Dân Việt

Lộ diện "sức khỏe" của CC1 và "bạn đồng hành" trúng thầu cao tốc Bắc – Nam

Huyền Anh 05/03/2023 06:00 GMT+7
Bộ GTVT đã công bố 13 gói thầu còn lại thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam và đã lựa chọn xong nhà thầu trong ngày 10/01/2023 để dự án sớm được thi công từ ngày 15/01. Theo đó, nhiều gương mặt quen thuộc đã góp mặt trong dự án trọng điểm quốc gia này như Vinaconex, Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1),…

Theo kế hoạch, tuyến cao tốc Bắc – Nam dự kiến hoàn thành cơ bản năm 2025 và khai thác vào 2026, giúp nối liền toàn trục cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau (riêng đoạn từ Lạng Sơn tới cửa khẩu Hữu Nghị chưa đầu tư). 

Để dự án hoàn thành đúng tiến độ, các nhà thầu tham gia các dự án này đều phải rất nỗ lực và tập trung cao cho gói thầu mà mình đã trúng. Vì vậy, bên cạnh kinh nghiệm, năng lực thì sức khoẻ tài chính là một vấn đề được nhiều người quan tâm.

Để bạn đọc hiểu hơn về năng lực của các nhà thầu tham gia các gói thầu của dự án cao tốc  Bắc – Nam, Dân Việt xin lần lượt giới thiệu về các nhà thầu.

Trúng thầu cao tốc Bắc – Nam, Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) có gì?

Theo danh sách được CTCP Chứng khoán VNDirect (mã: VND) thống kê từ Bộ GTVT, trong số 25 gói thầu đầu tiên thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (mã: CC1) là doanh nghiệp có giá trị các gói thầu tham gia thực hiện cao nhất.

Theo đó, CC1 tham gia tới 4 liên danh, đảm nhận bốn gói thầu ở các đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau. Tổng giá trị các gói thầu này vào mức 19.430 tỷ đồng.

Lộ diện "sức khỏe" của CC1 và "bạn đồng hành" trúng thầu cao tốc Bắc – Nam - Ảnh 1.

Việc CC1 tham gia vào dự án cao tốc Bắc - Nam được giới phân tích cho rằng "không phải điều quá ngạc nhiên", bởi CC1 được biết đến là chủ đầu tư của nhiều dự án lớn trong lĩnh vực năng lượng, giao thông và dân dụng theo hình thức BT, BOT, BOO, PPP,…

Nhìn vào các báo cáo thường niên của CC1 có thể thấy, đa phần là đến từ khu vực công hoặc có liên quan đến vốn của nhà nước. 

Chẳng hạn như trong năm 2021 có 18 gói thầu/dự án xây lắp điển hình được CC1 thống kê, trong đó 4 dự án liên quan đến bệnh viện, 3 dự án xây dựng trường học, trường PT năng khiếu và nhà hát tỉnh, và loạt tổ hợp lọc hóa dầu, nhiệt điện BOT cũng nằm trong danh sách này.

Lộ diện "sức khỏe" của CC1 và "bạn đồng hành" trúng thầu cao tốc Bắc – Nam - Ảnh 2.

Nguồn: Báo cáo thường niên 2021 của CC1.

Các dự án dân dụng và công trình được triển khai trong năm 2022 được CC1 liệt kê tại báo cáo thường niên năm 2021 cũng tương tự, đơn cử như: Dự án nhà máy Nhiệt điện Quảng trạch 1 với giá trị hợp đồng lên tới 5.200 tỷ đồng; Dự án NĐNĐ Vũng Áng 2 giá trị 348 tỷ đồng,…

Theo dữ liệu từ cổng thông tin đấu thầu quốc gia, CC1 trúng thầu hàng loạt dự án khác năm 2022 như: Xây lắp và cung cấp, lắp đặt thiết bị (không bao gồm thiết bị sân khấu 2.000 chỗ) thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh; Gói thầu XL6: Xây dựng hầm chui HC1-02; Thi công xây dựng cầu Kênh Tứ;…

Việc trúng hàng loạt gói thầu đến từ khu vực công hoặc có liên quan đến vốn của nhà nước là lợi thế để CC1 "đặt chân" tham gia vào các gói thầu của dự án cao tốc Bắc - Nam như đã nêu trên.

