Dân Việt

Bắc Hà, Lào Cai: Đây là cách để tạo việc làm bền vững cho người nghèo

Thùy Anh 09/03/2023 06:00 GMT+7
Là một trong 4 huyện nghèo cùng cực của tỉnh Lào Cai, để giảm nghèo nhanh, bền vững, tỉnh xác định hoạt động tạo việc làm bền vững tăng thu nhập là kênh giảm nghèo chính.

Chú trọng tạo việc làm bền vững cho lao động nghèo

Theo thống kê, huyện Bắc Hà có hơn 41 nghìn lao động, tuy nhiên, trong số này chỉ có hơn 13 nghìn lao động được đào tạo nghề (chiếm hơn 31% tổng số lao động). Tạo việc làm bền vững, xóa đói giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của địa phương.

Bắc Hà được biết đến bởi có nhiều yếu tố thổ nhưỡng thuận lợi cho làm nông nghiệp. Bởi vậy, huyện đã xây dựng được nhiều mô hình điểm như: Mô hình trồng cây dược liệu, mô hình trồng rau an toàn; mô hình làm du lịch cộng đồng...

tạo việc làm bền vững

Mô hình trồng dược liệu là mô hình tạo việc làm bền vững cho người dân trong đó có người nghèo ở Bắc Hà. Ảnh: Khuất Linh

Bà Lê Thị Tình, một chủ hộ đang trồng dược liệu tại Bắc Hà cho hay: "Trước đây gia đình tôi làm nương kinh tế khó khăn làm. Làm mấy xào ngô, khoai không đủ ăn, các con không có tiền đi học. Từ ngày chuyển qua trồng dược liệu gia đình bớt khó khăn, nhà tôi đã thoát nghèo. Giờ mỗi năm cũng tiết kiệm được vài chục triệu đồng".

Bà Tình cho biết thêm, trước khi trồng cây dược liệu, bà được cán bộ xã, cán bộ huyện mời đi tập huấn kỹ thuật, được khảo sát nhu cầu tìm việc làm. Vì tuổi cũng nhiều (47 tuổi), nhà lại đông con nên bà quyết định ở lại quê nhà làm kinh tế nông nghiệp thay vì đi xin việc ở khu công nghiệp.

Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Lê Văn Khiêm - Trưởng phòng lao động huyện Bắc Hà (Lào Cai) cho biết, mô hình trồng cây dược liệu là mô hình điểm đã được triển khai tại nhiều xã thuộc huyện Bắc Hà và đang cho hiệu quả tích cực.

Hiện toàn huyện có 258 héc ta trồng cây dược liệu chủ yếu là cây cắt cánh; cây dương quy cho hiệu quả cao. Đây là sản xuất dược liệu theo chuỗi giá trị, được doanh nghiệp ký kết hợp tác bao tiêu sản phẩm.

"Đây là một trong những mô hình điểm, tạo việc làm bền vững mang lại hiệu quả cao cho lao động địa phương nhất là lao động yếu thế, lao động nghèo. Thời gian tới huyện sẽ tập trung nhiều giải pháp hỗ trợ lao động hơn nữa", ông Khiêm nói

Huyện Bắc Hà phấn đấu, trong năm 2023, số lao động được giải quyết việc làm mới trên 1.380 lao động, phấn đấu mỗi hộ gia đình ở nông thôn có ít nhất một lao động đi làm công việc có thu nhập ổn định. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 57%, trong đó tỷ lệ lao động được cấp văn bằng chứng chỉ 35,6%. Hằng năm thu hút trên 500 nghìn lượt khách du lịch tới tham quan, khám phá tại Bắc Hà.

Giải pháp tạo việc làm bền vững cho lao động

Hiện nay thực hiện nội dung "Tạo việc làm bền vững" trong chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo, huyện đã kết hợp với trung tâm dịch vụ việc làm Lào Cai tổ chức các buổi thu thập thông tin dữ liệu thị trường lao động, thống kê dữ liệu và kết nối người tìm việc, việc tìm người.

Ngoài ra, huyện Bắc Hà cũng phối hợp với trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức các buổi tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động. Trong đó có cả giới thiệu việc làm trong nước và việc làm ngoài nước cho lao động. Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm hỗ trợ lao động tiếp cận thông tin về thị trường lao động việc làm có mức thu nhập ổn, định, an toàn cho người lao động, nhất là lao động nghèo.

Bắc Hà, Lào Cai: Đây là cách để tạo việc làm bền vững cho người nghèo - Ảnh 3.

Tất cả các sản phẩm cây dược liệu đều được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bắc Hà phối hợp cùng doanh nghiệp thu mua. Ảnh: K.L

Ông Lê văn Khiêm cho biết, Huyện Bắc Hà là huyện nghèo, nhưng số lao động tham gia thị trường lao động rất lớn. 9 tháng đầu năm 2022 đã có trên 6.000 lao động tham gia vào các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước, tập trung ở một số tỉnh như: Bình Dương; TP Hồ Chí Minh; Bắc Giang; Hải Phòng, Vĩnh Phúc...

Ông Khiêm cũng cho biết thêm, qua tổng hợp thì thấy hộ nghèo tham gia đi làm việc ở tỉnh ngoài rất cao. Huyện sẽ tích cực vận động để nâng cao năng lực, tư duy cho người lao động. Giúp lao động thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp. Theo điều tra, khảo sát, huyện có khoảng trên 11.000 lao động có thể tham gia thị trường lao động trong thời gian tới.

"Vừa qua huyện đã làm việc với các sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương; Bắc Giang... để đưa lao động ở huyện tới các khu công nghiệp ở các tỉnh này làm việc. Ngoài ra chúng tôi cũng đẩy mạnh tư vấn giới thiệu việc làm ngoài nước cho lao động đi xuất khẩu. Đây là kênh tạo việc làm bền vững, thu nhập cao, giúp lao động giảm nghèo hiệu quả", ông Khiêm nói.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc miền núi, huyện cũng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để hoàn thành các chỉ tiêu liên quan tới việc làm. Hy vọng tới năm 2025, các chỉ tiêu về việc làm, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững huyện cũng sẽ đạt được.

Thu nhập bình quân của người dân huyện Bắc Hà hiện nay là trên 30 triệu đồng/người/năm. Hiện tại tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của huyện Bắc Hà là trên 71%, huyện phấn đấu mỗi năm giảm từ 8 đến 8,8% hộ nghèo.