đậu hạt của hồ tiêu.
Ông Bính cho hay, giá hồ tiêu đầu vụ dao động trên dưới 60.000 đồng/kg, giảm 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái (thời điểm này ở mức trên 90.000 đồng/kg). Do đầu ra của hồ tiêu Việt Nam phụ thuộc rất lớn từ thị trường tiêu thụ của các nước châu Âu, Mỹ, Trung Quốc... Ngoài ra, do tác động của dịch Covid-19, việc ngân hàng siết chặt tín dụng, tăng lãi suất khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn…
Theo Sở Công Thương Đắk Lắk, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh tháng 1/2023 ước đạt 140 triệu USD, giảm 11% so với tháng trước, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 8,8% kế hoạch năm. Nhìn chung xuất khẩu cà phê trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn là cà phê nhân. Cà phê hòa tan các niên vụ gần đây số lượng và kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk nhận định, năm 2023 xuất khẩu sẽ gặp khó khăn do tác động của kinh tế thế giới. Cà phê - mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của tỉnh này cũng không nằm ngoài dự định, dù mặt hàng này ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đánh giá của ông Lê Đức Huy - Phó Chủ tịch Hiệp Hội Cà phê Buôn Ma Thuột, nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu chậm hơn dự kiến. Các đơn vị thu mua không đoán trước được tình hình tiêu thụ của các tháng sau năm 2023 nên hạn chế mua mới. Hiện, sản lượng cà phê Việt Nam giảm 10% so với vụ trước (chỉ đạt 1,6 triệu tấn), nên người dân cũng chậm bán, dẫn đến việc kinh doanh kém sôi động.
Năm 2023, tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu xuất khẩu hơn 400.000 tấn cà phê. Để đạt được kế hoạch xuất khẩu cà phê niên vụ 2022-2023, Đắk Lắk tăng cường xúc tiến tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm cà phê nhất là sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê có Chỉ dẫn địa lý "cà phê Buôn Ma Thuột" ra thị trường thế giới.
Cập nhật cung cấp thông tin từ hệ thống thương vụ Việt Nam tại các nước để nắm bắt các thay đổi trong quy định kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu của các nước, nắm bắt các nhu cầu của các địa phương tại các quốc gia trên thế giới để thông tin đến doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước có ý kiến chỉ đạo các ngân hàng thương mại ưu tiên nguồn vốn cho vay thu mua cà phê, cũng như có chính sách hỗ trợ lãi suất dành cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê của tỉnh.
Cà phê Đắk Lắk xuất khẩu đến 64 thị trường (tăng 4 thị trường so với niên vụ 2020-2021), trong đó thị trường Nhật Bản tiếp tục là thị trường lớn nhất của cà phê Đắk Lắk với kim ngạch 117,947 triệu USD (tăng 54,5% về kim ngạch so với niên vụ trước), tiếp sau là thị trường Italia với kim ngạch 72,078 triệu USD (tăng 56,1% so với niên vụ trước)...