Thời gian qua, thị trường bất động sản TP.HCM dường như tê liệt vì thiếu dòng tiền và điểm nghẽn pháp lý khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư và cả người mua hàng lao đao.
Từ đầu quý 1/2023, các giải pháp khơi thông thị trường bất động sản được các bộ, ngành, địa phương triển khai theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại "Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững" vừa qua sẽ là đòn bẩy lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư.
Ngày 5/3, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08 Sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Theo tính toán của các đơn vị, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đáo hạn trong hai năm 2023 - 2024 khoảng 230.000 tỷ đồng, trong đó năm 2023 có khoảng 119.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh thanh khoản thị trường yếu, doanh nghiệp khó khăn về nguồn vốn, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định, Nghị định 08 sẽ tác động rất tích cực và hiệu quả đến việc xử lý 119.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn trong năm nay.
Theo HoREA, Nghị định số 08 là căn cứ pháp luật để doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện đàm phán với các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân về kéo dài kỳ hạn của trái phiếu trong thời gian tối đa không quá hai năm hoặc thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện, tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và bảo vệ quyền lựa chọn của trái chủ thiểu số.
Chủ tịch HoREA đánh giá đây là quyết định rất cần thiết góp phần củng cố niềm tin vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tháo gỡ được vướng mắc, ách tắc cả về đầu vào và đầu ra của thị trường trái phiếu.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ ban hành nghị quyết trong đó tiếp tục cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, tập trung các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn. Mục tiêu của nghị quyết nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thể chế, tổ chức thực hiện và nguồn vốn cho thị trường bất động sản.
Với nguồn vốn tín dụng, dự thảo nghị quyết đề xuất giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn (doanh nghiệp, dự án bất động sản phục vụ tiêu dùng, sản xuất, công nghiệp, du lịch, nghỉ dưỡng,...); đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Dự thảo nghị quyết cũng yêu cầu bám sát tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản và có những giải pháp kịp thời để đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững. Ưu tiên xem xét cho vay đối với các dự án bất động sản phục vụ tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, có hiệu quả, thanh khoản tốt như nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, văn phòng cho thuê, bất động sản phục vụ sản xuất, công nghiệp. Có biện pháp giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản...
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá dưới các tác động tích cực từ mặt chính sách, thị trường bất động sản gần đây đã rục rịch giao dịch trở lại. Mặc dù giao dịch chưa thể sôi động ngay nhưng cho thấy thị trường đang dần có dấu hiệu vực dậy niềm tin của nhà đầu tư.