Lộ diện "sức khỏe" của CC1 và "bạn đồng hành" trúng thầu cao tốc Bắc – Nam - Ảnh 3.

Là chủ đầu tư loạt dự án lớn, trúng hàng chục gói thầu trong giai đoạn từ 2018 - 2022, mỗi năm CC1 thu về xấp xỉ từ 5.700 tỷ đồng - 6.900 tỷ đồng doanh thu thuần/năm. Trong đó, thống kê của Dân Việt cho thấy, trong 5 năm (từ 2018 – 2022), 4/5 năm doanh thu thuần của CC1 tăng trưởng dương. Biên lợi nhuận gộp dù thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước năm 2015, song vẫn ở mức cao của ngành xây dựng (6,8% vào cuối năm 2022).

Tuy nhiên, bức tranh lợi nhuận lại không được tích cực như doanh thu. Theo đó, trong 5 năm được thống kê kể trên chỉ có 1 năm CC1 báo lãi trước thuế tăng trưởng dương so với cùng kỳ, còn lại 4/5 năm lợi nhuận đi lùi.

Cụ thể, năm 2018 lợi nhuận trước thuế của CC1 đạt 205 tỷ đồng, năm 2019 chỉ còn báo lãi 102 tỷ đồng, thậm chí giảm mạnh về 53,5 tỷ đồng vào năm 2020. Sau khi đi lên vào năm 2021, thì năm  2022 CC1 chỉ lãi trước thuế 243 tỷ đồng, bằng khoảng 50% số lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm liền trước.

Không chỉ lợi nhuận đi lùi nhiều năm, dòng tiền kinh doanh âm nghìn tỷ là vấn đề lưu tâm trong bức tranh tài chính của CC1.

Thống kê cho thấy, 3 năm liên tiếp (2020 – 2022) lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của CC1 ghi nhận mức âm, trong đó 2/3 năm mức âm dòng tiền kinh doanh này lên tới trên 1.000 tỷ đồng.

Điểm "lợi thế" mà CC1 có được có lẽ đến từ lãi suất của các khoản vay mà CC1 đang gánh được giới tài chính cho rằng khá "mềm mỏng" so với một số doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản. Đơn cử như năm 2022, lãi suất các khoản vay ngắn hạn ngân hàng dao động từ 5% - 9,5%/năm, trong khi đó năm 2021 là 5% - 8%/năm. Các khoản vay dài hạn ngân hàng khác (4 năm - 7 năm) lãi suất từ 8,6% - 10,9%/năm.

Thế nhưng, chi phí lãi vay của CC1 vẫn có xu hướng "phình to" khi đơn vị này tích cực vay nợ. Theo thống kê từ các báo cáo tài chính của CC1, dư nợ vay và thuê tài chính (bao gồm cả ngắn và dài hạn) đã tăng 1,6 lần, từ mức hơn 4.100 tỷ đồng (cuối năm 2018) lên hơn 6.700 tỷ đồng (cuối năm 2022), tăng nhanh kể từ khi Bộ Xây dựng rút lui hoàn toàn khỏi CC1.

Lộ diện "sức khỏe" của CC1 và "bạn đồng hành" trúng thầu cao tốc Bắc – Nam - Ảnh 5.

Tỷ lệ nợ vay/vốn đầu tư của chủ sở hữu từ năm 2018 – 2021 dao động trong khoảng 3,7 – 5 lần. Năm 2022, tỷ lệ này giảm về 2%, nguyên nhân là do vốn đầu tư chủ sở hữu "bất ngờ" tăng vọt lên gần 3.200 tỷ đồng.

Cùng với đó, nợ phải trả tại ngày 31/12 nhiều năm liền chiếm trên 80% tổng tài sản của doanh nghiệp, cuối năm 2022 tỷ lệ này là 73,5%.

