Nuôi cá chạch gì mà không rúc bùn, một anh nông dân ở Ninh Bình lãi 2 tỷ?
Nuôi loài cá không vảy dày đặc khó tả, một anh nông dân ở Ninh Bình lãi 2 tỷ
Vũ Thượng
Thứ hai, ngày 27/02/2023 13:00 PM (GMT+7)
Với diện tích 20 ha thuê, thầu ông Vũ Đức Thiện (xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), đã đầu tư xây dựng mô hình nuôi con cá chạch sụn đặc sản khoảng 10 ha. Nhờ việc nuôi cá chạch sụn dày đặc, ít bệnh, tỷ lệ sống cao...năm vừa qua ông Thiện thu hoạch khoảng 300 tấn, trừ chi phí lãi 2 tỉ đồng.
Nuôi cá chạch sụn năng suất gấp 4-6 lần cá truyền thống
Hiện tại mô hình nuôi con cá chạch sụn của hộ ông Vũ Đức Thiện có địa chỉ xã Yên Mạc (huyện Yên Mô), đây là mô hình nuôi cá chạch sụn quy mô lớn nhất tỉnh Ninh Bình.
Đồng thời, mô hình nuôi cá chạch sụn này cũng là địa chỉ tin cậy để người dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi con cá chạch thành công.
Clip: Cận cảnh ao cá chạch sụn "khủng" ở xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình
Ông Vũ Đức Thiện (xã Yên Thành, huyện Yên Mô) cho biết: "Tôi bắt đầu nuôi con chạch sụn từ năm 2019, đây là loài cá ít bị bệnh, tiện chăm sóc, nhưng đem lại kinh tế cao,…Bình quân mỗi năm với diện tích 10 ha, tôi thu hoạch khoảng 300 tấn cá chạch thương phẩm, trừ mọi chi phí cũng lãi 2 tỉ đồng".
Anh Tô Văn Mạnh chỉ tay về phía ao nuôi cá chạch sụn rộng 10 ha (xã Yên Mạc, huyện Yên Mô). Ảnh: Vũ Thượng.
"Nuôi con cá chạch sụn có những ưu thế như: Trong quá trình nuôi có mất điện thì không lo cá bị ngạt khí, thị trường bán cá trong nước, nước ngoài đều được…Sau nhiều năm nuôi con cá chạch sụn tôi nhận định năng suất gấp từ 4-6 lần nuôi cá truyền thống".
Hiện tại với diện tích 20 ha (xã Yên Mạc, huyện Yên Mô), ông Thiện để riêng 10 ha nuôi con chạch sụn đặc sản, quanh các ao nuôi được ông kè kiên cố. Đặc biệt, phía trên ao nuôi ông Thiện căng một số loại cước trắng nhằm "hù dọa" loài chim, cò chuyên đến ăn cá chạch.
Kỹ thuật nuôi con cá chạch sụn thành công
Dẫn phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, đi tham quan khu vực nuôi cá chạch sụn, anh Tô Văn Mạnh (kỹ thuật, được ông Thiện tuyển về làm việc) chia sẻ: "Để nuôi con cá chạch sụn thành công thì phải qua nhiều công đoạn, từ khâu thiết kế ao, lượng nước, chọn giống, chăm sóc cá chạch thương phẩm…".
Anh Tô Văn Mạnh chia sẻ kỹ thuật nuôi con cá chạch sụn thành công. Ảnh: Vũ Thượng
Theo anh Mạnh, bà con nông dân có ý định nuôi con cá chạch sụn để phát triển kinh tế gia đình thì đầu tiên phải xử lý ao nuôi, tung vôi bột dưới đáy ao và phơi khô từ 5-7 ngày. Đồng thời, xử lý bờ ao nuôi cá chạch kiên cố, tránh cá thất thoát ra bên ngoài.
