Tại hội nghị Phòng chống dịch bệnh động vật năm 2023 diễn ra tại TP.HCM, TS Phan Văn Minh - Trưởng phòng dịch tễ, Cục Thú y đã có báo cáo sơ bộ về tình hình dịch bệnh trên động vật 2 tháng đầu năm 2023.
Theo đó, đối với dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), từ đầu năm đến ngày 7/3, cả nước đã xảy ra 68 ổ dịch tại 22 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 2.984 con lợn. So với cùng kỳ năm 2022, số tỉnh có dịch giảm 50%, số ổ dịch giảm 87,4%, số lợn bị phải tiêu hủy tại các ổ dịch giảm gần 87,95%.
Về bệnh cúm gia cầm (CGC) TS Phan Văn Minh cho biết, từ đầu năm đến ngày 7/3, cả nước đã xảy ra 4 ổ dịch CGC A/H5N1 tại 4 huyện của 4 tỉnh. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 6.569 con. So với cùng kỳ năm 2022, số ổ dịch giảm 33,33%, số gia cầm bị dịch phải tiêu hủy giảm hơn 71,26%.
Đối với bệnh lở mồm long móng (LMLM), từ đầu năm đến ngày 7/3, cả nước phát sinh 4 ổ dịch tại 3 huyện của 3 tỉnh, thành phố: Cao Bằng, Lạng Sơn và Phú Yên. Số gia súc mắc bệnh là 84 con, số gia súc tiêu hủy là 4 con. Hiện nay, cả nước không có dịch bệnh LMLM.
So với cùng kỳ năm ngoái, bệnh LMLM trong 2 tháng đầu năm 2023 có xu hướng tăng, nguy cơ dịch bệnh LMLM tái phát và phát sinh là rất cao. Theo TS Minh, nguyên nhân là do vi rút LMLM tồn tại lâu ngoài môi trường, đặc biệt ở các địa phương có ổ dịch cũ; đường lây truyền bệnh phức tạp và khó kiểm soát. Chăn nuôi hộ gia đình, nhỏ lẻ, mật độ rất cao, chưa áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh.
Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò (VDNC) từ đầu năm đến ngày 7/3 phát sinh 18 ổ dịch tại 5 tỉnh, thành phố. Số gia súc mắc bệnh là 113 con, số gia súc buộc tiêu hủy 10 con trâu, bò. So với cùng kỳ năm 2022, số tỉnh bị dịch bệnh VDNC giảm 37,5%, số ổ dịch giảm 87,5%, số gia súc mắc bệnh giảm 93,52%, số gia súc chết và tiêu hủy giảm 97,06%.
Hiện nay, cả nước có 14 ổ dịch VDNC tại 4 tỉnh Long An, Tiền Giang, Khánh Hòa và Quảng Ngãi chưa qua 21 ngày.
Đối với bệnh tai xanh, TS Phan Văn Minh cũng đưa ra nhận định, trong thời gian tới, có thể xuất hiện các ổ dịch nhỏ lẻ trên địa bàn có ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả là tổ chức tiêm phòng triệt để cho đàn lợn và áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh.
Ngoài những bệnh phổ biến trên, những bệnh thông thường khác trên gia súc, gia cầm như: dịch tả lợn cổ điển, tụ huyết trùng, phó thương hàn, đóng dấu lợn, Niu-cát-xơn, Gumboro… được phát hiện và kiểm soát tốt, không gây thành dịch lớn. Hiện nay, đã có các loại vắc-xin đề phòng những bệnh này có hiệu quả, nhiều loại vắc-xin được sản xuất trong nước.
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y đã đề nghị các địa phương tập trung nguồn lực và khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh gia súc, gia cầm theo quy định của Luật Thú y. Đồng thời thực hiện hiệu quả các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ NNPTNT và của Cục Thú y.
Đối với các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, cần hướng dẫn đôn đốc, giám sát, tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình, Kế hoạch quốc gia, bao gồm: “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019- 2025”; “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, giai đoạn 2019-2025”; Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Lở mồm long móng, giai đoạn 2021-2025”; “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục, giai đoạn 2022-2030”; “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022-2030”.
Về công tác dịch tễ, TS Phan Văn Minh đề xuất các địa phương tổ chức giám sát chủ động sự lưu hành và biến đổi của vi rút CGC tại chợ buôn bán gia cầm sống, gia cầm nhập lậu. Giám sát lưu hành và giám sát sau tiêm phòng đối với bệnh LMLM; xác định hiệu lực các loại vắc-xin phù hợp; xây dựng bản đồ dịch tễ của các bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm để làm căn cứ chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh; tăng cường năng lực xét nghiệm.
Bênh cạnh đó cần tiếp tục triển khai các dự án, hoạt động hỗ trợ của quốc tế và các nước như FAO, CDC Hoa Kỳ, USDA, DTRA, PATH, WCS… về chủ động giám sát, cảnh báo và phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.