Tất nhiên, việc sử dụng đòn bẩy tài chính đã giúp CC1 nâng tổng tài sản lên gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu. Thế nhưng, trong khi doanh nghiệp tích cực vay nợ, lại có một phần vốn lớn bị chiếm dụng.

Biểu hiện, các khoản phải thu và các khoản trả trước cho người bán tại thời điểm 31/12 nhiều năm liền duy trì ở con số hàng nghìn tỷ đồng. Chỉ tính 2 khoản gồm phải thu ngắn hạn của khách hàng và trả trước ngắn hạn (cho người bán) cuối năm 2018 vào khoảng 2.800 tỷ đồng, tăng dần lên 3.300 tỷ đồng (năm 2019), hơn 4.000 tỷ (năm 2020, 2021), đến 31/12/2022 con số này là 6.091 tỷ đồng – cao gấp 2,7 lần so với khoản mục nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn tại cùng thời điểm.

Chưa hết, tài sản thanh toán (phải thu ngắn hạn + phải thu dài hạn + thuế) những năm gần đây theo thống kê của Dân Việt luôn cao hơn nguồn vốn thanh toán (tổng nguồn vốn – vốn vay – vốn chủ sở hữu). 

Đây là dấu hiệu về việc doanh nghiệp bị chiếm dụng vốn??! Điều này kéo dài sẽ khiến doanh nghiệp phải phát sinh thêm/tổn thất về chi phí tài chính.

Lộ diện "sức khỏe" của CC1 và "bạn đồng hành" trúng thầu cao tốc Bắc – Nam - Ảnh 6.

trong số 25 gói thầu đầu tiên thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (Mã: CC1) là doanh nghiệp có giá trị các gói thầu tham gia thực hiện cao nhất.

Sức khỏe "bạn đồng hành" của CC1

Quay trở lại với các gói thầu có sự tham gia của CC1 tại dự án cao tốc Bắc – Nam. Nằm trong liên danh của CC1 trúng thầu gồm có Công ty CP Tập đoàn Thuận An, Tổng Công ty Công trình Đường Sắt, Công ty Cổ phần Hải Đăng, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty Cổ phần Xây dựng Trung Nam 18 E&C,…

Thông tin tài chính của các doanh nghiệp này gần như không được công bố rộng rãi. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Dân Việt trong số các doanh nghiệp kể trên vẫn có doanh nghiệp có chỉ tiêu tài chính "khiêm tốn".

Đơn cử như Công ty Cổ phần Xây dựng Trung Nam 18 E&C giai đoạn 2017 – 2021, doanh thu lần lượt đạt 437 tỷ đồng, 375 tỷ đồng, 542 tỷ đồng, 782 tỷ đồng và 1.551 tỷ đồng.

Tuy nhiên, doanh thu tăng nhưng lợi nhuận có chiều hướng "bé" lại. 

Từ mức lợi nhuận 4 tỷ (năm 2017), năm 2018 doanh nghiệp này lỗ tới 7 tỷ đồng. Các năm sau đó, doanh nghiệp báo lãi lần lượt 4 tỷ và 1 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, đến năm 2021 khi doanh thu của doanh nghiệp cán mốc doanh thu nghìn tỷ đồng thì lợi nhuận đạt được chỉ 108 triệu đồng. Như vậy, tỷ suất lợi nhuận/doanh thu năm này "tí hon" 0,007%.

Nợ gấp từ 4,5 lần – 7,1 lần vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/12 các năm 2018 – 2021. Thậm chí, tỷ lệ nợ/vốn chủ còn lên tới gần 29 lần vào cuối năm 2017.

Rõ ràng, với những gì đang thể hiện, phần nào thấy được sức khoẻ của nhóm liên danh gói thầu dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam. Chưa rõ nhóm liên danh sẽ điều chỉnh sức khoẻ của mình thế nào để đảm bảo tiến độ của gói thầu thành phần dự án cao tốc Bắc – Nam.