Tiếp theo tiến hành đưa nước vào ao phải đảm bảo không bị ô nhiễm, nước cấp vào ao sâu khoảng 1,2 mét, và diệt khuẩn ao nuôi, cũng như nuôi cấy vi sinh…Sau 5 ngày mới thả cá hương (cá chạch), mật độ khoảng 130 con cá hương/m2.
Giai đoạn đầu nuôi cá hương chủ yếu cho ăn cám bột, thời gian cho ăn ngày 3 lần (sáng, trưa, chiều), cho ăn lượng vừa đủ theo trọng lượng của cá tránh dư thức ăn gây ô nhiễm nguồn nước.
Trong quá trình nuôi con cá chạch sụn cần tổ chức diệt khuẩn, cấy vi sinh từ 7-10 ngày/lần, và kết hợp thay nước mới cho ao nuôi nhằm giảm dịch bệnh, cá lớn nhanh…
Đối với mùa hè thời gian nuôi con cá chạch sụn khoảng 3 tháng là bắt bán, còn mùa đông kéo dài gần 5 tháng. Trọng lượng cá chạch sụn đạt 60-70 con/kg, giá bán bình quân 65.000 đồng/kg.
Được trao giải 3 "Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật Nhà nông toàn quốc"
Ông Vũ Đức Thiện (xã Yên Thành, huyện Yên Mô), từng được trao giải 3 "Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật Nhà nông toàn quốc" lần thứ IX năm 2022, do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.
Cụ thể, ông Thiện đã tự mày mò, nghiên cứu và có sáng kiến cải tiến kỹ thuật sử dụng máng cho ăn trong việc nuôi con cá chạch sụn thương phẩm. Sau hơn 2 năm áp dụng, sáng kiến đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nâng cao thu nhập cho người nuôi cá chạch sụn.
Trong quá trình cho con cá chạch sụn ăn, trước kia thường rải thủ công khắp ao. Cá chạch sụn là đối tượng nuôi ăn nổi, ăn tạp…do vậy tính cạnh tranh thức ăn của cá rất lớn.
Đồng thời, cho con cá chạch sụn ăn theo phương thức cũ sẽ khó khăn trong việc kiểm soát đủ lượng thức ăn cung cấp cho cá nuôi. Ngoài ra, sử dụng phương pháp cũ sẽ mất nhiều công lao động, làm giảm hiệu quả kinh tế.
Từ đó, ông Vũ Đức Thiện đã mày mò, nghiên cứu và đưa vào áp dụng giải pháp sử dụng máng cho ăn trong việc nuôi con cá chạch sụn thương phẩm. Sau khi áp dụng cho thấy, việc sử dụng máng cho cá ăn sẽ giảm được công lao động, do không phải thuê nhân công rải thức ăn theo bữa đã được quy định và đặc biệt là giúp cá ăn no đều.
Ông Vũ Đức Thiện cho biết: "Sau khi áp dụng sáng kiến máng ăn cho cá chạch sụn, khi thu hoạch, tỷ lệ cá loại I đạt trên 85%, giúp mô hình nuôi tăng hiệu quả kinh tế khoảng 20% so với sử dụng phương thức cũ. Bên cạnh đó, sử dụng máng ăn cho cá thức ăn dư thừa không còn, tránh lãng phí, chất lượng môi trường nước trong ao nuôi ổn định...".
Ông Hoàng Trọng Hưng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Mạc cho biết: "Mô hình nuôi cá con cá chạch sụn hộ ông Vũ Đức Thiện rất hiệu quả, đang tạo công việc cho nhiều lao động ở địa phương. Mô hình cũng là điểm tham quan, mua giống chạch sụn uy tín. Hiện, ông Vũ Đức Thiện là Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Hưng Thịnh Green Farm, hợp tác xã được thành lập tháng 10/2022, có 7 thành viên là các hộ nuôi trồng thủy sản tại xã Yên Mạc (huyện Yên Mô).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.