Đắk Lắk: Rộng đường xuất khẩu, nông dân đổ xô trồng sầu riêng, có huyện tăng gần 300ha

Trung Nguyên Thứ năm, ngày 02/03/2023 13:41 PM (GMT+7)
Cây sầu riêng đang được nhiều nông dân Đắk Lắk đổ xô trồng, sau khi loại quả này được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ngành chức năng khuyến cáo, người dân cần thận trọng.
Bình luận 0

Kể từ khi lô sầu riêng được xuất chính ngạch sang Trung Quốc vào tháng 9/2022, đến nay, diện tích sầu riêng trồng mới của huyện Krông Búk (Đắk Lắk) đã tăng gần 300 ha. Đây là con số được ngành nông nghiệp chú ý.

Sầu riêng rộng đường xuất khẩu, nông dân Đắk Lắk đổ xô trồng - Ảnh 1.

Kể từ khi lô sầu riêng được xuất chính ngạch sang Trung Quốc vào tháng 9/2022, đến nay, diện tích sầu riêng trồng mới của huyện Krông Búk (Đắk Lắk) đã tăng gần 300 ha -Ảnh: N.G

Trong đó, xã Cư Pơng là địa phương có diện tích trồng sầu riêng tăng gấp 3 lần so với năm 2020. Đến thời điểm hiện tại, địa phương này có hơn 1.163 ha sầu riêng, chủ yếu được trồng xen canh trong vườn cà phê, mắc ca… 

Ông Trương Hùng (buôn Adrơng Điết, xã Cư Pơng) cho biết, gia đình có trên 5 ha đất đã trồng cà phê, tiêu và 700 gốc sầu riêng. Năm 2022, ông quyết định tăng thêm cây sầu riêng sau khi loại quả này được xuất khẩu chính ngạch sang "thị trường tỷ dân". 

Ông Hùng nói lý do không phá bỏ các cây trồng khác để trồng sầu riêng vì đã "thấm" bài học từ cây bơ Booth. Khoảng 4 năm về trước, bơ Booth "rất sốt" khi bán được giá rất cao (trên 50.000 đồng/kg). Từ đó, diện tích loại quả này tăng rất nhanh, bất chấp khuyến cáo của chính quyền và các cơ quan chuyên môn. 

Hệ quả, khi nguồn cung vượt quá cầu, giá bơ rớt thảm, chỉ còn vài nghìn đồng, thậm chí không có đầu ra. Nhiều người lại tiếp tục điệp khúc "trồng-chặt". Từ những lý do đó, ông Hùng đã thận trọng khi trồng sầu riêng, dù được đánh giá rất tiềm năng về kinh tế.

Sầu riêng rộng đường xuất khẩu, nông dân Đắk Lắk đổ xô trồng - Ảnh 2.

Lô sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc vào tháng 9/2022 - Ảnh: N.G

Ông Phan Hoàng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Búk cho hay, cà phê vẫn là cây chủ lực của địa phương. Đối với cây sầu riêng, bà con cũng đang trồng rất nhiều vì đang cho hiệu quả kinh tế cao; tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể khẳng định tính bền vững của cây sầu riêng. 

Do đó, chính quyền đã tuyên truyền, khuyến cáo bà con nông dân cần cẩn trọng khi mở rộng diện tích sầu riêng; tập huấn kỹ thuật để nâng cao hiệu quả, năng suất sầu riêng…

Tại huyện Krông Pắc- nơi được mệnh danh là "thủ phủ" sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk (diện tích khoảng 5.000 ha) cũng không ngừng mở rộng diện tích. Anh Bùi Văn Hải (thị trấn Phước An) có 7 sào cà phê. Đến nay, vườn đã già cỗi, song anh không tái canh mà quyết định trồng sầu riêng. 

Theo anh Hải, sầu riêng đã có thị trường xuất khẩu chính ngạch, mang lại kinh tế cao. Dù phải 4-5 năm nữa sầu riêng mới cho thu hoạch, song anh Hải kỳ vọng, loại cây này sẽ cho thu nhập cao, ổn định đời sống.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng phòng NNPTNT huyện Krông Pắc chia sẻ, địa phương đã và đang khuyến cáo bà con, cần lựa chọn cây trồng phù hợp với từng loại đất, thổ nhưỡng; không nên chạy theo mở rộng diện tích; cần phải phù hợp với quy hoạch chung về phát triển các loại cây trồng. Theo ông Hoàng, bà con nên lựa chọn trồng xen trong cây cà phê để tránh rủi ro, tạo sự bền vững.

Sầu riêng rộng đường xuất khẩu, nông dân Đắk Lắk đổ xô trồng - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo người dân phát triển sầu riêng theo đúng định hướng, tránh phát triển tự phát dễ bị rủi ro - Ảnh: N.G

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk cho hay, sầu riêng đang có cơ hội lớn khi được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, thách thức đối với loại quả này cũng không nhỏ nếu không kiểm soát về mặt chất lượng, tránh phát triển nóng diện tích sầu riêng. 

Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã tuyên truyền, khuyến cáo người dân phát triển sầu riêng theo đúng định hướng; tránh phát triển tự phát dễ bị rủi ro…

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp đang xúc tiến kêu gọi đầu tư các nhà máy sơ chế mặt hàng sầu riêng với quy mô lớn; tiếp tục thực hiện quy trình cấp mã vùng trồng cho những diện tích đáp ứng đủ các điều kiện xuất khẩu chính ngạch…

Vừa qua, Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đã có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho người dân thay vì tăng diện tích, sản lượng, cần tập trung tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sầu riêng…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem