Con đường nội bản dài chỉ 1,3km, rộng 3,5m, nhưng là mong ước của người dân bản Nà Hạ 2, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La nhiều năm nay. Được hỗ trợ 200 tấn xi măng của Nhà nước, nhân dân trong bản đã họp bàn, đóng góp thêm 360 triệu đồng, cùng hàng trăm ngày công để xây dựng. Tuyến đường mới được cứng hóa mang tới nhiều kỳ vọng cho bà con nhân dân.
Ông Tòng Văn Tiết, người dân bản Nà Hạ 2, xã Chiềng Mung chia sẻ: “Trước thì đường lầy lội, bây giờ được Nhà nước hỗ trợ xi măng, bà con bản Nà Hạ 2 rất phấn khởi, góp công, làm con đường để giao lưu hàng hóa thuận lợi, các cháu đi học không vất vả”.
Là địa phương đi đầu trong huy động sức dân, năm 2022 vừa qua, huyện Mai Sơn đã tuyên truyền, vận động nhân dân góp trên 300.000 m2 đất, tháo dỡ các công trình hạ tầng, cây cối hoa màu, góp trên 11.000 ngày công... hoàn thiện 63 tuyến đường. Đây là cơ sở để Mai Sơn tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng giao thông nông thôn.
Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết: “Đối với các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đặt biệt là về đường giao thông, phòng sẽ tiếp tục phối hợp với các phòng ban đơn vị, tham mưu cho huyện lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, huy động sự đóng góp của nhân dân thực hiện từng tiêu chí”.
Trong năm 2022, tỉnh Sơn La đã cứng hóa 213 tuyến đường giao thông nông thôn, với chiều dài trên 105 km, tổng kinh phí đầu tư gần 135 tỷ đồng; trong đó nhân dân đóng góp gần 44 tỷ đồng, chủ yếu là ngày công lao động, hiến đất và vật liệu xây dựng. Đến nay, Sơn La đã có 78/188 xã hoàn thành tiêu chí số 2 về giao thông trong xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Sơn La cho biết: “Ngành giao thông vận tải sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh, các địa phương thực hiện các chính sách về phát triển giao thông nông thôn, trọng tâm là tuyên truyền vận động nhân dân cùng tham gia đóng góp xây dựng đường giao thông và quản lý bảo trì; tập trung tham mưu sử dụng, điều hành sử dụng nguồn kinh phí nhất là công tác lồng ghép đến nguồn vốn”.
Mỗi năm có từ 10-15 xã đạt tiêu chí về giao thông; 100% xã có đường giao thông đến trung tâm được cứng hóa… là mục tiêu của tỉnh miền núi Sơn La; phấn đấu đến năm 2025 có 83 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 địa phương cấp huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
*Bài có sự biên tập tilte và sapo.