Sáng 7/3, trao đổi với phóng viên Dân Việt về tình trạng hơn 1.000 hộ dân xã Yên Mạc (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), nhiều năm nay phải sử dụng nước sông, giếng khoan, nước mưa...để sinh hoạt.
Hộ bà Hoàng Thị Lâm (xóm 4 Đông Sơn, xã Yên Mạc), hiện đang dùng nước giếng khoan để nấu ăn hàng ngày. Ảnh: Vũ Thượng
Ông Phạm Quốc Đạt-Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Mô bất ngờ: "Làm gì có chuyện hơn 1.000 hộ dân xã Yên Mạc đang dùng nước sông, giếng khoan, nước mưa…để sinh hoạt. Chúng tôi chưa thấy xã Yên Mạc báo cáo về việc này, và qua các kỳ họp Hội đồng nhân dân cũng không thấy xã nhắc tới".
Còn hộ bà Phạm Thị Hải (xóm 4, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), phải bơm nước sông về lọc để sử dụng. Ảnh: Vũ Thượng
"Còn nếu có chuyện người dân Yên Mạc "khát" nước sạch, thì chỉ một số ít hộ dân nhà ở quá xa khu nhà máy nước sạch nên đường ống nước chưa dẫn tới thôi. Tôi sẽ trực tiếp về kiểm tra…nếu có việc hơn 1.000 hộ dân "khát" nước sạch, chúng tôi sẽ xử lý luôn", ông Đạt quả quyết.
Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Mô, Phạm Quốc Đạt cho biết thêm: "Huyện Yên Mô đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020, làm gì có chuyện người dân thiếu nước sạch sử dụng hằng ngày. Giờ tôi sẽ xuống xã Yên Mạc làm việc, kiểm tra luôn và sớm thông tin cho quý báo cùng độc giả nắm được".
Xã Yên Mạc (huyện Yên Mô) về đích nông thôn mới năm 2018, nhưng hiện có 1.100 hộ dân hàng ngày dùng nước sông, giếng khoan…để sinh hoạt. Việc người dân dùng nguồn nước không đảm bảo an toàn vệ sinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật.
Công trình cấp nước sạch thuộc xã Yên Mạc quản lý với công suất nhỏ, xây dựng lâu...nay có dấu hiệu xuống cấp. Ảnh: Vũ Thượng
Trước đó, Báo Dân Việt có bài viết "Ninh Bình: Hơn 1.000 hộ dân xã đạt chuẩn nông thôn mới “khát” nước sạch", qua phản ánh nhiều năm nay, nhiều hộ dân xã Yên Mạc (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), phải sống trong tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt hàng ngày.
Đặc biệt, vào thời điểm mùa khô, nước sông xuống thấp, tình trạng thiếu nước sinh hoạt của nhiều hộ dân xã Yên Mạc lại càng nghiêm trọng hơn.
Được biết, xã Yên Mạc có khoảng 2.500 hộ dân sinh sống, trong đó có tới 1.100 hộ dân không có nước sạch để dùng, phải tận dụng nước từ các nguồn giếng, bể nước mưa, sông hoặc phải mua nước bình để sử dụng. Khó khăn hơn là nhiều hộ dân mất tiền, mất công khoan giếng nhưng vẫn không có nước sạch.