Ngày 4/3 vừa qua, Bộ Công Thương phối hợp UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị phát triển dịch vụ logistic tỉnh Quảng Ninh với sự tham gia của những chuyên gia, doanh nghiệp để thảo luận các giải pháp phát triển lĩnh vực kinh tế quan trọng này.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, địa phương xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Do vậy, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư logistics đi đôi với đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật hiện đại.
Hiện, đã có nhiều nhà đầu tư đến với tỉnh nghiên cứu đầu tư phát triển dịch vụ logistics, như: Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn T&T, Tập đoàn Bến Thành, Vinacomex, Đông Dương Group...
Nhiều dự án cảng biển, logistics đã và đang được đầu tư như: Bến cảng cao cấp Ao Tiên (Vân Đồn); Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh giai đoạn 1 (TP.Móng Cái); Cảng Yên Hưng (TX.Quảng Yên)…
Qua thống kê, đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 738/17.300 doanh nghiệp của tỉnh tham gia vào hoạt động dịch vụ logistics, trọng điểm là hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đường bộ và 23 đại lý tàu biển, 10 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ lai dắt và hỗ trợ kéo tàu biển. Doanh thu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ vận tải, kho bãi năm 2022 toàn tỉnh đạt trên 37.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo các Hiệp hội, Viện nghiên cứu, doanh nghiệp cung cấp và sử dụng dịch vụ logistics, việc phát triển hoạt động logistics tại tỉnh Quảng Ninh còn gặp nhiều hạn chế, điểm nghẽn trong phát triển logistics.
Cụ thể, theo Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam, kết cấu hạ tầng cảng biển Quảng Ninh chưa đa dạng về hạ tầng cảng biển và cự ly kết nối sau cảng với các địa phương còn xa nên chưa thu hút được hàng hóa qua hệ thống cảng biển của tỉnh.
Bên cạnh đó, hoạt động dịch vụ cảng biển và logistic (đường bộ, đường biển) chưa có tiến triển rõ nét, nguồn thu từ dịch vụ xếp dỡ hàng hóa, vận tải nội địa chưa tương xứng với lượng hàng hóa xuất qua cảng; nguồn hàng còn thiếu hụt về "chân hàng".
Nguồn nhân lực còn thiếu, chất lượng chưa cao; tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp còn thấp; hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động logistics chưa đồng bộ, chưa quy định rõ ràng; hoạt động chuyển đổi số còn yếu,...
Còn ông Lê Quang Trung - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam nhận xét, việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng cảng biển ở Quảng Ninh còn trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước, không chủ động nguồn bên ngoài.
Nhóm các nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cảng biển và hạ tầng phụ trợ cảng biển; hỗ trợ các chủ tàu, chủ hàng, chủ cảng mở các tuyến vận tải hàng hóa đến, đi tại cảng biển của tỉnh vẫn chưa được triển khai.
Công tác phối hợp, xúc tiến đầu tư chưa có giải pháp đột phá, dẫn đến chưa thu hút được nhiều các tập đoàn, nhà đầu tư lớn có thương hiệu về cảng biển và các hãng tàu uy tín đến Quảng Ninh để hợp tác kinh doanh. Các giải pháp liên kết, tiêu thụ, giao nhận, vận chuyển hàng hóa từ các địa phương khác về Quảng Ninh thông qua cảng biển chưa có nhiều đổi mới, một số cảng chưa phát huy được hết công suất.
Tại hội nghị, các lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã hết sức lắng nghe và tiếp thu những ý kiến phát biểu chỉ đạo của Bộ trưởng, lãnh đạo đại diện các bộ, ngành Trung ương, phát biểu của các nhà quản lý, các chuyên gia, các hiệp hội, doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận hội nghị, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết, để vượt qua những khó khăn, thách thức, hạn chế, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển dịch vụ logistic, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics.
Trong đó, Quảng Ninh đặc biệt chú trọng phát triển về hạ tầng, nguồn nhân lực cũng như có các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh.
Về cơ chế chính sách, Quảng Ninh sẽ tập trung xây dựng cơ chế, chính sách với tư duy mở, cơ chế vượt trội, có ý nghĩa tạo đột phá cho phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; phát triển Quảng Ninh là trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN.
Về cơ sở hạ tầng, tỉnh Quảng Ninh sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng biển như Vạn Ninh, kêu gọi đầu tư vào cảng Con Ong - Hòn Nét, hạ tầng các KCN cảng biển Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong, Đầm Nhà Mạc (TX.Quảng Yên), cảng biển Hải Hà (huyện Hải Hà); hệ thống đường bộ liên kết vùng với Bắc Giang, Lạng Sơn, Hải Dương, đặc biệt là TP.Hải Phòng...
Đồng thời, tỉnh sẽ khai thác, phát huy hiệu quả mạng lưới đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái; kiến nghị với cấp có thẩm quyền cấp phép cho tỉnh Quảng Ninh khai thác thêm các đường bay quốc tế; công khai quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng các trung tâm logistics, ưu tiên xây dựng hệ thống kho bãi, kho lạnh, kho mát cho hàng hóa nông sản, thủy sản tại các cửa khẩu biên giới...
Về nguồn nhân lực, tỉnh Quảng Ninh sẽ đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp; chủ động bổ sung và nâng cao chất lượng đào tạo đối với lĩnh vực logistics một cách bài bản và chuyên sâu, tăng cường liên kết với các cơ sở đào tạo có uy tín, kinh nghiệm về logistics trong và ngoài nước.
Tỉnh Quảng Ninh sẽ có chính sách ưu đãi bồi dưỡng đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với tăng nhanh quy mô và chất lượng dân số; kết hợp việc phát triển nguồn nhân lực của tỉnh với chính sách thu hút đầu tư và phát triển logistics; tận dụng các cơ hội đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế...
Quảng Ninh có 738/17.300 doanh nghiệp của tỉnh tham gia vào hoạt động dịch vụ logistics, trọng điểm là hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đường bộ và 23 đại lý tàu biển, 10 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ lai dắt và hỗ trợ kéo tàu biển. Doanh thu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ vận tải, kho bãi năm 2022 toàn tỉnh đạt trên 37.500 tỷ đồng.
Ngoài các giải pháp trên, Quảng Ninh cũng sẽ chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính để giảm chi phí, thời gian tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp logistics.
Quảng Ninh cũng sẽ áp dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực thông quan hàng hóa, phương tiện, con người, giảm chi phí dịch vụ vận tải; phát triển thương mại điện tử trong hoạt động logistics, phát triển sàn giao dịch logistics. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tận dụng tối đa cơ hội phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trọng tâm là Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, Khu kinh tế Vân Đồn, khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.
"Trên cơ sở ý kiến tham gia, đóng góp của các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ninh sẽ chỉ đạo Xây dựng Đề án Chiến lược nâng cao năng lực và phát triển logistics của tỉnh Quảng Ninh và Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển dịch vụ logistic năm 2023 để tổ chức triển khai trong toàn tỉnh"- quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh.