Bất động sản đóng băng, nhiều sàn giao dịch tại TP.HCM chấm dứt hoạt động

Hồng Trâm Thứ hai, ngày 06/03/2023 09:03 AM (GMT+7)
Thị trường bất động sản TP.HCM dường như "tê liệt" dưới ảnh hưởng của thắt chặt tín dụng và điểm nghẽn pháp lý. Nhiều sàn giao dịch bất động sản đã phải chấm dứt hoạt động vì thiếu dòng tiền để duy trì.
Bình luận 0

Môi giới bất động sản lao đao

Thời gian qua, thị trường lao dốc khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM đang phải gồng mình với khó khăn chồng chất. Dự án mới không có, thị trường trầm lắng khiến hầu hết các môi giới bất động sản đứng ngồi không yên.

Theo đó, khá nhiều môi giới bất động sản rơi vào tình cảnh không có giao dịch và chịu cảnh chi phí quảng cáo vẫn bỏ ra nhưng không bán được hàng hoặc lượng hàng chốt được không đáng kể. Đã vậy, doanh nghiệp môi giới còn chịu thêm áp lực trả lương cho nhân viên cùng nhiều khoản chi phí để duy trì hoạt động. 

Nhiều môi giới cho biết họ phải trải qua kỳ nghỉ Tết kỷ lục vì đến tận tháng 3/2023 vẫn chưa được đi làm. Ghi nhận cho thấy, sau Tết Nguyên đán, hoạt động đầu tư, môi giới vẫn khá trầm lắng. Ông Trần Quốc Khánh - giám đốc một sàn môi giới tại quận 12 (TP.HCM) cho hay nhiều nhân viên môi giới của công ty đã bỏ nghề, một số đội, nhóm tan rã do không "trụ" được sau nhiều tháng không phát sinh giao dịch.

Bất động sản "đóng băng", nhiều sàn giao dịch tại TP.HCM chấm dứt hoạt động - Ảnh 1.

Môi giới bất động sản tại TP.HCM chật vật vì không bán được hàng. Ảnh: H.T

"Chúng tôi đang cố gắng cầm cự chứ thực tế không bán được hàng. Nhiều anh em không thể bám trụ vì không có tiền hoa hồng bán sản phẩm đã phải chuyển hướng sang các ngành nghề khác. Bản thân ban lãnh đạo công ty cũng đứng ngồi không yên vì phải gồng gánh chi phí vận hành bộ máy", ông Khánh cho hay.

Trong bối cảnh khó khăn, nhiều nhân viên môi giới phải bỏ nghề, tìm công việc khác hoặc làm song song nhiều nghề để kiếm nguồn thu khi thị trường giảm tốc. Anh Nguyễn Mẫn - một môi giới bất động sản tự do tại khu Đông, TP.HCM đã chuyển nghề sang bán bảo hiểm để có chi phí trang trải cuộc sống. 

Anh Mẫn cho hay, thời gian qua, khách đầu tư đi xem đất khá vắng. Có thời điểm, anh phải xoay sở vay tiền để lo cho cuộc sống hiện tại. Bởi vậy, anh quyết định chuyển nghề vì không thể cầm cự, gắng bó với bất động sản.

"Nhớ lại những năm trước, vừa ra Tết là khách hàng đã chủ động liên hệ để đi xem đất, xem căn hộ... Có tuần, tôi chốt giao dịch thành công với 3-4 khách. Còn bây giờ thì cả mấy tháng trời rao hàng không ai mua, khách có gọi tới hỏi giá xong lại "lặn" mất. Thử hỏi làm sao môi giới chúng tôi có thể sống được với nghề", anh Mẫn chia sẻ.

Nhiều sàn bất động sản chấm dứt hoạt động

Sự trầm lắng của thị trường bất động sản trong nhiều tháng qua đã khiến các sàn môi giới lần lượt giải thể, thậm chí có sàn buộc phải dừng hoạt động chỉ sau 8 tháng hoạt động.

Được biết, Sở Xây dựng TP.HCM vừa công khai thông tin hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn. Theo đó, cơ quan này cho biết hiện trên địa bàn thành phố có 59 sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động, giảm một sàn so với thời điểm giữa tháng 1.

Bất động sản "đóng băng", nhiều sàn giao dịch tại TP.HCM chấm dứt hoạt động - Ảnh 3.

Nhiều sàn giao dịch bất động sản tại TP.HCM phải chấm dứt hoạt động. Ảnh: H.T

Bên cạnh đó, đơn vị cũng công bố thông tin chấm dứt hoạt động của 9 sàn giao dịch. Trong đó, ngoài 6 sàn giao dịch được Sở Xây dựng TP công bố trong tháng đầu năm, cơ quan này cập nhật thêm 3 sàn dừng hoạt động.

Cụ thể, các sàn này bao gồm: Sàn giao dịch bất động sản Vieland của Công ty TNHH Dịch vụ bất động sản Vieland (quận 3), thành lập tháng 4/2021; Sàn giao dịch bất động sản Goland của Công ty CP Đầu tư Phát triển quỹ đất Goland (quận 1), thành lập tháng 3/2019; Sàn giao dịch bất động sản Kim Cúc Land của Công ty CP Đầu tư Kim Cúc Land (quận Bình Thạnh), thành lập tháng 5/2022.

Trước đó, cuối tháng 10/2022, Sở Xây dựng TP.HCM đã ban hành kế hoạch kiểm tra tình hình chấp hành quy định pháp luật của các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn TP.HCM nhằm tăng cường kiểm tra, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản; tuyên truyền, hướng dẫn các sàn giao dịch bất động sản chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Có 61 sàn giao dịch bất động sản được kiểm tra về điều kiện thành lập sàn theo Điều 69 Luật Kinh doanh bất động sản; việc công khai thông tin, nội dung công khai thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh theo Điều 6 Luật Kinh doanh bất động sản…

Bất động sản "đóng băng", nhiều sàn giao dịch tại TP.HCM chấm dứt hoạt động - Ảnh 4.

Thị trường địa ốc dự sẽ còn diễn ra quá trình thanh lọc nhân sự mạnh mẽ. Ảnh: H.T

Ông Phạm Lâm - Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, xác nhận thống kê chưa đầy đủ khu vực TP.HCM và các tỉnh phía Nam, đến giữa tháng 12, ước tính có khoảng hơn 50% lượng môi giới làm việc bài bản các công ty phân phối bất động sản đã rời thị trường dù năm ngoái lượng đào thải khá lớn. Nếu tính cả nhóm môi giới nhỏ lẻ, hoạt động tự phát, không chuyên nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp có thể cao hơn.

Theo ông Lâm, do các chủ đầu tư dự án bất động sản gặp khó khăn về tài chính, không thể tất toán phí môi giới (chi phí bán hàng) cho đơn vị phân phối đã dẫn đến phân khúc thị trường lao động này bị xáo trộn mạnh cuối năm 2022.

"Nhân sự môi giới bất động sản vẫn biến động hàng năm, giảm trong mùa thấp điểm, tăng trong mùa cao điểm nhưng năm nay quá trình thanh lọc nhân sự diễn ra mạnh hơn vì ngay cả mùa cao điểm thị trường địa ốc cũng trầm lắng kéo dài", ông Lâm cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem